Cán bộ xã chiếm đoạt hàng tỷ đồng của dân?

14/04/2014 - 21:19

PNO - PN - Trong khi 70 hộ dân xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi (TP.HCM) khốn khổ vì bị Ngân hàng chính sách xã hội ráo riết đòi nợ, thì bà Phạm Thị Trông - cán bộ xóa đói giảm nghèo của xã, sau khi “thay mặt” Ngân hàng chính sách xã hội thu...

edf40wrjww2tblPage:Content

 Ngân hàng “nhờ” thu nợ giùm?

Tiếp xúc với phóng viên, bà Nguyễn Thị Cỡ, ngụ ấp Xóm Trại ứa nước mắt kể: “Chúng tôi là dân bị giải tỏa do dự án Thảo Cầm Viên, về đây tái định cư, không có tiền làm ăn nên được Nhà nước cho vay theo dự án số 156 (Dự án xóa nghèo cho người dân tái định cư) của UBND TP.HCM. Đợt vay ngày 13/1/2012 có 24 hộ, mỗi hộ vay từ mười đến 30 triệu đồng, lãi suất 0,17%. Số vốn còn lại sẽ trả hai lần, tức vào ngày 13/1/2013 và 13/1/2014. Ngày 9/1/2013, tất cả các hộ dân trong dự án đều nhận được thư mời có mặt lúc 8g ngày 9/1/2013 tại trụ sở UBND xã với lý do: “Nộp vốn dự án 156” do bà Phan Lệ Quyên - Phó chủ tịch UBND xã An Nhơn Tây ký, có đóng dấu đỏ. Chúng tôi chạy lo tiền bạc để nộp đủ theo quy định. Không ngờ, bà Phạm Thị Trông, cán bộ xóa đói giảm nghèo (XĐGN) đã lấy tiền của chúng tôi bỏ túi. Đến tháng 1/2014, Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) thông báo số dư nợ, chúng tôi mới biết mình bị lừa”.

Khi phóng viên tìm hiểu sự việc, đã phát hiện không chỉ 24 hộ dân của đợt vay ngày 13/1/2012 mà cả 46 hộ của những đợt vay trước đó cũng bị bà Trông “thu giùm nợ” cho ngân hàng và chiếm đoạt hết.

Clip ghi nhận lời kể, bằng chứng của gia đình "nạn nhân" Đoàn Thị Gái

Ngày 3/9/2013, NHCSXH gửi thông báo “nợ đến hạn” tới một số hộ dân vay đợt ngày 13/11/2009, trong đó có hộ bà Đoàn Thị Gái (ấp Bàu Đưng). Theo đó, ngân hàng yêu cầu hộ của bà Gái phải trả 30 triệu đồng và lãi phát sinh, trong khi gia đình này đã trả nợ cho bà Trông số tiền 31.836.000đ vào ngày 16/8/2012. Ông Nguyễn Xuân Tài (chồng bà Gái) cho biết, vợ chồng ông đã đi nộp tiền theo thư mời do phó chủ tịch xã ký tên, đóng mộc. Ông thắc mắc: “Hợp đồng của vợ chồng tôi đã hết hạn từ năm 2011, bỗng dưng bốn năm sau NHCSXH mới thông báo đến hạn trả nợ? Ngân hàng quản lý kiểu gì? Tại sao trong suốt thời gian chúng tôi vay vốn, ngân hàng không một lần điện thoại, gửi thư nhắc nợ đến hạn, toàn để bà Trông đại diện rồi giờ hết hạn hợp đồng quá hai năm họ mới nhắc?”.

Khi được hỏi chính quyền địa phương tiếp nhận thông tin phản ảnh của người dân thế nào, ông Tài bức xúc: “Phía ngân hàng và chính quyền các cấp đều khẳng định chúng tôi vi phạm hợp đồng, phải trả lại tiền cho ngân hàng, còn việc bà Trông chiếm dụng vốn của chúng tôi là việc của… bà ấy”.

Can bo xa chiem doat hang ty dong cua dan?

Các hộ dân trình bày sự việc với phóng viên

Phó chủ tịch xã ký khống hàng trăm thư mời nộp tiền

Tại buổi làm việc với phóng viên Báo Phụ Nữ, ông Trần Trung Nghĩa, Chủ tịch UBND xã An Nhơn Tây xác nhận phản ảnh của người dân là đúng sự thật. Bà Trông đã lợi dụng chức vụ để trục lợi cá nhân. Ông nói: “Tháng 9/2013, khi NHCSXH thông báo nợ đến hạn của mười mấy hộ dân vay đợt 2009, chúng tôi đã phát hiện bà Trông chiếm dụng vốn của dân. Vì có mưu đồ từ trước nên bà Trông đã làm thư mời dân lên xã để nộp tiền, nói là bà thu giúp cho NHCSXH. Vì thấy giấy mời có mộc đỏ và chữ ký của Phó chủ tịch xã (bà Phan Lệ Quyên - phóng viên), người dân đã tin tưởng nộp tiền cho bà Trông”.

“Vì sao chính phó chủ tịch xã ký giấy mời dân nộp tiền mà giờ chính quyền xã thoái thác trách nhiệm?”, ông Nghĩa nói: “Vì lúc đó bà Lệ Quyên mới được điều chuyển về xã một thời gian ngắn, cán bộ XĐGN đề nghị ký thư mời (khống) với lý do: “nhắc dân đến hạn trả nợ”, thấy cũng bình thường nên đã ký (hàng trăm thư mời - phóng viên). Bà Quyên đã thừa nhận có sai sót, chủ quan khi ký khống thư mời”.

Ông Phan Huỳnh Đồng - Giám đốc NHCSXH huyện Củ Chi cho biết: “Ngân hàng chúng tôi có lịch làm việc ở xã An Nhơn Tây định kỳ vào ngày 13 hàng tháng, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, việc này đã được thông báo công khai… Bà Trông không phải là cán bộ hay đại diện của ngân hàng, chúng tôi cũng không yêu cầu bà Trông thu nợ giúp. Vì vậy, hai vụ việc này độc lập với nhau. Để làm rõ sự việc, chúng tôi đã xin ý kiến lãnh đạo huyện và cung cấp toàn bộ chứng cứ cho cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) công an huyện Củ Chi. Tuy nhiên, theo cơ quan CSĐT, người dân không hợp tác, không cung cấp đủ chứng từ nên dù sự việc xảy ra đã nhiều tháng, vẫn chưa đủ cơ sở kết luận”.

Can bo xa chiem doat hang ty dong cua dan?

Lập lờ trách nhiệm

Giải thích vì sao không cung cấp chứng từ liên quan để cơ quan chức năng có cơ sở giải quyết vụ việc, ông Lê Văn Nông, ấp Bàu Đưng nói: “Công an có bắt tôi cũng không nộp chứng từ này vì đây là bằng chứng tôi đã trả hết nợ rồi”. Giải thích vì sao không tin vào cơ quan chức năng, ông Nguyễn Xuân Tài nói: “Ngân hàng nói không liên quan gì với bà Trông nhưng tại sao ngày 19/3/2014, khi tiếp xúc, đối chất giữa ngân hàng, lãnh đạo huyện, xã, bà Trông nói rõ ràng: “Hơn 20 năm làm công tác XĐGN tôi đã đại diện NHCSXH thu nợ, nộp nợ giúp dân” mà không một ai phản đối? Giờ nói chúng tôi trả sai, bị lừa gạt thì tự chịu là sao? Có cán bộ còn hướng dẫn tôi làm đơn tố cáo bà Trông, đừng tố cáo chính quyền chung chung vì tội ai, người ấy phải chịu”.

Clip ghi nhận lời kể của "nạn nhân" là ông Nguyễn Văn Ấu

Bà Lưu Thị Minh, ngụ ấp Xóm Trại cũng khẳng định: “Ngay từ đầu, không phải NHCSXH mà là bà Trông đến từng nhà để khảo sát nhu cầu vay vốn. Khi chúng tôi được xác nhận cấp vốn, vừa nhận tiền xong, tất cả đều phải nộp ngay lãi (cả hai năm) cho bà Trông trong cùng một hội trường nơi NHCSXH giao vốn, có sự chứng kiến của nhân viên ngân hàng mà NHCSXH lại nói không nhờ bà Trông đại diện là thế nào? Ngân hàng có thu lãi ngay lập tức không? Hay số tiền lãi đó cũng bị bà Trông chiếm đoạt? Quan trọng hơn, đây không phải là lần đầu các hộ vay vốn, nộp vốn, lãi cho cán bộ Trông thay mình đi nộp ở NHCSXH, mà rất nhiều hộ đã vay đến lần thứ hai, thứ ba đều đã được bà Trông “giúp tận tình” như vậy”.

Sau khi nhận được phản ảnh của người dân, chính quyền huyện Củ Chi đã chỉ đạo trình tự giải quyết vụ việc, nhưng gần sáu tháng trôi qua, người dân vẫn là những “con nợ quá hạn” của NHCSXH. Bà Trông thì bị đình chỉ công tác vào ngày 14/11/2013 để điều tra, nhưng ngày 20/3/2014, UBND xã lại mời bà Trông... trở lại làm việc. Hiện bà Trông đang là cán bộ xã hỗ trợ công tác dân số kế hoạch hóa gia đình.

Sự việc đã quá rõ ràng, người dân đã nộp tiền đầy đủ cho cán bộ phụ trách XĐGN của xã ngay tại UBND xã, theo giấy mời của xã thì không thể nói người dân bị lừa do một cá nhân được. Lãnh đạo ký khống thư mời để bà Trông chiếm dụng vốn mà nay không chịu trách nhiệm gì là rất vô lý. Chính quyền xã không làm tròn trách nhệm quản lý với cán bộ của mình gây hậu quả thì chính quyền xã phải chịu trách nhiệm, không thể đổ thừa cho người dân.

 NGHI ANH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI