Cần bộ tiêu chí cụ thể để doanh nghiệp thực hành ESG

13/06/2024 - 16:59

PNO - Việt Nam cần có bộ tiêu chuẩn chung về thực hành ESG (môi trường, trách nhiệm xã hội và quản trị) để các doanh nghiệp có thể lồng ghép vào hoạt động của doanh nghiệp.

Đây là nội dung được đưa ra tại Diễn đàn ESG với chủ đề “Từ ý tưởng đến hành động” do Tạp chí Kinh tế Sài gòn phối hợp với Tiểu ban Phát triển Xanh của EuroCham (GGSC) thực hiện sáng ngày 13/6 tại TPHCM.

Bà Dzeneta Mulabegovic - Chuyên gia Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam - cho biết, thực hiện ESG có thể đem đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như tạo lợi thế cạnh tranh tốt hơn.

Thực tế, có tới 87% nhà đầu tư tin tưởng rằng những doanh nghiệp có thực hiện ESG sẽ tạo ra lợi nhuận tốt hơn trong dài hạn so với những doanh nghiệp không thực hiện ESG.

Theo khảo sát của PwC năm 2022, có tới 80% doanh nghiệp Việt Nam có cam kết về việc thực hiện ESG. Tuy nhiên, sự thiếu hụt về quản trị đã ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện. Và các công bố về ESG vẫn chưa có nhiều.

Việt Nam cần có bộ tiêu chuẩn chung về ESG để các doanh nghiệp có thể lồng ghép vào hoạt động của doanh nghiệp
Việt Nam cần có bộ tiêu chuẩn chung về ESG để các doanh nghiệp có thể lồng ghép vào hoạt động của doanh nghiệp

Đồng quan điểm, ông Trương Anh Hải - Phó Tổng Giám Đốc phụ trách An Toàn, Sức Khỏe, Môi Trường & Cộng Đồng - NS Bluescope, mỗi năm toàn cầu phát thải hơn 30 tỉ tấn carbon. Trong đó các ngành phát thải nhiều nhất gồm năng lượng, xi măng, thép...

Dẫn ví dụ cụ thể, ông Hải cho biết, để sản xuất 1 tấn thép, phải phát thải 1,8 tấn carbon. Như vậy, với sản lượng thép sản xuất trung bình mỗi năm khoảng 1,7 tỉ tấn, sẽ phát thải hơn 3 tỉ tấn carbon.

Thời gian qua, tại Việt Nam đã bắt đầu có những tiêu chí để đánh giá ESG cho các ngành xây dựng, nông nghiệp, thực phẩm... Tuy nhiên, vẫn chưa có một bộ tiêu chí chung dành cho các doanh nghiệp thực hiện ESG. Điều này khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi phải tự mò mẫm.

Thuật ngữ ESG không mới, tuy nhiên các doanh nghiệp Việt Nam đa phần chưa có kinh nghiệm trong việc triển khai. "Để có thể đạt được những kết quả tốt nhất khi thực hành ESG, cần bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất. Trong đó, lãnh đạo phải là người nhận thức và hành động đầu tiên", ông Hải nhấn mạnh.

Bà Betty Pallarrd - Chuyên gia tài chính khí hậu Climate Finance Export cho biết, trong 2 năm qua, đơn vị đã cấp 1,3 tỉ USD vốn xanh cho thị trường toàn cầu. Dự báo, đến năm 2026 sẽ có khoảng 10.000 tỉ USD vốn đầu tư để cung cấp cho các dự án xanh, dự án phát triển bền vững.

Tại Việt Nam, nguồn vốn xanh tài trợ chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng, trong khi đó, các lĩnh vực khác như bảo vệ nguồn nước, phát triển xã hội cũng cần nguồn tài chính lớn để phát triển.

Để doanh nghiệp thực hành tốt về ESG, bà Dzeneta Mulabegovic - Chuyên gia phát triển bền vững UNDP Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần có bộ tiêu chuẩn chung về ESG để các doanh nghiệp có thể lồng ghép vào hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời phải nâng cao năng lực cho đội ngũ lãnh đạo, nhân viên.

Về phía doanh nghiệp, doanh nghiệp Việt Nam có thể học hỏi và áp dụng nhiều kinh nghiệm quý báu từ thực hành ESG trên thế giới, trong đó có tập trung vào tầm nhìn dài hạn, tránh sa đà vào lợi ích trước mắt và chú trọng đầu tư cho tương lai, nhất là khi người tiêu dùng sẽ ngày càng đề cao các công ty tuân thủ ESG và sẵn sàng thực hành ESG.

Hà Duyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI