PNO - Trong 10 ngày qua, hơn 10.000 cán bộ Hội LHPN khắp thành phố này tất bật đi chợ giúp dân, để mọi người được ở yên trong nhà cùng phòng, chống dịch.
Đặt mình vào tâm thế, nhu cầu của người dân để thay đổi cách thức tổ chức “đi chợ giúp dân” cho phù hợp với tình hình thực tế, thuận lợi và nhanh chóng - đó là tâm trạng của hơn 10.000 cán bộ hội viên và các tình nguyện viên của Hội LHPN TP.HCM trong những ngày qua và những ngày sắp tới.
Tình nguyện vào cơ quan để toàn tâm chống dịch
Ngày 25/8, ba ngày sau khi TP.HCM thực hiện nghiêm lệnh giãn cách xã hội, chị Lê Thị Trúc Phương - Ủy viên Ban Chấp hành Hội LHPN Q.6 - tình nguyện vào ở hẳn cơ quan để toàn tâm chống dịch. Lãnh đạo Quận Hội e ngại, vì chị Trúc Phương còn hai con nhỏ, mẹ và dì ở kề bên đều lớn tuổi. Nhưng chồng chị cam đoan sẽ chu toàn việc nhà… Thế là chị an tâm “an cư” tại trụ sở Quận Hội để điều hành trang fanpage “Bách hóa online của Hội”.
Chị Lê Thị Trức Phương soạn cá theo đơn hàng của người dân.
Mỗi ngày, từ 6g sáng, chị Trúc Phương và chị Nguyễn Thị Ngọc Linh - Chủ tịch Hội Phụ nữ P.13 - luân phiên nhau trực trang fanpage với hàng ngàn lượt người theo dõi, kết nối để giới thiệu các combo hàng cũng như triển khai công việc xuống 14 cơ sở Hội trong quận để cơ sở phân công thực hiện, nhất là việc chọn siêu thị, cửa hàng để đi chợ giúp dân sao cho hiệu quả; đơn hàng nào mua qua trang Bách hóa online của Hội thì các chị sẽ kết nối người mua - người bán… Nhờ vậy mà việc đi chợ giúp dân của chị em phụ nữ tại Q.6 diễn ra khá thuận lợi. Mỗi ngày, các cấp Hội toàn Q.6 với gần 40 chị em, đã tiếp nhận khoảng 1.500 đơn hàng với trị giá trên 700 triệu đồng. Không trực tiếp vào siêu thị, nhưng chị Trúc Phương và chị Ngọc Linh đã cùng các chị em điều phối công việc cả ngày, từ 6g sáng đến hơn 21g đêm. Xen kẽ trong quãng thời gian đó, các chị còn tranh thủ chăm lo cho các bếp ăn hỗ trợ chống dịch, đi tiếp nhận rau củ quả tiếp tế, nhận và chia từng con cá, miếng thịt…
Đặt mình vào vị trí của người đi chợ
Tại Q.Gò Vấp, việc đi chợ giúp dân được 27 cán bộ Hội đảm nhận với khoảng 2.000 đơn hàng mỗi ngày. Tại P.15, vào lúc 21g, chị Trần Ngọc Thảo Uyên - Chủ tịch Hội Phụ nữ P.15 - cùng nhóm các bạn tình nguyện viên vẫn còn ở trụ sở để kiểm tra đơn hàng, cộng hóa đơn cuối ngày và chuẩn bị cho những đơn hàng của ngày hôm sau.
Hội LHPN P.15, Q.Gò Vấp cùng các lực lượng tình nguyện và bộ đội đi chợ giúp dân
Chị Thảo Uyên cho biết, ngay khi thành phố thực hiện siết chặt giãn cách, Hội Phụ nữ giữ vai trò chính trong nhiệm vụ đi chợ giúp dân. Nhưng Hội Phụ nữ phường chỉ có hai người nên chị phải huy động thêm chị em từ các chi tổ Hội và tình nguyện viên. Để công việc được thuận lợi, mỗi khu phố, tổ dân phố đều có người phụ trách nhận đơn hàng từ các hộ dân rồi gửi về cho chị. Số lượng đơn hàng dân nhờ cậy tăng dần, hiện tại khoảng 100 đến 170 đơn/ngày. Tùy vào thực tế mà chị Thảo Uyên linh hoạt thay đổi. Ban đầu, chị lên các gói hàng theo dạng combo từ các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích. Nhưng khi triển khai, thấy cách làm này còn nhiều bất ổn, có những món có trong combo nhưng người mua không cần, nhiều gia đình không đủ điều kiện để mua theo hình thức này… Thế là chị thay đổi combo bằng cách kết nối với các đơn vị cung cấp thực phẩm, lên danh mục hàng hóa, cập nhật giá cả cho dân lựa chọn. Tất cả các đơn hàng, dù ít hay nhiều miễn là hàng thuộc nhu cầu thiết yếu, chị đều nhận giúp dân. Các thành viên trong nhóm đi chợ được phân công theo khu phố. Các đơn hàng đều có hóa đơn chi tiết. Cách làm này vừa tránh nhầm lẫn, đỡ phải soạn hàng và kiểm tra lại sau khi mua, thực phẩm đến nhà dân kịp thời, đảm bảo tươi sống, tránh hư hỏng.
Chị Thảo Uyên chia sẻ: “Hơn ba tháng qua tôi luôn ra khỏi nhà từ 6g sáng và về nhà sau 7g tối, cũng có hôm 10g tối mới về tới nhà. Ngoài đi chợ giúp dân, mỗi ngày chị em cán bộ Hội còn tổ chức nấu khoảng 300 suất ăn, phục vụ ba buổi/ngày cho các lực lượng phòng, chống dịch… Việc chăm sóc gia đình và đứa con hơn hai tuổi phải giao hết cho chồng và nhờ sự hỗ trợ từ ông bà ngoại. Tôi gần như không còn thời gian chơi với con”.
Lắm chuyện vui buồn
Nhưng chuyện đi chợ giúp dân mùa dịch giã cũng lắm vui buồn. Người hiểu chuyện, thông cảm thì dễ, hàng về có chậm một hai ngày cũng chẳng sao (vì dịch bệnh - giãn cách mà), nhưng gặp người khó chịu sẽ nặng lời. Song, “mỗi lời người dân góp ý chúng tôi đều lắng nghe, suy nghĩ để thay đổi sao cho hợp lý nhất. Chúng tôi vui khi được nhiều cá nhân, đơn vị hỗ trợ xe vận chuyển hàng hóa, giao hàng” - chị Thảo Uyên nói.
Còn tại Q.Tân Phú, trung bình mỗi ngày Hội cũng nhận khoảng 2.000 đơn hàng và hàng trăm đơn sữa cho các gia đình có trẻ nhỏ. P.Tây Thạnh là phường có số ca mắc COVID-19 cao. Hội Phụ nữ phường thực hiện gần 10 gian hàng hỗ trợ thực phẩm cho người dân tại các khu phong tỏa, duy trì bếp ăn hỗ trợ lực lượng phòng, chống dịch. Trong suốt 10 ngày qua, chị em cán bộ phụ nữ đã cùng phường thực hiện các túi an sinh, có ngày phải lo đến 700 phần quà chuyển đến từng nhà dân, rồi đi chợ giúp dân… Để hoàn tất công việc, vào cuối ngày, chị em gần như kiệt sức.
Về việc đi chợ giúp dân, chị Phí Thị Ngọc Yến - Chủ tịch Hội Phụ nữ P.Tây Thạnh - cho biết, trong những ngày đầu, do công việc còn chưa nhịp nhàng và những lúng túng từ phía siêu thị nên việc giao hàng có phần còn chậm. Nhưng hiện tại, mọi việc đã ổn định, phường duy trì khoảng 400 đơn hàng mỗi ngày. Cũng xảy ra tình trạng người đặt hàng theo các đường link cẩn thận, gửi đơn hàng đi hai lần, hệ thống ghi nhận hai đơn nhưng khách hàng chỉ nhận một đơn hàng; lại có trường hợp đặt thử mà không nhận đã dẫn đến những rắc rối không đáng có.
Hội LHPN P.Tây Thạnh đi chợ và giao sữa cho gia đình có trẻ nhỏ
Xông pha vào chuyện giúp dân giữa mùa dịch khiến chị Võ Thị Oanh Kiều - Chủ tịch Hội LHPN xã Trung Lập Thượng, H.Củ Chi - trở thành F1. Dù phải ở nhà cách ly y tế nhưng qua điện thoại chị Oanh Kiều vẫn hỗ trợ chị em tại các tổ Hội trong việc hỗ trợ bà con nhân dân.
Đến hiện tại, có thể nói, công việc đi chợ giúp dân do Hội đảm nhiệm đã đi vào nền nếp, hiệu quả. Các kênh cung cấp hàng hóa cũng rất đa dạng như các siêu thị, cửa hàng tiện ích, các đơn vị được Sở Công Thương giới thiệu. Phương thức mua bán cũng được thực hiện đa dạng về hình thức như đăng ký trực tiếp qua ứng dụng, mã QR, đường link hoặc điền thông tin trực tiếp từ phiếu mua hàng được phát xuống từng hộ dân. Hàng hóa cũng có nhiều lựa chọn như mua theo các gói combo, mua theo nhu cầu, có hỗ trợ cho các nhóm đối tượng khó khăn. Nhờ đó mà người dân khá yên tâm với tinh thần “ai ở đâu ở yên đó” để cùng thành phố quyết tâm phòng, chống dịch.
Song An - Tinh Châu
Trên 10.000 cán bộ, hội viên phụ nữ và các tình nguyện viên của Hội tham gia đi chợ giúp dân
Đến nay, TP.HCM đã trải qua 10 ngày siết chặt giãn cách, thực hiện tinh thần “ai ở đâu ở yên đó”, “không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc…” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các quận, huyện và TP.Thủ Đức đã huy động tổng lực sự tham gia của các ban ngành, đoàn thể và sự hỗ trợ từ quân đội thực hiện đi chợ giúp dân. Nhưng để đảm bảo việc đi chợ giúp cho hàng triệu gia đình là chuyện không dễ dàng đối với các tổ hậu cần, lực lượng tình nguyện viên và Hội Phụ nữ các phường, xã.
So với những ngày đầu, nhu cầu được đi chợ giúp của người dân đã tăng lên từng ngày, áp lực cho các lực lượng đảm nhận nhiệm vụ cũng ngày càng cao. Dù vất vả, nhưng chị em luôn nỗ lực, khắc phục khó khăn, để cùng địa phương phục vụ nhân dân. Theo thống kê của chúng tôi, mỗi ngày có trên 10.000 cán bộ, hội viên phụ nữ nòng cốt và các tình nguyện viên của Hội tham gia cùng các lực lượng đến nay đã thực hiện gần 70.000 đơn hàng với tổng giá trị hóa đơn khoảng 27 tỷ đồng.
Bà Trần Thị Phương Hoa - Phó Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM
Ngày 10/12, quận Tân Bình phối hợp với Ban quản trị chung cư K300, Phòng VH-TT Tân Bình khánh thành khuôn viên hoạt động văn hóa, thể dục thể thao ngoài trời.