Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân vừa ký báo cáo gửi QH và các ĐBQH về việc thực hiện Nghị quyết số 113 của QH khóa 13 về hoạt động giám sát chuyên đề và hoạt động chất vấn.
Trong báo cáo này, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ đã xây dựng Đề án thí điểm thực hiện chế độ thực tập, tập sự lãnh đạo quản lý trình Bộ Chính trị.
Nội dung đề án theo hướng làm rõ quyền hạn và mối quan hệ của của người tập sự với lãnh đạo cơ quan, đơn vị nơi thực tập; làm rõ giá trị pháp lý của các quyết định quản lý của tập sự khi được người đứng đầu giao nhiệm vụ tổ chức, điều hành. Các nội dung tập sự cần được xây dựng thành bản mô tả công việc làm căn cứ để xây dựng các tiêu chí đánh giá kết quả tập sự.
|
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân |
Ngoài ra, đề án bổ sung quy trình, thủ tục bổ nhiệm người tập sự; làm rõ về việc đưa ra khỏi quy hoạch đối với người không đạt yêu cầu tập sự, không hoàn thành chế độ tập sự. Đồng thời, bổ sung làm rõ mối quan hệ giữa quy hoạch - tập sự - thí điểm thi tuyển chọn lãnh đạo để có sự gắn kết giữa các Đề án bảo đảm sự thống nhất liên thông.
Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, đến nay, Bộ Nội vụ đã tiếp thu, hoàn thiện và trình Bộ Chính trị đề án này. Trong đó xác định đối tượng thực hiện thí điểm tập sự lãnh đạo, quản lý được thực hiện với các chức danh quản lý, lãnh đạo cấp phó: Thứ trưởng và tương đương; Phó Tổng cục trưởng; Phó Cục trưởng; Phó Vụ trưởng và tương đương; Phó Giám đốc Sở và tương đương.
Tiêu chuẩn, điều kiện thực hiện tập sự về độ tuổi đối với nam dưới 45 và nữ dưới 40; phải thuộc diện quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có 3 năm liên tiếp tính đến thời điểm xem xét thực hiện tập sự lãnh đạo quản lý hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
Đồng thời, đơn vị có nhu cầu bổ sung chức danh lãnh đạo, quản lý và được người đứng đầu đề nghị, cấp ủy thống nhất thông qua. Bộ Chính trị đã họp cho ý kiến chỉ đạo và Bộ Nội vụ đang tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện đề án để trình lại Bộ Chính trị trong thời gian tới.
Giao biên chế ngày càng giảm
Về quản lý biên chế, Bộ trưởng Nội vụ cho biết, 2 năm (2016, 2017), Thủ tướng đã phê duyệt biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước từ TƯ đến cấp huyện giảm 2,9% so với biên chế được giao năm 2015. Năm 2018, Thủ tướng phê duyệt giảm 1,7% so với biên chế công chức được giao năm 2015.
Như vậy, trong 3 năm (2016, 2017, 2018) biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước từ TƯ đến cấp huyện giảm 12.434 biên chế (giảm 4,6%) so với số giao năm 2015.
Mới đây, Thủ tướng phê duyệt biên chế công chức cả nước năm 2019 giảm 5.458 biên chế so với năm 2018. Về số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công đối với các Bộ, ngành, Bộ Nội vụ đã giao số lượng người làm việc năm 2018 đối với 18 bộ, cơ quan ngang bộ, giảm được 16.531 người so với năm 2015.
Đối với các địa phương, giảm được 57.361 người so với tổng số lượng người làm việc được HĐND phê duyệt năm 2015 và Bộ Nội vụ thẩm định, bổ sung năm 2016, 2017.
Đan Nguyên