Cán bộ Hội cần sẵn sàng “vào cuộc” bảo vệ phụ nữ, trẻ em

30/08/2021 - 13:56

PNO - “Việc sẵn sàng vào cuộc của cán bộ Hội với đầy đủ kiến thức, kỹ năng luôn là đòi hỏi cấp bách trong công tác bảo vệ phụ nữ, trẻ em”.

Đây là khẳng định của cán bộ phụ nữ các quận tại buổi tọa đàm “Trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giải pháp phối hợp giữa Hội Phụ nữ các quận trong công tác hỗ trợ, can thiệp các vụ việc liên quan đến phụ nữ và trẻ em” do Hội LHPN Q.Tân Bình tổ chức. 

Buổi tọa đàm đã chỉ ra những kinh nghiệm thực tế trong quá trình tiếp cận, xử lý nhiều vụ việc. Do nạn nhân và gia đình đã cố tình che giấu sự việc, dẫn đến những hành vi xâm hại, lạm dụng và bạo lực kéo dài, hoặc khi cơ quan chức năng vào cuộc thì đã quá muộn. Thực tế này khiến nạn nhân phải chịu thiệt thòi, còn cơ quan chức năng thì gặp khó khăn trong công tác điều tra, thu thập chứng cứ. 

Nhiều cán bộ Hội nhận định, do sự phân hóa giàu nghèo, chênh lệch về điều kiện sống, rạn vỡ trong hôn nhân gia đình và sự xói mòn các giá trị truyền thống… đã dẫn đến số trẻ em bị bỏ rơi, bị lạm dụng, bóc lột ngày càng tăng. Tình trạng trẻ bị xâm hại thường xảy ra ở các khu vực có đông dân nhập cư và lao động nghèo, địa bàn vắng. Trẻ bị xâm hại, bạo hành thường là con em của những công nhân lao động nghèo, cha mẹ không có thời gian quan tâm đến con cũng như không kịp thời phát hiện ra những bất thường về tâm sinh lý của trẻ. 

Cháu bé 5 tuổi trong ảnh từng là nạn nhân một vụ xâm hại trẻ em xảy ra trên địa bàn  Q. Tân Bình
Cháu bé 5 tuổi trong ảnh từng là nạn nhân một vụ xâm hại trẻ em xảy ra trên địa bàn Q. Tân Bình chỉ vì một chút lơ là của người mẹ. 

Bà Nguyễn Thị Khánh Dư - Chủ tịch Hội LHPN phường Bình Trưng Đông (TP.Thủ Đức) - cho rằng môi trường mạng là môi trường rộng mở, khi không kiểm soát được nguồn thông tin, phim ảnh độc hại sẽ gây hại cho tâm lý trẻ em, kể cả người lớn nếu không có sự kiểm soát. Ngoài ra cũng phải thấy rằng, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế cũng như khả năng phòng vệ, tự vệ của trẻ em còn “non nớt” là nguyên nhân khiến trẻ bị xâm hại nhiều.

Bà Nguyễn Thị Khánh Dư cũng cho rằng, chương trình giáo dục giới tính - tâm sinh lý cho học sinh ở cấp tiểu học và trung học cơ sở chưa được quan tâm đúng mức nên cần phải được quan tâm và nâng cao hiệu quả hơn nữa.

Trong khi đó, bà Đỗ Thị Ngọc Lan - Chủ tịch Hội LHPN Q.Tân Bình - cho rằng việc tuyên truyền kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục cần thực hiện đến các gia đình, trang bị kiến thức và kỹ năng cho cả người lớn để không những trẻ em biết tự bảo vệ mình mà các bậc phụ huynh cũng phải biết bảo vệ con em. 

Bà Lan đề xuất: “Chúng ta nên đưa các tiết dạy kỹ năng phòng, chống xâm hại, bạo hành trẻ vào các tiết học nhằm giúp các em dễ chia sẻ, trao đổi hơn là tuyên truyền ở các nhóm lớn. Tùy vào đối tượng trẻ (cấp I, II, III) mà nội dung chương trình được biên soạn sao cho phù hợp với khả năng tiếp nhận”. 

Chinh Nhân

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI