"Một số cán bộ suy nghĩ thiển cận"
Chiều ngày 25/10, ông Vân My - BCH Hội từ thiện Thiện Tâm tỏ ra rất bức xúc trước việc một số cán bộ ở Thị xã Ba Đồn, Quảng Bình thu lại tiền mà các đoàn từ thiện hỗ trợ người dân trên địa bàn. Theo ông My, với quy mô của hầu hết các đoàn từ thiện hiện nay chỉ có thể đi đến một số gia đình có hoàn cảnh đặc biệt để phát quà chứ không thể đáp ứng đủ hết mọi người.
"Khi đến làm từ thiện mình phải liên hệ với chính quyền địa phương, thôn xóm để họ dẫn mình đi để tránh những vấn đề nảy sinh sau việc hỗ trợ từ thiện" - ông My nói.
Nói về việc thu lại tiền hỗ trợ của các cán bộ thôn ở thị xã Ba Đồn, ông My cho hay: "Nhiều khi vì mục tiêu chung, các cán bộ thôn làm với động cơ tốt nhưng người dân không biết. Trong một thôn mà có gia đình nhận được nhiều tiền hỗ trợ quá, còn có gia đình lại không nhận được đồng nào thì đúng là không công bằng".
|
Các cụ già nhận tiền cứu trợ cũng bị thu lại (Ảnh TTT). |
Chính vì thế, ông My cho rằng cần phải điều tra động cơ sâu sa của một số cán bộ thôn tại Thị xã Ba Đồn là tốt hay xấu để có cái nhìn khách quan. Ông My chia sẻ: "Dù mình làm từ thiện nhưng mình vẫn phải thể hiện sự tôn trọng chính quyền địa phương, những người đang gặp hoàn cảnh khó khăn để tránh các sự việc đáng tiếc".
Trong khi đó, anh Lê Trung - một người thường xuyên thực hiện các đợt hỗ trợ từ thiện xã hội cho biết: "Nếu như các đoàn từ thiện đưa cho cán bộ địa phương để họ điều phối thì lại là một câu chuyện khác. Nhưng đây đoàn từ thiện trao tận tay cho người dân thì dù với bất cứ lý do gì, việc các cán bộ thôn thu lại tiền hỗ trợ từ số tiền từ thiện đã phát cho dân là hành động sai trái. Đó có thể là do suy nghĩ thiển cận, quá ngắn...".
"Cán bộ thu lại quà hỗ trợ: Chuyện thường!"
Anh Trung chia sẻ, thực tế trong đợt từ thiện tại các tỉnh miền Trung bị lụt có địa phương tiếp đến 37 đoàn từ thiện khác nhau trong một ngày. Bởi, tâm lý ai cũng muốn đến nơi thiếu thốn, khó khăn nhất.
Phần lớn trong số đó là các đoàn từ thiện tự phát, họ đến trao quà cho các hộ dân mà không thông qua chính quyền địa phương. Lý giải về điều này, anh Trung cho rằng: "Các nhóm, cá nhà hảo tâm đang mất lòng tin vào các đội ngũ từ thiện chuyên nghiệp nên họ mới làm theo kiểu tự phát như Phan Anh, Tuấn Hưng hay rất nhiều người khác đến với miền Trung trong thời gian vừa qua".
Việc từ thiện tự phát cho thấy mặt tích cực rất là tốt khi cá nhân, tập thể hòa chung với sự mất mát của đồng bào. Nhưng bên cạnh đó cũng có mặt tiêu cực khi thông tin họ nắm được không xác thực mà theo kiểu người này nói, người kia nói hay xảy ra sự việc tiêu cực như cán bộ thu lại tiền như ở thị xã Ba Đồn.
|
Ông Lê Văn Luận - Phó thôn Trung Thôn (bên trái) trần tình vụ việc thu lại tiền hỗ trợ của dân (Ảnh NLĐ). |
Các đoàn từ thiện đều rất nhiệt tình nhưng họ lại không có một chút kinh nghiệm nào cả. Bản thân anh Trung cũng đã từng có lần đi làm từ thiện và gặp phải sự cố cán bộ thu lại quà đã phát cho người dân.
"Đó là khi chúng tôi đến một trung tâm bảo trợ xã hội ở huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình. Khi chúng tôi trao quà gồm gạo và mỳ tôm cho những người ở đây nhưng sau đó cán bộ đã thu lại vì đoàn nào đến đây cũng tặng gạo với mỳ tôm, còn quá nhiều để dùng" - anh Trung kể.
Từ lần đó, anh Trung rút ra kinh nghiệm, trước khi định làm từ thiện tại một nơi nào đó thì chúng ta phải xuống khảo sát trước. Việc khảo sát này cũng phải đảm bảo được tính chính xác và nhanh chóng vì có thể hoàn cảnh của 1 người hôm nay khác ngày hôm qua.
Anh Trung còn cho biết, việc thực hiện hiện nay còn mang nhiều tính chất "cào bằng". Nghĩa là, nhà ngói cũng nhận được quà như nhà tầng. "Thường các đoàn đi xe ô tô đến địa phương mà đường không đi được nữa thì xuống xe phát quà cho người dân. Trong khi đó, nhiều hộ dân ở sâu bên trong, phải đi bộ mới tơi nơi thì đang gặp khó khăn hơn rất nhiều so với các hộ dân ở ngoài thì lại không nhận được hỗ trợ" - anh Trung chia sẻ.
Ngày 24/10, một số hộ dân ở thôn Trung Thôn, xã Quảng Trung (thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) phản ánh bị cán bộ thôn thu lại 400.000 đồng từ khoản tiền hỗ trợ 500.000 đồng của một đoàn từ thiện. Nếu gia đình nào không nộp lại thì sẽ không được hỗ trợ tiếp trong những đợt sau.
Lý giải về việc này, ông Lê Văn Luận - Phó thôn Trung Thôn cho biết mục đích là vì dân. "Chúng tôi thu lại 400/500 ngàn đồng số tiền cứu trợ là để lấy mặt bằng toàn bộ, sau đó cân bằng mặt hàng rồi lập danh sách chia đều cho dân chứ chúng tôi không bỏ túi riêng”, ông Luận khẳng định với NLĐ.
Trao đổi với báo chí về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Hoài - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nói: "Chúng tôi đang cho kiểm tra. Nếu sự việc xảy ra đúng như vậy thì cách chức ngay những cán bộ này chứ không nói gì nữa".
|
Đông Tẩu