Cán bộ huyện đi vận động bán đất cho doanh nghiệp TQ: Chỉ là cách hiểu của người dân?

25/09/2016 - 07:09

PNO - Bí thư huyện ủy Nam Trực cho rằng: "Việc tuyên truyền vận động là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và địa phương. Đây là do cách hiểu của người dân chứ không ai ép gì cả".

Trước phản ánh 1 số cán bộ xã Nghĩa An và huyện Nam Trực (tỉnh Nam Định) đến từng nhà dân ở các xóm 21, 22 và 24 (xã Nghĩa An), thậm chí vào tận miền Nam tìm người thân của hộ dân để vận động bán đất nông nghiệp cho doanh nghiệp Trung Quốc xây nhà máy giầy da khiến dư luận xôn xao trong những ngày qua.

Trao đổi với PV trước thông tin này, ông Triệu Đức Hạnh – Bí thư huyện ủy Nam Trực khẳng định, không có chuyện ép dân hay vận động bán đất nông nghiệp như thông tin phản ánh.

Ông Hạnh cho biết, Phó Thủ tướng chính phủ và UBND tỉnh Nam Định đã đồng ý để công ty Bunda Footwear, trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc) xây dựng nhà máy trên địa bàn các xóm 21, 22 và 24 (xã Nghĩa An) để đóng giầy da xuất khẩu.

Can bo huyen di van dong ban dat cho doanh nghiep TQ: Chi la cach hieu cua nguoi dan?
Người dân phản ánh về việc các cán bộ vận động người dân bán đất cho doanh nghiệp Trung Quốc. Ảnh: Dân Trí

Vị lãnh đạo huyện thông tin, trên địa bàn xã Nghĩa An có 265 hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng để giao đất cho công ty HongKong thì đến nay đã có181 hộ làm đơn, thỏa thuận xong và nhận tiền đền bù, trả đất. Một số trường hợp khác đang chờ lấy tiền và chỉ có một số ít hộ dân là không đồng ý.

Ông Hạnh cho biết đến thời điểm này, công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng nhà máy giầy đã được thực hiện già một nửa diện tích quy hoạch.

Ông cũng khẳng định không hề có sự ép buộc, tất cả các hộ dân đều đồng thuận và có đơn xin tự nguyện trả đất sau khi thỏa thuận mức bồi thường với doanh nghiệp. Chỉ có số ít người dân không hiểu thì cán bộ huyện, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu hơn.

“Chúng tôi chỉ tổ chức tuyên truyền, giới thiệu cho người dân biết về mục tiêu của dự án, yêu cầu thỏa thuận giải phóng mặt bằng giữa hộ dân và các doanh nghiệp theo quy định. Việc tuyên truyền vận động là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và địa phương. Chúng tôi đã làm thường xuyên trong thời gian qua. Đây là do cách hiểu của người dân chứ không ai ép gì cả", Bí thư huyện ủy Nam Trực nói thêm.

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Phạm Văn Hoạt – Chủ tịch UBND xã Nghĩa An cũng cho rằng: "Hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện, chúng tôi không ép buộc gì cả. Ai nhất trí thì ký giấy, ai không đồng ý thì thôi".

"Dự án được Chính phủ phê duyệt, tỉnh làm Trưởng ban Quản lý dự án, về huyện thì Bí thư huyện phụ trách. Chúng tôi chỉ là tiểu ban đi kêu gọi, tuyên truyền cùng với họ thôi. Còn dân nhất trí bao nhiêu thì công ty họ về trả tiền trực tiếp", ông Hoạt bày tỏ.

Vị cán bộ xã đánh giá: "Đa phần người dân hiểu và đồng thuận. Đến nay phía doanh nghiệp Trung Quốc đã trả tiền cho người dân 4-5 đợt rồi.  Nhưng cũng có một số người sợ ô nhiễm môi trường nên muốn giữ đất để tiếp tục canh tác. Chúng tôi vẫn kiên trì vận động, giải thích trong khuôn khổ của pháp luật”.

Kiều Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI