PNO - LTS: Tham gia viết các chuyên đề lịch sử kháng chiến Nam Bộ, nhà văn Trầm Hương có nhiều dịp gặp gỡ, làm việc với Thủ tướng Võ Văn Kiệt (người cùng thời vẫn quen gọi thân thiết là chú Sáu Dân) và nhiều nữ chiến sĩ cách mạng. Nhân 100 năm ngày sinh Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt (23/11/1922 - 23/11/2022), Báo Phụ nữ TPHCM xin giới thiệu những câu chuyện - dấu ấn sâu đậm về chú Sáu Dân mà nhà văn Trầm Hương đã ghi lại qua ký ức của nhiều người.
Giờ đây, khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đi xa, lần giở lại những quyển sổ tay ghi chép, tôi chợt nhận ra, chú Sáu Dân không chỉ để lại dấu ấn sâu đậm trong cán bộ phụ nữ mà còn gần gũi, sát cánh với các hoạt động phong trào phụ nữ của TPHCM trong chiến tranh cho đến ngày hòa bình.
Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Văn Kiệt cùng nam, nữ thanh niên xung phong năm 1977 - Ảnh tư liệu
Vị Bí thư Khu ủy tận tình
Kỷ niệm 40 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968, bà Nguyễn Thị Tấn (Ba Hồng) - nguyên Khu ủy viên, Trưởng ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định - đến Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, trao cho tôi bức ảnh bà cất giữ hơn 40 năm mà bà xem như một báu vật. Đó là bức ảnh bà được chụp chung với các lãnh đạo Trung ương Cục Miền Nam khi được triệu về Rừng Nhum - căn cứ Trung ương Cục - vào tháng Chạp năm 1967 tham dự cuộc họp chuẩn bị cho cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa.
Bà chỉ cho tôi từng cán bộ lãnh đạo trong bức ảnh từ trái qua. Trong ảnh, có ông Võ Văn Kiệt - Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, Nguyễn Thái Sơn (Bảy Bình) - Phó bí thư Khu ủy. Trong kế hoạch tổng khởi nghĩa Mậu Thân 1968, ông Võ Văn Kiệt là Bí thư Tiền phương, phụ trách các đơn vị chủ lực ở phía Nam, một phần Tây Nam, gồm quận 1 đến quận 8, phân khu 3 và một phần phân khu 2 tỉnh Long An; chỉ huy toàn bộ lực lượng biệt động cấp thành phố, các tổ vũ trang biệt động của các ban ngành, đoàn thể nội thành đánh vào các mục tiêu nội đô; phát động quần chúng nổi dậy.
Sau cuộc họp ở Rừng Nhum, trở về nội đô, bà Nguyễn Thị Tấn lãnh đạo mũi phụ vận tích cực xây dựng lực lượng, chuẩn bị cơ sở cho cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa. Một bộ phận Ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định còn được lệnh của Khu ủy xâm nhập, xây dựng cơ sở, các lõm chính trị, chuẩn bị lực lượng nổi dậy ở các vùng ven đô.
Bà Nguyễn Thị Tấn (Ba Hồng) - Trưởng ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định - rất quý bức ảnh này, giữ kỹ trong hàng chục năm. Bức ảnh được chụp trong cuộc họp vào tháng 12/1967 tại Rừng Nhum với lãnh đạo Trung ương Cục Miền Nam, có Bí thư Tiền phương Võ Văn Kiệt (thứ nhất từ phải sang) để chuẩn bị cho cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa Mậu Thân 1968
Khắp các quận, huyện Bình Chánh, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức, lực lượng cán bộ phụ vận được tăng cường. Trong sự kiểm soát dày đặc của chính quyền Sài Gòn, ngày 28 tết, Ban Phụ vận tổ chức được cuộc biểu tình ấn tượng với hơn 10.000 quần chúng tham gia, rải 40 tờ truyền đơn, thả chim bồ câu mang cờ đỏ sao vàng, khẩu hiệu kêu gọi quần chúng nổi dậy.
Ban Phụ vận đã tìm cách đưa người công khai thành lập Trung tâm Cứu trợ nạn nhân chiến cuộc, dùng thế hợp pháp nuôi giấu, che chở, cứu chữa thương binh, cán bộ chiến sĩ Quân Giải phóng ngay trước mắt địch. Những ngày Mậu Thân sống dậy mãnh liệt trong ký ức dì Nguyễn Thị Tấn, gắn với Rừng Nhum và chiếc bình toong bà mang theo bên mình mỗi khi ra vào căn cứ...
Vài ngày sau nghe tin chú Sáu Dân mất (12/6/2008), gặp tôi, bà Nguyễn Thị Tấn nghẹn ngào kể: “Mới đây, trong dịp kỷ niệm tết Mậu Thân, tôi còn gặp anh mà. Anh có biết bao kỷ niệm, nghĩa tình đối với gia đình tôi. Khi tôi từ miền Tây lên miền Đông, phụ trách công tác phụ vận T4, anh Sáu chỉ biểu cặn kẽ nhiều điều, từ kinh nghiệm hoạt động nội thành đến cách ứng xử với người dân nội đô khi xâm nhập. Anh dặn phải biết nén tình riêng, cắt liên lạc với gia đình, con cái để bảo toàn bí mật cách mạng. Nhờ vậy, tôi hoạt động nội đô trong nhiều năm mà không bị bắt”.
Bà tiếp: “Sau ngày hòa bình, anh Sáu phân công cho tôi phụ trách thương nghiệp. Anh đã có những chỉ đạo kịp thời, như đổi hàng hóa lấy gạo, nhằm giảm bớt tình hình căng thẳng về lương thực cho thành phố. Anh chỉ đạo thành lập hợp tác xã để người dân chủ động mua hàng thay vì thụ động được phân phối. Chồng tôi từng là Phó bí thư Khu ủy, anh Sáu là Bí thư nên anh có mối quan hệ mật thiết với gia đình tôi. Ngày chồng tôi mất, không dự được tang lễ, anh Sáu cứ day dứt không yên”.
Một người lạc quan, giản dị
Chuyện vui về chú Sáu Dân cũng rất nhiều. Sinh thời, bà Trần Thị Mỹ (Paulin Mỹ) - nguyên cán bộ Hội LHPN TPHCM, phụ trách Trung tâm Bảo trợ bà mẹ cô đơn - kể: “Hồi trong căn cứ Củ Chi, gặp anh Sáu, trong lúc trò chuyện vui vẻ, tôi nói: “Anh Sáu nè, kể ra cuộc đời tôi có nhiều cái ngu”. Anh Sáu thủng thỉnh nói: “Đâu chị kể nghe coi”. “Cái ngu thứ nhất là tôi không biết ăn mít tố nữ”. Anh tỏ vẻ ơ hờ nói: “Ờ”. “Cái ngu thứ hai là tôi không biết ăn sầu riêng”. “Ờ”. “Cái ngu thứ ba là không ăn được vú sữa”. Nghe tới đó, anh Sáu không còn ơ hờ nữa mà vỗ tay cái bốp, nói: “Ờ, phải rồi, ngu ơi là ngu”.
Theo bà, sự giản dị, lạc quan của ông Sáu Dân là nguồn động viên rất lớn đối với mọi người trong căn cứ: “Tôi nhớ có lần, anh tạt qua cơ quan, ngồi xổm ăn chén cơm với vài con mắm. Đó là lúc giặc bố ráp rất ác liệt, anh em không dễ tìm ra cái ăn. Đồng chí bảo vệ Tư Điền thấy anh Sáu ăn uống kham khổ, rớt nước mắt nói: “Chú Chín ơi (hồi đó, chúng tôi gọi anh Sáu là Chín Dũng), ăn uống vầy, tội nghiệp chú quá”. Anh Sáu cười nói: “Đừng lo, tao còn bộ đồ tây chớ bộ”. Nghe anh nói giỡn, mọi người bật cười mà không cầm được nước mắt thương anh. Bản tính bình tĩnh, lạc quan của anh Sáu đã động viên chúng tôi trong những thời khắc muôn vàn khó khăn của cuộc kháng chiến”.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt ân cần thăm hỏi nữ y tá, giao liên Nguyễn Thị Hiền (Sáu Quăn) trong ngày giỗ biệt động nhân kỷ niệm 40 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968 - ẢNH: TRẦM HƯƠNG
Bà Mỹ kể tiếp: “Tôi nhớ ngày mùng Hai tết năm 1962, chị Chín Dũng (vợ anh Sáu) từ miền Tây dắt 2 con đi trên chiếc tàu Thuận Phong lên Củ Chi thăm anh. Nào ngờ, địch bắn chìm tàu, vợ và 2 con thơ của anh Sáu trúng đạn chết. Đó là cái tết tang tóc trong cuộc đời anh. Nỗi đau ấy quá lớn, quá sức chịu đựng của anh. Chị em đến chia buồn, an ủi anh. Sợ chúng tôi buồn, lo lắng, anh nói lời cảm ơn, cố mỉm cười cho chúng tôi yên tâm. Thấy anh cười mà chúng tôi muốn khóc. Anh là vậy, cắn răng chịu đựng những đau khổ, mất mát riêng tư với sự can đảm phi thường”.
Chị Đào Thị Minh Vân - con gái nhà tình báo anh hùng Đào Phúc Lộc (Hoàng Minh Đạo) - kể trong nước mắt: “Viếng chú Sáu, ngồi trước sổ ghi cảm tưởng, tôi phải cố kiềm chế nỗi xúc động của mình. Tôi chợt nhớ khoảng đầu năm 1990, khi lặn lội ra Hà Nội, tìm đến chỗ ở của chú Sáu, mong qua chú để biết rõ hơn sự hy sinh của người cha mà tôi chưa từng biết mặt”.
Chị kể, có lẽ trông dáng dấp bé nhỏ, khiêm nhường của chị mà người tiếp chuyện hỏi: “Cô tới đây cần gì, xin gì?”. Chị còn đang ngỡ ngàng, chưa kịp tìm ra câu trả lời thì một giọng nói thủng thỉnh, rõ từng tiếng vang lên phía sau: “Không cần gì, không xin gì. Đó là con gái của Đào Phúc Lộc - người đồng chí đã gắn bó với tôi trong những năm tháng chiến đấu ác liệt nhất”.
Chị giật mình quay lại, nhận ra chú Sáu từ trên cầu thang vừa bước xuống, vừa nói. “Chú ôm tôi vào lòng, gọi bảo vệ chuẩn bị cơm cho tôi. Trong bữa cơm, chú kể nhiều kỷ niệm về cha tôi… Mới đây, tôi còn tiễn chú ra về khi chú dự đám giỗ biệt động ở nhà chú Tư Chu. Vậy mà…” - chị Minh Vân lại đỏ hoe mắt.
Bài 2: Nữ giao liên đưa bí thư khu ủy vượt qua trạm gác địch
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang cho biết, đơn vị vừa bắt giữ vụ vận chuyển trái phép hơn 22 kg ma túy các loại từ Campuchia chuyển về Việt Nam.