Cán bộ phụ vận anh dũng, nghĩa tình

21/09/2018 - 09:00

PNO - Ngày 21/9, Ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định (tổ chức nòng cốt của Hội LHPN TP.HCM ngày nay) đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân do Nhà nước phong tặng.

Qua hai cuộc kháng chiến, những người mẹ, người chị Sài Gòn bình dị, dịu hiền đã ngoan cường chiến đấu bảo vệ từng tấc đất quê hương.  

Can bo phu van anh dung, nghia tinh
Cán bộ phụ vận thăm hỏi sức khỏe nhau.

Hạt mầm tranh đấu

Đầu năm 1955, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định thành lập Ban Phụ vận (BPV) do bà Ngô Thị Huệ (Bảy Huệ) làm trưởng ban và 3 ủy viên gồm Nguyễn Thị Thanh (Hai Thanh, phụ trách nữ công nhân lao động, xí nghiệp đông nữ), Nguyễn Thị Ráo (Ba Thi, phụ trách xóm lao động và chợ), Lê Thị Thu (Bội Hoàn, phụ trách nữ trí thức, giáo chức). Lúc bấy giờ, BPV có nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo phong trào phụ nữ đấu tranh đòi đối phương phải thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Genève, đồng thời bảo vệ những quyền dân sinh, dân chủ cho phụ nữ các giới.

Cán bộ phụ vận hoạt động trong nội thành Sài Gòn lẫn ven đô, trực tiếp tham gia và chỉ đạo chị em đấu tranh trên cả hai mặt trận chính trị và vũ trang. Từ tháng 1-6/1955, cán bộ phụ vận huy động được hàng vạn lượt phụ nữ rầm rộ tham gia phong trào Cứu trợ nạn nhân chiến cuộc, ban đầu tập họp đi cứu trợ (dân sinh), sau nâng lên thành mít-tinh đòi hòa bình, đòi hiệp thương tổng tuyển cử.

Năm 1963, gần 70.000 đồng bào và tăng ni Phật tử mít-tinh, xuống đường phản đối Diệm - Nhu khủng bố Phật giáo ở Huế. Sau khi Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu (ngày 11/6) và nữ sinh Quách Thị Trang bị địch bắn chết khi đi đầu đoàn biểu tình (ngày 25/8), các cuộc xuống đường, tuyệt thực chống Diệm - Nhu bùng lên dữ dội. Tịnh xá Ngọc Phương (Q.Gò Vấp, cơ sở của BPV, do Ni sư trưởng Huỳnh Liên trụ trì) là xuất phát điểm các cuộc xuống đường. 40 năm sau ngày đất nước thống nhất, cũng chính tại tịnh xá này, lễ giỗ tập thể cán bộ, chiến sĩ BPV Sài Gòn - Gia Định đã hy sinh và từ trần được tổ chức vào ngày mồng Mười tháng Giêng hằng năm. 

Can bo phu van anh dung, nghia tinh

Ngày 2/8/1970, phong trào Phụ nữ đòi quyền sống - một mặt trận đấu tranh công khai, rộng lớn, độc đáo của phụ nữ Sài Gòn - ra đời, bà Ngô Bá Thành được cử làm chủ tịch. Phong trào tập họp 13 đoàn thể phụ nữ trí thức, tôn giáo, nghiệp đoàn 36 chợ đô thành, hội các bà mẹ có con ở tù... nhanh chóng lan rộng khắp Nam bộ. Khẩu hiệu đấu tranh dân sinh luôn đi kèm chính trị: đòi Mỹ rút, phế bỏ Thiệu, chấm dứt chiến tranh. Bản thân 4 lần bị bắt, bị địch khủng bố, bà Ngô Bá Thành vẫn vững vàng lãnh đạo chị em đấu tranh ngay cả khi đang ở chốn lao tù.

Trong khi đó, ở Hóc Môn, Củ Chi, cán bộ ta tổ chức nhiều đoàn phụ nữ biểu tình đội khăn tang đến trước Quốc hội chính quyền Sài Gòn phản đối càn quét, bắn giết dã man ở nông thôn, đồng thời vận động chị em đào hàng trăm cây số địa đạo, chăm sóc thương binh, sản xuất dưới bom đạn để cung cấp lương thực cho bộ đội.

Đầu sóng ngọn gió

Dưới mưa bom bão đạn, BPV vẫn lo mở các lớp dạy nghề, dạy nữ công cho nữ thanh, lập nhà nuôi dạy trẻ mồ côi, mở trường lớp mẫu giáo. Những hoạt động “rất phụ nữ” này đã tạo được bình phong giúp các dì, các chị hoàn thành nhiệm vụ trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Năm 1968, toàn thành có 40 lõm chính trị, trong đó 12 lõm do BPV xây dựng. Đợt 1 chiến dịch Mậu Thân, với những bước tiên phong của cán bộ BPV, phụ nữ các quận 6, 7, 8, Tân Bình, Gò Vấp... tham gia diệt ác phá kềm, tiếp tế hậu cần, tải đạn, chuyển thương, vận động được 200 thanh niên tòng quân và bảo vệ an toàn Ban Chỉ huy tiền phương Phân khu II tại nội đô. Sau khi Trưởng BPV Lê Thị Riêng bị địch sát hại (đêm mồng Hai tết Mậu Thân), Đội tự vệ Lê Thị Riêng của cánh phụ vận do bà Lê Hồng Quân chỉ huy đã phối hợp với lực lượng biệt động nổ súng chiến đấu từ 4g sáng 5/5, đánh chiếm vùng Cầu Kho - Đề Thám. Lực lượng tự vệ BPV ở Bàn cờ, Vườn Chuối, Xóm Chùa, Bà Chiểu, Cầu Tre, Phú Thọ, Phú Định phối hợp các đơn vị bạn võ trang tuyên truyền, phát động quần chúng, trấn áp ác ôn và làm trinh sát dẫn đường bộ đội.

Ngày 12/4/1975, Thành ủy Sài Gòn - Gia Định ra nghị quyết về tổng công kích, phụ nữ ngoại thành đã cùng đồng bào khởi nghĩa. Má Tám Rành (Bà mẹ Việt Nam anh hùng - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Rành) lãnh đạo khởi nghĩa ở xã Phước Hiệp, tự tay cắm cờ Mặt trận lên đầu ấp Phước Hòa; má Bảy Lánh dẫn lực lượng khởi nghĩa đi cắm cờ chiếm lĩnh chi khu cảnh sát và dinh quận, bắt được cả quận phó và quận trưởng. 

Nguyên vẹn tấc lòng

Trong những ngày này, các cán bộ, chiến sĩ BPV còn sống cứ gọi điện nhắc nhau về dự lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân mà Nhà nước phong tặng cho BPV Sài Gòn - Gia Định (ngày 21/9). Đan xen giữa niềm tự hào và tiếc nhớ đồng đội, bà Lê Thị Thu - Chủ nhiệm câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến khối phụ nữ, nguyên cán bộ BPV Sài Gòn - Gia Định - khẳng định: “Trong chiến tranh hay trong thời bình, chị em chúng tôi vẫn vẹn nguyên tấm lòng vì nước vì dân, sắt son cách mạng”.

Can bo phu van anh dung, nghia tinh
Dù tuổi đã cao, bà Ngô Thị Huệ (ngồi xe lăn), nguyên Trưởng ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định, vẫn luôn dõi theo phong trào phụ nữ TP.HCM.

Bao năm qua, bà Năm Đang (Trần Thị Tốt, sinh năm 1937), Tám Nhỏ (Nguyễn Kim Phụng, sinh năm 1940), Út Thảo (Đặng Thị Xuân Thảo, sinh năm 1948)... vẫn đại diện cho Ban liên lạc Phụ vận tìm về Củ Chi, Hóc Môn, ngược lên tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, xuống Cần Thơ, Đồng Tháp thăm, thắp nhang cho đồng đội. “Cánh phụ vận nay đa phần đều đã trên dưới 80, 90 tuổi, nhưng mỗi năm, ít nhất vài ngày, chúng tôi vẫn dìu nhau về lại vùng hoạt động cũ để thăm hỏi, giúp đỡ đồng đội, cơ sở của mình” - bà Năm Đang nói.  

Ban liên lạc Phụ vận đã cùng những đơn vị trực thuộc Hội LHPN TP.HCM có nhiều hoạt động hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ BVP gặp khó khăn về chỗ ở, chi phí điều trị bệnh. Nhà Văn hóa Phụ Nữ TP.HCM xây nhà tình nghĩa cho thân nhân liệt sĩ Quách Văn Thái (hy sinh năm 1972 khi đang là chiến sĩ Trung đội bảo vệ BPV) tại xã Thường Lạc, H.Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp; Báo Phụ Nữ TP.HCM xây tặng mái ấm tình thương, nhà tình nghĩa cho hai gia đình cán bộ phụ vận ở H.Củ Chi (TP.HCM) và H.Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh)...

Trong kháng chiến, ở Sài Gòn, có những phụ nữ ngày ngày buôn gánh bán bưng, kiếm từng đồng để nuôi gia đình nhưng lại sẵn sàng thuê hẳn một căn phòng trong thương xá làm nơi đặt điện đài cho cánh mạng; có những cô gái tuổi 20 tự cầm dao chặt đứt cánh tay bị thương của mình để tiếp tục chiến đấu.

Dù là những cuộc đời đã trở thành huyền thoại như bà Bảy Huệ, như liệt sĩ Lê Thị Riêng, tiểu đoàn trưởng Lê Hồng Quân hay những người mẹ, người chị với tên gọi rất Nam bộ “chị Hai đòn gánh”, “bác Tư cơm tấm”, “chị Sáu già”, những phụ nữ trong BPV Sài Gòn - Gia Định đều xứng đáng với 8 chữ vàng mà Bác Hồ đã dành tặng phụ nữ miền Nam “anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”. 

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI