Cán bộ “dám nghĩ, dám làm” thời nay khó hơn xưa rất nhiều!

27/12/2023 - 05:50

PNO - Phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM đã có cuộc trao đổi với ông Phan Chánh Dưỡng - nguyên Tổng giám đốc Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận, một điển hình của cán bộ “dám nghĩ, dám làm” thời kỳ đổi mới.

UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch thực hiện Nghị định 73/2023/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM đã có cuộc trao đổi với ông Phan Chánh Dưỡng - nguyên Tổng giám đốc Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận, một điển hình của cán bộ “dám nghĩ, dám làm” thời kỳ đổi mới.

Phóng viên: Tên tuổi ông gắn với những đề án “vượt rào” những năm đầu đổi mới, trong đó có các dự án khai phá vùng đầm lầy ngập mặn Nhà Bè để hình thành khu đô thị Nam Sài Gòn ngày nay. Tại sao lúc đó ông lại “dám nghĩ, dám làm” như vậy?

Ông Phan Chánh Dưỡng: Đầu năm 1980, tình hình kinh tế đất nước vô cùng khó khăn, người thiếu ăn, nhà máy thiếu nhiên liệu, thị trường thiếu hàng. Trước hoàn cảnh ngặt nghèo ấy, chúng tôi chỉ còn cách phải tiến lên phía trước. Người xưa nói “cùng tắc biến, biến tắc thông”. Lúc đó, tôi không dám nghĩ, dám làm thì tôi cũng “chết”, vì tôi cũng nghèo lắm rồi. Lãnh đạo nói với tôi “ông làm đi”, thì mình làm, chứ mình biết luật pháp nào bảo vệ mình đâu.

Quan trọng là tôi xác định mình làm không vụ lợi. Mấy chục năm triển khai hàng loạt dự án lớn ở Nhà Bè (gồm quận 7 và huyện Nhà Bè hiện nay), hơn ai hết, tôi biết đất Nhà Bè làm giàu được, nhưng tôi có dám mua đất ở đây để làm giàu đâu, vì sau này người ta dễ “chụp” cho mình là có động cơ. Nhiều người nói nếu trước đây tôi mua 5 - 7ha ở khu Nam Sài Gòn cũng là hợp pháp. Tôi nói: “Tôi biết là hợp pháp, nhưng không hợp với tôi”. Không dính dáng quyền lợi thì “dám nghĩ, dám làm” dễ hơn. Vậy nên mình phải cố giữ sự không vụ lợi đó.

* Ông từng chia sẻ, thời đó cán bộ như ông “dám nghĩ, dám làm” cũng là nhờ lãnh đạo biết nghe những lời khó nghe, dám quyết, dám chịu trách nhiệm?

- Khi người ta hỏi tôi, nhờ đâu nhóm Thứ Sáu (nhóm tư vấn kinh tế của quận 5) với hàng loạt đề án đột phá, có thể tồn tại trong thời kỳ đầu đổi mới đầy khó khăn và thử thách, tôi hay nói vui: “Chúng tôi lúc đó như thân phận con nghêu, sống được nhờ 2 cái vỏ. Cái vỏ ở dưới là Võ Trần Chí (lúc đó là Bí thư Quận ủy quận 5, sau là Bí thư Thành ủy TPHCM), cái vỏ ở trên là Võ Văn Kiệt (lúc đó là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, sau là Thủ tướng)”.

Tôi gặp may vì các lãnh đạo lúc đó rất quyết tâm đổi mới, mở cửa, tìm những đòn bẩy mới cho nền kinh tế. Các ông rất tin tưởng và mạnh dạn quyết những đề án, dự án chưa có tiền lệ mà chúng tôi trình lên. Năm 1987, sau khi đề án “Các biện pháp chủ động về tiền tệ, giá cả nhằm phát triển kinh tế” được trình lên lãnh đạo TPHCM, nhóm tư vấn được mời ra Hà Nội để trình bày với lãnh đạo trung ương. Từ những đề xuất của nhóm và sự mạnh dạn phê duyệt của lãnh đạo, việc xóa bỏ “ngăn sông cấm chợ” đã làm cho nền kinh tế cả nước được liên thông. 

Đến đề án “Xây dựng đường Nguyễn Văn Linh”, “Khu đô thị Nam Sài Gòn”, cũng có những câu hỏi như: vì sao phải làm đường Nguyễn Văn Linh rộng đến 120m? Nhà Bè là vùng ngập mặn hoang hóa, làm sao có thể xây dựng khu đô thị? Lãnh đạo ngày đó đưa ra những phản biện rất sâu và chúng tôi cũng được quyền trả lời thẳng, thật, đi đến cùng vấn đề; nhưng khi đã thuyết phục và được thông qua thì họ tin tưởng, ủng hộ, bảo vệ chúng tôi đến cùng.

* Thế hệ ông tạo ra nhiều tiền lệ, nhưng nhiều cán bộ bây giờ cứ nghe nói “chưa có tiền lệ” là lại e dè?

- Nhà văn Lỗ Tấn từng nói: “Trên đời này làm gì có đường. Người ta đi mãi sẽ thành đường mà thôi”. Hiện nay chúng ta cứ nói không có đường nên tôi không đi. Nhưng không có người đi trước thì làm gì có đường. Vấn đề là ai dám đi trước?

“Dám nghĩ, dám làm” nghĩa là mình tự nhiên dính vào những chuyện không phải vì lợi ích của mình, nhưng hao tổn nhiều tâm trí, công sức, lại rất cô độc. Nghĩa là cái giá phải trả rất lớn. Cho nên cứ nói khuyến khích cán bộ “dám nghĩ, dám làm”, song thực sự không hề dễ.

Ông Phan Chánh Dưỡng (thứ hai từ phải sang) cùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt (bìa trái) khảo sát thực địa khu Nhà Bè - Ảnh tư liệu
Ông Phan Chánh Dưỡng (thứ hai từ phải sang) cùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt (bìa trái) khảo sát thực địa khu Nhà Bè - Ảnh tư liệu

Ngày xưa nhiều người khổ quá, mình không dám làm thì mình cũng chết vì đói, khổ. Còn bây giờ, khó khăn là của chung toàn xã hội, nhưng từng gia đình, từng con người chưa khó đến mức phải “liều” để làm. Thì người ta cứ chờ xem ai đó làm, hoặc khi nào xã hội diễn biến tốt hơn, còn hơn một mình mình “bẻ nạng chống trời”. Cán bộ ngày nay không phải không có khả năng, mà khả năng hơn thế hệ của tôi. Nhưng tôi cho rằng để cán bộ “dám nghĩ, dám làm” trong thời nay khó hơn xưa rất nhiều. Ngay cả lãnh đạo cũng vậy, nếu “đứng mũi chịu sào” mà cô độc thì sao? Cho nên cứ phải đòi hỏi “tập thể thông qua”, mà muốn “tập thể thông qua” không dễ, bởi vậy cái gì cũng chậm trễ.

* Nói như vậy, để tìm ra cán bộ “dám nghĩ, dám làm” thời nay là rất khó?

- Cách đây 20 năm tôi làm khu dân cư Phước Kiển (huyện Nhà Bè), quy định cốt nền phù hợp thời kỳ đó. Giờ tôi xuống hỏi thăm, nền đất của cả vùng bị võng xuống, nguyên con đường nước vừa lên là ngập. Người xây nhà rồi muốn nâng nền lên không được. Người xây mới muốn nâng cốt nền cũng không xong. Tôi mới hỏi một lãnh đạo, tại sao không dám đứng ra xin điều chỉnh quy hoạch, cốt nền? Quy định cũ không còn phù hợp nhưng không ai dám sửa. Nguyên một đề án cứ thế mà “chết dần”. Nhìn cả thành phố này biết bao nhiêu chuyện như vậy!

Cán bộ nhiều nơi còn cứng nhắc, thấy bất cập nhưng cứ chăm chăm quy định có sẵn mà làm. Cái này cũng chỉ mới ở mức linh động, chủ động, chưa tới tầm “dám nghĩ, dám làm” mà họ còn không dám làm.

* Có lẽ, cán bộ họ sợ nếu linh động, hôm nay là công, mai có thể là tội; hôm nay được biểu dương, biết đâu mai này lại phải đứng trước “vành móng ngựa”?

- Người ta cứ sợ như vậy, nhưng ngày xưa nếu ai cũng sợ chết thì lấy ai đi làm cách mạng? Tôi biết khó khăn, nhưng vì lợi ích của người dân, có những chuyện tôi dám làm. Cho nên, tinh thần cách mạng bây giờ đòi hỏi phải cao và gian nan hơn trước rất nhiều.

* Vậy cần khuyến khích tinh thần “dám nghĩ, dám làm” trong thời nay như thế nào, thưa ông?

- Chúng ta giống người chơi cờ mà thế hệ tôi như con cờ đã nằm ngoài bàn cờ. Tôi rất thông cảm với khó khăn của lãnh đạo ngày nay. Nhưng bảo tôi chỉ ra giải pháp thì tôi không dám, vì mỗi thời kỳ có khó khăn khác nhau, người trong cuộc phải tìm ra chứ không ai nghĩ thay được. Phải chỉ ra những điểm nghẽn và lần lượt gỡ nó thì từ đó sẽ lan tỏa theo cấp số nhân.

Một trong những điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là đền bù giải phóng mặt bằng. Đáng lẽ, khi giải tỏa, đối tượng cần quan tâm nhất chính là người dân, thì gần như chính quyền một số nơi chỉ quan tâm đến dự án. Trước đây, khi giải tỏa làm khu chế xuất Tân Thuận, tôi quyết định xây dựng khu tái định cư Tân Mỹ nằm ngay bên cạnh khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Vì tôi biết, nếu cứ đền tiền cho dân rồi bố trí họ ra khắp nơi sẽ rất thiệt thòi, cho nên tôi chọn vị trí tái định cư tốt nhất, để sau này khi đề án lớn lên thì người dân được trực tiếp hưởng lợi.

Trước đây, mỗi bước đi của tôi đều suy nghĩ rất sâu cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án mà mình đang thực hiện. Ngày nay, bối cảnh thay đổi, từng bước đi có thể khác, nhưng cái quan trọng trước nhất vẫn là suy nghĩ cho quyền lợi của người dân. Khi đặt lợi ích của người dân, lợi ích chung lên hàng đầu và mọi hành vi không vụ lợi thì tự nhiên anh sáng suốt, tự nhiên dám nghĩ, dám làm, dám quyết.

* Xin cảm ơn ông. 

Ông Phan Chánh Dưỡng từng đảm nhận các chức vụ: Giám đốc Công ty Cholimex, Tổng giám đốc Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận kiêm Phó tổng giám đốc Công ty Liên doanh khu chế xuất Tân Thuận và Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng.

Ông là thành viên nhóm Thứ Sáu, tiền thân là nhóm tư vấn kinh tế của quận 5, được lãnh đạo TPHCM và trung ương tin tưởng, giao nghiên cứu và cố vấn chính sách kinh tế, đề xuất các đề án đột phá cho TPHCM và cả nước, góp phần vào công cuộc đổi mới, phát triển.

Ông cũng là người tiên phong trong việc đề xuất và triển khai những dự án phát triển khu đầm lầy Nhà Bè từ hơn 30 năm trước, như: khu chế xuất Tân Thuận, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, đại lộ Nguyễn Văn Linh, khu công nghiệp - cảng Hiệp Phước...

Phương Thanh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI