Đại diện Sở Nội vụ TP.HCM cho biết Sở đã trình UBND TP bộ quy tắc ứng xử, áp dụng cho cán bộ, công chức, người lao động làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn TP trong thi hành nhiệm vụ, công vụ, trong quan hệ xã hội.
Theo đó, Sở đề xuất cán bộ, công chức, người lao động không mặc quần jeans, áo thun khi làm việc, trừ trường hợp tham gia các hoạt động, sự kiện của cơ quan, đơn vị.
Không sử dụng bia rượu, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực cũng như không hút thuốc lá trong khuôn viên của trụ sở cơ quan, phòng làm việc, phòng họp và hội trường; giờ làm việc không đeo tai nghe, bật nhạc, nghe nhạc, chơi điện tử và các thiết bị giải trí cá nhân.
|
Sở Nội vụ đã trình UBND TP bộ quy tắc ứng xử, áp dụng cho cán bộ, công chức, người lao động làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn TP |
Đặc biệt, trong quan hệ ứng xử gia đình, không được tổ chức các hoạt động cưới hỏi, ma chay, mừng thọ, sinh nhật, tân gia, thăng chức và các hoạt động khác của bản thân và gia đình xa hoa, lãng phí, vì mục đích vụ lợi...
Theo Sở Nội vụ TP.HCM, hiện TP có hơn 12.000 cán bộ, công chức thuộc các cơ quan hành chính nhà nước (UBND các cấp, sở ngành) và khoảng 110.000 cán bộ, viên chức, người lao động tại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền (trường học, bệnh viện, viện nghiên cứu, trung tâm, nhà hát…). Nếu được UBND TP thông qua bộ quy tắc ứng xử, tất cả số cán bộ, công chức, viên chức này thuộc đối tượng sẽ bị điều chỉnh.
Không để công chức “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”
Mục tiêu công cuộc cải cách nền hành chính nhà nước là xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
TP.HCM với vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước, thì đội ngũ cán bộ, công chức của một đô thị thuộc loại đặc biệt phải là đội ngũ hết sức chuyên nghiệp.
|
Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Lê Hoài Trung |
Muốn được như vậy thì TP phải ban hành bộ tiêu chí chuẩn mực, đòi hỏi cán bộ, công chức, viên chức phải lo rèn luyện để đạt được chuẩn mực đó. Như việc ăn mặc nơi công sở trong giờ làm việc phải phù hợp; tác phong, phát ngôn, thái độ ứng xử… phải thể hiện là người có văn hóa.
Ngay cả chuyện chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính cũng là một nét văn hóa cần phải có của công chức. Công chức phải tuân thủ nội quy, giờ giấc làm việc, có hiệu quả để mang lại lợi ích cho nhà nước, cho người dân. Bây giờ hiệu quả làm việc phải mang tính định lượng chứ không phải định tính. Sản phẩm anh làm ra cụ thể là cái gì, chứ không phải “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về” mà đến tháng vẫn nhận lương đều đều là không được.
Trước hết công chức phải nhận thức mình là một người có thái độ, ứng xử văn hóa trong giao tiếp. Thứ hai là phải chấp hành những quy chuẩn đó để khắc phục những khuyết điểm mà lâu nay báo chí, người dân hay than phiền về tình trạng công chức “không biết cảm ơn, không biết xin lỗi, không biết kính thưa, không biết kính chào”. Thứ ba là giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân phải đúng hẹn, không được bày vẽ này nọ để hành dân, nhũng nhiễu
Bộ quy tắc ứng xử mà Sở Nội vụ trình UBND TP hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, vì dân phục vụ. Người dân không thể chấp nhận công chức trong giờ làm việc mà hút thuốc, đeo tai nghe, bật nhạc, nghe nhạc, chơi điện tử và các thiết bị giải trí cá nhân… Những biểu hiện “chướng tai gai mắt” như vậy phải bị triệt tiêu.
Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Lê Hoài Trung
Tôi hoàn toàn đồng ý với quy định cấm mặc quần jeans, áo thun
Tôi hoàn toàn đồng ý với quy định cấm mặc quần jeans, áo thun trong giờ làm việc ở các cơ quan công quyền. Quần jean và áo thun mặc dù là trang phục được ưa chuộng, phù hợp với mọi lứa tuổi, sử dụng tiện lợi nhưng mặc ở các cơ quan công quyền thì không phù hợp, bởi đã là công chức của cơ quan hành chính Nhà nước thì phải có sự nghiêm túc, tác phong lịch sự.
Bản thân tôi cũng rất thích jean và áo thun bởi sự tiện lợi của loại trang phục này, tuy nhiên tôi chỉ mặc khi đi chơi, dã ngoại hoặc khi tham gia các hoạt động phong trào, vui chơi giải trí ngoài trời.
|
Bà Trần Thị Linh- chuyên viên Trang tin điện tử Đảng bộ TPHCM |
Làm việc ở một TP năng động, đầu tàu kinh tế của cả nước thì hình ảnh người công chức mà tôi thích nhất là áo sơ mi + váy công sở qua đầu gối, vừa lịch sự, đẹp lại vừa hiện đại, năng động. Nữ công chức cũng có thể mặc đầm công sở dài qua đầu gối, có tay và không hở cổ. Đối với công chức làm việc ở những bộ phận, vị trí ít đi lại nhiều thì có thể sử dụng chiếc áo dài truyền thống của phụ nữ Việt Nam.
Tuy nhiên, quần áo có lịch sự nghiêm túc đến mấy mà tác phong làm việc không khoa học, không lịch sự thì cũng vô nghĩa. Cùng với trang phục lịch sự, nghiêm túc thì công chức phải có tác phong công nghiệp, khoa học, có thái độ lịch sự, tôn trọng người giao tiếp, làm đúng việc đúng vị trí, thẩm quyền được giao.
Bà Trần Thị Linh- chuyên viên Trang tin điện tử Đảng bộ TPHCM
Cần lấy ý kiến kỹ trước khi ban hành
Tôi đồng ý với nội dung không sử dụng bia rượu, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực cũng như không hút thuốc lá trong khuôn viên của trụ sở cơ quan, phòng làm việc, phòng họp và hội trường; giờ làm việc không đeo tai nghe, bật nhạc, nghe nhạc, chơi điện tử và các thiết bị giải trí cá nhân.
Tuy nhiên, về nội dung cấm mặc quần jeans, áo thun trong giờ làm việc ở các cơ quan công quyền, tôi cho rằng nội dung này cần lấy ý kiến rộng rãi trước khi ban hành, để tránh bó buộc cho nhân viên. Bởi thực tế ở một số cơ quan nhà nước hiện nay đã có những quy định riêng.
Ở cơ quan tôi quy định thứ 2 mặc quần tây đen, sơ mi trắng, thứ 3-5 thì mặc quần tây, ngày lễ quy định mặc áo dài, còn ngày thứ 6 cuối tuần cho nhân viên được mặc thoải mái. Điều tôi nghĩ người dân cần là hiệu quả công việc nên vấn đề quy định ăn mặc thật sự không cần thiết.
Về nội dung trong quan hệ ứng xử gia đình, không được tổ chức các hoạt động cưới hỏi, ma chay, mừng thọ, sinh nhật, tân gia, thăng chức và các hoạt động khác của bản thân và gia đình xa hoa, lãng phí, vì mục đích vụ lợi... Tôi cho rằng cần định nghĩa thế nào là xa hoa một cách cụ thể vì vấn đề này rất nhạy cảm.
Nguyễn Thị H. – cán bộ một doanh nghiệp nhà nước
|
Quỳnh Mai (ghi)