Nạn nhân bạo lực gia đình chưa chủ động lên tiếng
Tháng 5/2023, Báo Phụ nữ TPHCM nhận được sự kêu cứu của 1 phụ nữ ở huyện Bình Chánh về việc bị chồng bạo hành dẫn đến bị thương tích khá nặng. Tuy nhiên, ngay sau đó, chị xin rút đơn vì “muốn giữ gia đình êm ấm”. Nếu trưng cầu giám định thì người chồng sẽ bị xử lý hình sự.
Hằng năm, Báo Phụ nữ TPHCM cũng tiếp nhận nhiều trường hợp bị bạo lực gia đình (BLGĐ). Tuy nhiên, không phải nạn nhân nào cũng chịu lên tiếng để bảo vệ quyền lợi của mình. Riêng trong nửa đầu năm 2023, báo tiếp nhận khoảng 60 cuộc gọi, tin nhắn liên quan đến BLGĐ, nhưng một nửa trong số đó chỉ là “trút bầu tâm sự” chứ không tố cáo. 11 nạn nhân trong số 50% còn lại đã mạnh mẽ tố cáo nhưng cuối cùng xin rút đơn với nhiều lý do như: sợ ảnh hưởng đến việc làm của chồng, sợ người thân không vui khi chuyện không hay của gia đình bị tiết lộ…
|
Hoạt động tư vấn, hỗ trợ pháp luật được Hội LHPN quận 4 quan tâm thực hiện như một giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình |
Tại tọa đàm “Phòng, chống BLGĐ” do Hội LHPN quận 4 tổ chức hôm 16/6, bà Nguyễn Thị Thanh Loan - Trưởng ban Chính sách - Luật pháp, Hội LHPN TPHCM - nêu thực trạng: “Đối với các vụ việc BLGĐ trên địa bàn thành phố, Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội LHPN TPHCM nhận được rất ít đơn thư tố cáo hoặc yêu cầu tư vấn. Phần lớn chúng tôi tiếp nhận các vụ việc thông qua gia đình. Họ bức xúc nên đã tự ghi lại hình ảnh hoặc tập hợp những chứng cứ để gửi cho Hội LHPN TPHCM. Rất ít nạn nhân chịu lên tiếng. Hầu hết họ đã kéo dài sự chịu đựng và những đứa trẻ trong gia đình đã bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề khi chứng kiến hành vi bạo lực” - bà Nguyễn Thị Thanh Loan nói.
“Thời gian qua, trên địa bàn có rất ít vụ việc BLGĐ được đưa ra xử lý. Nhưng như thế không có nghĩa là môi trường sống đã hoàn toàn an toàn với phụ nữ và trẻ em. Chúng ta có thể vui vì BLGĐ đã giảm đi rõ nét, nhưng phải hiểu là có những nạn nhân bị bạo lực đã không báo cáo mà chấp nhận chịu đựng” - bà Nguyễn Thị Minh - Bí thư chi bộ khu phố 2, thành viên Câu lạc bộ Xây dựng gia đình hạnh phúc phường 3, quận 4 - cho hay.
Dẫn ra một trong số rất ít vụ việc BLGĐ được chính quyền địa phương xử lý cách đây gần 1 năm, bà Nguyễn Thị Minh phân tích những khó khăn khiến công tác phòng, chống BLGĐ vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Đó là chuyện 1 cặp vợ chồng thường xuyên lớn tiếng cự cãi, xô xát. Trước thực trạng ấy, người dân xung quanh đã báo tin cho cảnh sát khu vực. Cảnh sát đã đến khuyên nhủ, hòa giải nhiều lần, vì chưa có căn cứ để xử phạt hành chính. Sau đó, đánh nhau đã xảy ra. Tuy nhiên, khi cảnh sát có mặt thì sự việc đã trôi qua nên rất khó để đánh giá mức độ của hành vi bạo lực nếu nạn nhân không chủ động xác định thương tật để làm đơn tố cáo.
Trong trường hợp này, theo bà Nguyễn Thị Minh, dù người vợ có đi xác định thương tật và có đủ căn cứ để xử phạt, nhưng nếu nạn nhân chuyển chỗ ở đi nơi khác thì việc xử phạt hành chính cũng không thực hiện được.
Cần sâu sát và đẩy mạnh vai trò kết nối
Bà Nguyễn Thị Minh cho rằng, việc xử lý chưa triệt để các vụ việc BLGĐ là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho công tác phòng, chống BLGĐ tại địa phương. “Chính quyền chỉ vào cuộc với những vụ BLGĐ có hậu quả nghiêm trọng khi nạn nhân hoặc người nhà nạn nhân có đơn kêu cứu. Và những người làm công tác hòa giải thường khuyên phụ nữ nhẫn nhịn, chấp nhận thiệt thòi về mình mà không triệt để xử lý theo pháp luật đối với người có hành vi bạo lực, khiến việc thực thi pháp luật có phần lỏng lẻo, không đủ sức răn đe” - bà Nguyễn Thị Minh khẳng định.
|
Hội LHPN quận 4 đang thực hiện hoạt động tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình tại các khu dân cư |
Bà Nguyễn Thị Mỹ - Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Gia đình phòng, chống tệ nạn xã hội phường 16, quận 4 - nhìn nhận,
Tăng mức xử phạt hành chính các hành vi bạo lực gia đình Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2009 cả nước có 53.206 vụ BLGĐ, nhưng đến năm 2021 chỉ còn 4.967 vụ. Thống kê cho thấy việc tuyên truyền phòng, chống BLGĐ đã và đang được thực hiện có hiệu quả. Để đẩy lùi triệt để tình trạng này, Quốc hội đã ban hành Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2022 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2023 tới đây. Cụ thể, tăng mức phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi đánh đập, gây thương tích cho thành viên gia đình; tăng mức phạt hành chính đối với những người có hành vi ngược đãi, hành hạ thành viên gia đình từ 10-20 triệu đồng. Với đối tượng có hành vi ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. |
trong xử lý các vụ việc BLGĐ thì hòa giải ở cơ sở là giải pháp góp phần phòng ngừa và giải quyết kịp thời, có hiệu quả những hành vi bạo lực, ngăn chặn việc “cả giận mất khôn” của các thành viên gia đình. Tuy nhiên, ở một số nơi, thành viên tổ hòa giải chưa nắm rõ quy định pháp luật, trình tự hòa giải, kinh nghiệm sống, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Đặc biệt cán bộ hòa giải cơ sở, thành viên tổ tư vấn cộng đồng vẫn còn thiếu sâu sát đối với những gia đình có hoàn cảnh phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra xung đột, xô xát.
Để làm tốt công tác phòng, chống BLGĐ, theo bà Nguyễn Thị Mỹ, ngoài việc đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức trong cộng đồng, thì cần đẩy mạnh vai trò kết nối các nguồn lực để áp dụng và thực thi Luật Phòng, chống BLGĐ một cách tốt nhất. Để thực hiện được vai trò này, các cá nhân, hội viên phải sâu sát, phát hiện những vụ BLGĐ xảy ra tại địa phương ở giai đoạn từ sớm để kịp thời xử lý.
Từ thực tế trên, bà Nguyễn Thị Thanh Loan đề nghị: “Ngoài việc tuyên truyền, tư vấn pháp luật, cán bộ hội các cơ sở cần phát huy vai trò của mình trong việc tư vấn, kết nối, quan trọng là làm sao để nạn nhân phải chủ động lên tiếng. Muốn như vậy, cán bộ hội phải gần gũi, sâu sát chị em để nắm bắt, chia sẻ, từ đó, chị em mới tin tưởng và mạnh dạn lên tiếng khi bị bạo hành. Bên cạnh đó, cần tham mưu để Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2022 được thực thi tốt hơn, và quan trọng hơn là bảo vệ chị em phụ nữ và trẻ em trong gia đình”.
Phụ nữ bị bạo hành có thể tạm lánh ở đâu? Bà Nguyễn Thị Thanh Loan - Trưởng ban Chính sách - Luật pháp, Hội LHPN TPHCM - thông tin, hiện nay, Hội LHPN Việt Nam có xây dựng những ngôi nhà bình yên để phụ nữ tạm lánh khi bị bạo hành tại một số tỉnh thành (khu vực phía Nam có 1 ngôi nhà bình yên ở TP Cần Thơ) nhưng số lượng nạn nhân bị bạo hành tìm đến khá ít ỏi. Tại TPHCM, nạn nhân BLGĐ có thể tạm lánh tại Trung tâm Công tác xã hội Ánh Dương (71 Võ Thị Sáu). Hiện nay, các địa chỉ tin cậy cộng đồng mà nạn nhân có thể tạm lánh tại TPHCM rất nhiều, nhưng chủ yếu đặt ở các cơ sở, trụ sở ủy ban, công an phường, trụ sở khu phố, nên việc tiếp cận của nạn nhân cũng khá hạn chế. Vừa qua, UBND TPHCM có quyết định thành lập mô hình 1 cửa hỗ trợ nạn nhân bị bạo hành tại Bệnh viện Hùng Vương. Đây là mô hình thí điểm tiếp nhận các vụ việc bạo lực và có quy trình xử lý, bắt đầu bằng tư vấn, hỗ trợ và đầu ra sẽ là Trung tâm Công tác xã hội thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM đặt tại quận Gò Vấp. Đây có thể được xem là “nhà tạm lánh” đáng tin cậy cho nạn nhân bạo hành. |
Nguyệt Minh