Cán bộ, công chức ngày càng xa dần bữa cơm gia đình

20/02/2023 - 06:36

PNO - Mục đích của cải cách hành chính là nâng chất lượng và hiệu quả công việc của bộ máy hành chính công, phục vụ dân tốt hơn, đồng thời giảm tải công việc cho cán bộ, công chức. Nhưng trên thực tế, sau nhiều năm cải cách hành chính, cán bộ, công chức ở TPHCM hiện vẫn quá tải công việc, ngày càng rời xa bữa cơm gia đình.

1 tuần, hết 5 ngày về trễ

“Ba ơi, tối nay ba có về ăn cơm không? Mấy giờ ba về hả ba?”. Sau khi nhắn câu hỏi vào nhóm Zalo của gia đình, con trai đầu của chị M. than: “Bữa nào quên hỏi là y như rằng cả nhà phải chờ ba dài cổ, sau đó phải ăn đồ nguội, bữa sau lại ăn đồ hâm lại vì ba bận tiếp khách, không ăn cơm nhà”. 

Suốt mấy năm nay, từ khi chồng chị M. đảm nhận vị trí chánh văn phòng UBND quận, anh ít khi về nhà ăn cơm với vợ con. Chị M. kể, trước đây, khi chồng chị còn làm giảng viên đại học, bữa cơm nhà chị luôn có đủ 4 thành viên. Từ khi anh chuyển sang làm công tác chính quyền, mỗi tuần, anh về nhà trễ hết 5 ngày do phải làm cho hết việc cơ quan. 

Anh Phương - một viên chức làm việc tại quận 3 - tranh thủ ngày nghỉ chuẩn bị bữa cơm cho gia đình - ảnh: uyên nhi
Anh Phương - một viên chức làm việc tại quận 3 - tranh thủ ngày nghỉ chuẩn bị bữa cơm cho gia đình - Ảnh: Uyên Nhi

Ban đầu, chị M. bắt các con cùng ngồi chờ ba về ăn cơm theo đúng phép tắc, nhưng sau đó thấy con đói, lại còn phải học bài, làm bài tập, chị cho các con ăn trước, một mình chờ chồng. Có khi, trong 1 buổi tối, chị phải hâm cơm tới 3 lần, để rồi sau đó vẫn ăn một mình, bởi trước đó, chồng chị nhắn “lát ba về”, lát sau lại nhắn: “Mấy mẹ con ăn trước, ba chưa xong công việc”. Thứ Bảy, Chủ nhật nào, anh cũng chạy lên UBND quận hoặc đi học chính trị, học nghiệp vụ. 

Ban đầu, chị cũng không tin công việc của anh nhiều thế. Chị hỏi thì anh nói: “Làm vậy mà vẫn chưa hết việc”. Chị hỏi chuyện đồng nghiệp của anh, họ nói: “Tội anh Q. lắm chị, trách nhiệm nặng nề, ảnh làm bù đầu. Tụi em cũng toàn 19 - 20g mới rời cơ quan. Đợt cao điểm như đại hội, hội nghị tổng kết chuyên đề, tổng kết năm, cả nhóm làm tới tận 22g, 23g luôn. Mà tụi em phải làm xong, anh Q. kiểm tra, đồng ý, mới được coi là xong việc ngày hôm đó”. 

Nghe chị than việc chồng không về ăn cơm nhà, một cán bộ phụ trách đô thị ở một phường trong quận cười: “Tụi em cũng 20 - 21g mới buông công việc được, làm gì có chuyện ăn cơm nhà. Vợ em cũng nhăn nhó miết”. 

Nghe nhiều người nói, chị không còn nghi ngờ việc chồng “có gì mà về khuya” nhưng lại quay sang lo cho sức khỏe của chồng. Anh Q. ăn uống không đúng giờ giấc, làm việc lao lực nên mới U50 mà mắc bệnh đường tiêu hóa, thoái hóa đốt sống cổ cùng nhiều chứng bệnh văn phòng khác.

Phải nhờ người thân trợ giúp

Chị Trần Thiện Bảo Khang - Chủ tịch Hội LHPN phường 19, quận Bình Thạnh - phải nhiều lần xin lỗi đứa con trai 10 tuổi do chị cứ đi suốt, ít có thời giờ bên con. Chị ái ngại: “Xin lỗi con riết mà thấy mắc cỡ. Hôm rồi, mẹ con thỏa thuận cuối tuần này cùng đi chợ, nấu món con thích, cuối cùng cũng không thành”. Đó là hôm thứ Bảy. Buổi sáng, chị đón phóng viên đài truyền hình đến làm việc với địa phương, trưa ăn “cơm bụi”, chiều họp chi bộ khu phố. Họp hết buổi chiều, chị liền tạt qua chợ, mua nhanh vài thứ rồi chạy về nhà. 
 

Theo chị Khang, công việc của cán bộ đoàn thể “dàn trải, không tên”, ngốn rất nhiều thời gian. Mỗi ngày, chị thức dậy từ 5g lo cơm nước, đưa con đến trường để 7g15 kịp có mặt ở cơ quan theo quy định. 8 giờ hành chính mỗi ngày chỉ đủ để chị hoàn thành các báo cáo, viết kế hoạch các phong trào, làm các thống kê về vốn vay, viết bài gương điển hình… Các hoạt động của đoàn thể thường được tổ chức sau 17g hoặc cuối tuần để người dân mọi thành phần đều dự được. Do đó, chị ở “ngoài đường” nhiều hơn ở nhà. 

Ban ngày, chị Khang phải nhờ người cô trông con giúp. 19g, chị tạm xong việc, ghé đón con nên bữa ăn tối của 2 mẹ con hầu hết là do mẹ chị nấu. Chị chia sẻ: “Tính tôi máu lửa, cực cỡ nào cũng muốn làm mọi thứ tới nơi tới chốn. Bù lại, tôi luôn cố gắng chắt chiu ngày cuối tuần để đưa con đi chợ, chọn mua thứ con thích rồi về cùng nấu ăn, ít nhất mỗi tuần phải có một bữa cơm tươm tất”.

Theo bà Đinh Thị Thu Trang - nguyên Phó chủ tịch Hội LHPN quận Bình Thạnh - cán bộ, công chức rất khó duy trì bữa cơm gia đình. Hiện nay, tuy có sự trợ giúp của công nghệ nhưng khối lượng công việc vẫn quá nhiều. 

Chị Phạm Huỳnh Anh Thư - Chủ tịch Hội LHPN phường 13, quận 3 - cũng ghi nhận, những năm gần đây, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, nhiều đầu việc đã được giải quyết nhanh chóng, hiệu quả. Đơn cử như khi cần khảo sát, cán bộ có thể thực hiện trực tuyến (online), rút ngắn được thời gian, đỡ tốn công đi lại mà hiệu quả và tính tương tác lại cao hơn. 
 

Gia đình chị Phạm Huỳnh Anh Thư  chuẩn bị bữa cơm gia đình
Gia đình chị Phạm Huỳnh Anh Thư chuẩn bị bữa cơm gia đình

Thực tế, chính quyền TPHCM đã rất quan tâm việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hành chính. Đầu năm 2023, UBND thành phố đã ban hành bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số và kế hoạch triển khai thực hiện hệ thống này để theo dõi, đánh giá thực chất, khách quan mức độ thực hiện chuyển đổi số của các cơ quan, địa phương, từ đó giúp nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành, giúp nâng cao chất lượng phục vụ và tiết kiệm thời gian, giảm tải công việc cho cán bộ, công chức.

Mặc dù vậy, trên thực tế, nhiều cán bộ - nhất là ở cơ sở - vẫn quá tải công việc do nhiều nguyên nhân, và vẫn phải đi sớm về trễ. Một nữ cán bộ ngành báo chí TPHCM đặt câu hỏi: “Vì sao ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, cán bộ vẫn phải tăng ca mà không hết việc? Phải chăng chúng ta chuyển đổi số chưa đến nơi đến chốn? Hay còn những nguyên nhân gì khác cần được nhận diện thêm, để cán bộ, công chức có thể vừa xử lý công việc của cơ quan, đơn vị mình hiệu quả mà vẫn giữ được những bữa cơm ấm áp cho gia đình mình?”.  

Bữa cơm gia đình vun đắp tình thân

Bữa cơm chung là lúc sum vầy sau giờ làm, giờ học để đảm bảo hạnh phúc cho mái ấm gia đình. Trong gia đình tôi, các thành viên đều cố gắng để được ăn cơm cùng nhau. Mọi người tự biết rằng, ai về trước thì chuẩn bị bữa cơm. 

Tiêu chí của bữa cơm nhà tôi là “ăn no và đảm bảo sức khỏe” nên không cần tốn quá nhiều thời gian chế biến. Đúng giờ cơm (khoảng 11g30 hoặc 18g), ai có mặt thì cùng ăn với nhau, không nhất thiết phải chờ đợi. Đặc biệt, trong bữa cơm, chúng tôi không tranh luận những vấn đề gây khó chịu, không phê bình nhau nhằm giữ không khí vui vẻ, ấm cúng.

Bữa cơm gia đình càng hiếm hoi thì càng phải yêu quý, gìn giữ. Cần ý thức rằng, bữa cơm gia đình mang giá trị vun đắp tình thân chứ không đơn thuần là một sinh hoạt bắt buộc, mang tính hình thức. Vun đắp tình thân là trách nhiệm của mọi thành viên trong gia đình.

Tiến sĩ Bùi Thị Ngọc TrangPhó giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM

Theo báo cáo của UBND TPHCM về sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tính đến ngày 30/6/2022, TPHCM có 2.111 cán bộ, 614 công chức và 4.155 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

UBND TPHCM đã triển khai hệ thống thư điện tử công vụ (đã cấp 24.019 hộp thư cho các đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức), hệ thống quản lý tài liệu điện tử (đã liên thông, kết nối hơn 1.108 đơn vị). UBND TPHCM cũng chỉ đạo các cấp, ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin sâu rộng vào công việc, tiếp tục xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.

Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI