Cán bộ tắc trách, cụ bà 83 tuổi mòn mỏi đợi giấy chủ quyền

16/09/2020 - 15:14

PNO - Tuổi cao, sức yếu, muốn làm xong giấy chủ quyền để chuyển nhượng tài sản cho con cháu nhưng sau ba tháng, hồ sơ của bà Oanh vẫn chưa được giải quyết dù hồ sơ đầy đủ.

Cán bộ qua loa, cụ bà chịu khổ

Nhà cụ Oanh và Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) quận Tân Phú gần nhau nhưng con đường để nhận giấy chủ quyền lại cứ xa vời vợi. Cụ Trần Thị Oanh - 83 tuổi, ở phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, TPHCM - buồn bã: “Sắp qua tháng thứ ba rồi, không biết họ có hẹn tháng sau nữa không. Đi bỏ một dòng chữ trong giấy chủ quyền mà từ tháng Sáu tới bây giờ chưa xong”.

Giấy hẹn trả kết quả ghi ngày 23/7 nhưng đến ngày 15/9, cụ bà 83 tuổi vẫn chưa nhận được giấy chủ quyền
Giấy hẹn trả kết quả ghi ngày 23/7 nhưng đến ngày 15/9, cụ bà 83 tuổi vẫn chưa nhận được giấy chủ quyền

Năm 2015, gia đình cụ Oanh được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền trên đất (gọi tắt là giấy chủ quyền) tại thửa đất số 39, tờ bản đồ số 17 ở phường Phú Thạnh với diện tích 117,4m2. Thời điểm đó, gia đình cụ Oanh chưa nộp tiền sử dụng đất nên ở phần “nội dung thay đổi và cơ sở pháp lý” trong giấy chủ quyền có ghi dòng chữ “nợ tiền sử dụng đất” với số tiền hơn 100 triệu đồng. Gia đình cụ Oanh có nghĩa vụ thanh toán số tiền này trong thời hạn 5 năm.

Đến tháng 5/2020, gia đình cụ Oanh đã hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với căn nhà, thửa đất nói trên. Ngày 11/5/2020, Chi cục Thuế quận Tân Phú đã có “phiếu báo” gửi Chi nhánh VPĐKĐĐ quận Tân Phú với nội dung: gia đình cụ Oanh đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các khoản thu liên quan đến căn nhà, thửa đất mà cụ và con trai đứng tên chủ quyền.

Sau đó, cụ Oanh đi làm hồ sơ để đăng ký thay đổi biến động do thay đổi nghĩa vụ tài chính thì phát hiện người đồng sở hữu (con trai cụ Oanh) bị mất giấy chứng nhận nên đã làm “đề nghị cấp lại giấy chứng nhận hoặc trang bổ sung”.

Ngày 5/6, Chi nhánh VPĐKĐĐ quận Tân Phú đã tiếp nhận hồ sơ và hẹn ngày 23/7/2020 sẽ trả kết quả. Đến ngày 22/7 (trước hẹn một ngày), có một người gọi điện thoại, yêu cầu gia đình cụ Oanh đến Chi nhánh VPĐKĐĐ quận Tân Phú. Đến nơi, đơn vị này không trả kết quả mà chỉ phô-tô một tờ giấy, thông tin rằng sẽ bổ sung vào hồ sơ và hẹn thêm một tháng nữa.

Ngày 24/8, gia đình cụ Oanh tiếp tục liên hệ với Chi nhánh VPĐKĐĐ quận Tân Phú thì được thông tin là chưa có kết quả do hồ sơ đang chuyển lên cấp thành phố, đề nghị tháng sau gọi điện để hỏi thông tin.

Cụ Oanh bày tỏ: “Tôi năm nay đã cao tuổi, muốn làm xong giấy chủ quyền để chuyển nhượng, cho tặng con cháu dễ dàng. Vậy mà họ liên tục trễ hẹn và chỉ thông báo miệng khiến tôi rất bức xúc. Trong khi thành phố đang cải cách hành chính, giảm phiền hà cho dân mà VPĐKĐĐ cứ hứa miệng về thời gian cấp giấy chủ quyền như vậy, sao tôi hài lòng?”.

Chậm trễ do xác nhận lòng vòng 

Trong văn bản trả lời Báo Phụ Nữ TPHCM, ông Trương Công Định - Giám đốc Chi nhánh VPĐKĐĐ quận Tân Phú - xác nhận, ngày 5/6, gia đình cụ Oanh đã nộp hồ sơ đề nghị cấp lại giấy chứng nhận theo hiện trạng bản vẽ và một số giấy tờ liên quan. Sau đó, đơn vị đã có công văn đề nghị UBND phường Phú Thạnh niêm yết thông báo mất giấy chứng nhận, xác nhận đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận, tình trạng tranh chấp đất đai, thời điểm xây dựng nhà…

Ngày 20/7, UBND phường Phú Thạnh đã có thông báo với nội dung: “Thời gian niêm yết công khai từ ngày 16/6 đến 15/7 tại UBND phường Phú Thạnh và khu dân cư nơi có đất, tài sản gắn liền với đất. Tại thời điểm xác nhận đơn, hiện không có tranh chấp”.

Bảy ngày sau đó, Chi nhánh VPĐKĐĐ quận Tân Phú gửi tiếp công văn đề nghị UBND phường xác nhận rõ nội dung tranh chấp của căn nhà trên sau thời gian niêm yết chứ không phải xác nhận tại thời điểm xác nhận đơn.

18 ngày sau, UBND phường Phú Thạnh mới có công văn xác nhận lại: “Sau khi hết thời hạn niêm yết, UBND phường không nhận được đơn tranh chấp hoặc khiếu nại với nhà đất trên”.

Ngày 19/8, Chi nhánh VPĐKĐĐ quận Tân Phú đã tham mưu cho VPĐKĐĐ TPHCM trình Sở Tài nguyên và Môi trường giải quyết hồ sơ của cụ Oanh. Đến ngày 15/9, hồ sơ của cụ Oanh vẫn chưa được giải quyết.

Trong văn bản trả lời Báo Phụ Nữ TPHCM, Chi nhánh VPĐKĐĐ quận Tân Phú chỉ giải thích các bước thực hiện thủ tục chứ không nêu lý do khiến hồ sơ của cụ bà 83 tuổi bị trễ hẹn nhiều tháng.

Luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, thời gian giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai được quy định tại điểm i và điểm q khoản 2, điều 61, Nghị định 43/2014/NĐ-CP (hướng dẫn thi hành luật đất đai, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 01/2017/NĐ-CP) là không quá 10 ngày đối với trường hợp “đăng ký biến động… do thay đổi nghĩa vụ tài chính” và “cấp lại giấy chứng nhận, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở”.

Theo diễn tiến vụ việc của cụ Oanh, có thể thấy, khi Chi nhánh VPĐKĐĐ quận Tân Phú có văn bản đề nghị UBND phường Phú Thạnh xác nhận thì đơn vị này xác nhận “tại thời điểm xác nhận đơn” nên phải xác nhận lại, gây mất thời gian. Vướng mắc này là do cơ quan chức năng tạo ra chứ không phải thiếu sót của người dân.

“Trong trường hợp của cụ Oanh, từ lúc tiếp nhận hồ sơ đến nay đã hơn 3 tháng, vẫn chưa có kết quả là trái với luật định. Chính sự tắc trách của cơ quan có thẩm quyền đã gây phiền hà cho dân” - luật sư Tri Đức nhận xét.  

Sao không xin lỗi người dân?

Những năm gần đây, UBND TPHCM rất chú trọng vấn đề cải cách hành chính, đặt sự hài lòng của người dân lên hàng đầu nên đã ban hành “Quy định về thư xin lỗi trong trường hợp giải quyết thủ tục hành chính trễ hẹn trên địa bàn TPHCM”.

Theo tôi biết, một số VPĐKĐĐ vẫn để xảy ra trễ hẹn nhưng khi trễ hẹn, họ có “thư xin lỗi” gửi đến người dân, nêu lý do rất rõ ràng. Điều này khiến người dân yên tâm, hài lòng. Tôi thắc mắc là với trường hợp cụ Oanh, tại sao Chi nhánh VPĐKĐĐ quận Tân Phú không có “thư xin lỗi” theo quy định mà chỉ “báo miệng” gây bức xúc cho người dân. 

Luật sư Nguyễn Tri Đức

Sơn Vinh

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI