PNO - Ngày 11/8, nhiều suy tư, trăn trở của cán bộ Trung tâm Văn hóa TPHCM đã được nêu tại buổi giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân TPHCM và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM về kết quả thực hiện một số nội dung chủ đề năm 2020 “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”.
Ông Nguyễn Văn Đạt - Phó ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân (HĐND) TPHCM - đặt vấn đề: “Với vai trò, trách nhiệm của trung tâm, anh chị có thể tham mưu gì cho quận, huyện về chuyên môn, nghiệp vụ để không lãng phí các thiết chế văn hóa cơ sở tại đây? Làm sao hỗ trợ quận, huyện để có được nhiều loại hình giải trí, nhiều sân chơi bổ ích, phát huy hết tác dụng đối với các thiết chế văn hóa đó?”.
Hoạt động hỗ trợ thiết chế văn hóa cơ sở của Trung tâm Văn hóa TPHCM
Đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung - thành viên đoàn giám sát - bày tỏ sự quan tâm về lực lượng chuyên môn. Bà nhận định: “Vì sao hoạt động cơ sở èo uột? Vì các trung tâm văn hóa quận, huyện hiện nay không đủ nguồn lực để thu hút nhân sự, người tài. Đội ngũ làm văn hóa ở cơ sở được đào tạo, bố trí như thế nào, năng lực hoạt động của các vị này có phát huy được hay không? Tôi thấy nhiều trung tâm phải cho thuê mướn mặt bằng, trông không còn màu sắc văn hóa”.
Trao đổi với đoàn giám sát, bà Chu Thị Hồng Thúy - Phó trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa, Trung tâm Văn hóa TPHCM - cho hay, trung tâm văn hóa ở các quận trung tâm có thể đỡ hơn, nhưng ở các quận, huyện xa trung tâm, việc thu hút nhân lực hết sức khó khăn. Ngay như Trung tâm Văn hóa TPHCM cũng tuyển dụng được ba sinh viên Trường đại học Văn hóa mới ra trường với mức lương chỉ 2,7 triệu đồng/tháng. “Có quá thấp không nếu so với bên ngoài người ta trả cho một lao động phổ thông? Đa số người có chuyên môn ra làm việc cho các công ty tư nhân hoặc làm nghề tay trái mới bảo đảm cuộc sống” - bà Thúy nói.
Theo bà, với hoạt động văn hóa, con người là quan trọng nhất, quyết định tất cả. Nhưng, ngoài thực tế như trên, tại các địa phương, cán bộ nào “có vấn đề gì đó” lại “được” đẩy về trung tâm văn hóa. Điều này khiến việc tổ chức, điều hành thêm khó. Ngành văn hóa là “chủ công” trong mọi hoạt động “quanh năm nghiêm túc, bốn mùa khẩn trương” ở địa phương, từ treo cờ quạt, đèn đóm, âm thanh, ánh sáng đến biểu diễn… để thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhưng kinh phí luôn hạn hẹp.
“Quận huyện nào mà lãnh đạo quan tâm thì hoạt động của trung tâm văn hóa khá hiệu quả. Ví dụ, câu lạc bộ nhiếp ảnh của quận Bình Thạnh có thể tham gia các giải quốc tế” - bà Thúy cho biết thêm.
Bà Dương Thị Hoài Thương - Phó trưởng phòng Nghệ thuật quần chúng, Trung tâm Văn hóa TPHCM - tiếp tục lấy ví dụ từ cơ quan mình: “Gần đây nhất, có hai nhân sự có chuyên môn khá giỏi, làm việc lâu năm, gồm một nhạc sĩ và một thạc sĩ nhưng lương quá thấp, đã xin nghỉ từ đầu tháng Bảy. Ở thành phố như vậy, huống chi là các trung tâm quận, huyện”.
Theo bà Thương, cán bộ ngành văn hóa luôn có cảm giác bị đánh giá “lép vế” so với kinh tế: “Chúng tôi làm việc 16-20 năm, rất yêu nghề, đam mê cháy bỏng, rất muốn gắn bó với ngành, với nghề nhưng không biết sự chiến đấu và chịu đựng sẽ còn được bao lâu nữa”.
Cũng theo bà Thương, bà không muốn tồn tại suy nghĩ rằng văn hóa chỉ là “cờ, đèn, kèn, trống”, chỉ là ngành tiêu tiền. “Nhưng điều mà chúng ta tạo ra lại là vô hình và cực kỳ có giá trị. Với quá trình công tác 16 năm, kèm phụ cấp trách nhiệm là phó phòng, lương của tôi chỉ hơn 5 triệu đồng/tháng. Khi phục vụ liên hoan, hội diễn, được 80.000 đồng/buổi, viết bài đánh giá tổng kết cho ban tổ chức thì được 300.000 đồng/bài…” - bà Thương nói.
Có trung tâm mà không có “nhà”
Ngoài khó khăn về kinh phí, nhân sự, ông Lê Cao Đạt - Giám đốc Trung tâm Văn hóa TPHCM - trình bày khó khăn về cơ sở vật chất. Ngoài phương tiện lạc hậu, thiếu thốn, chưa được đầu tư đồng bộ, hiện trụ sở trung tâm tại 97 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1 cũng ngày càng xuống cấp.
Trung tâm Văn hóa TPHCM, tức Rạp Olympic trước 1975, nay đã xuống cấp và không đáp ứng nhu cầu - Ảnh: internet
Ngoài ra, hiện mặt bằng hai bên tầng trệt của trung tâm còn bị các đơn vị tư nhân chiếm dụng. Ngày trước, đây là hai ô bán vé của rạp Olympic cũ, nhưng không rõ bằng cách nào, hai ô bán vé bị chiếm dụng và dần dần được hợp thức hóa bằng hợp đồng thuê đất nhà nước, dẫn đến tình trạng phức tạp hiện nay.
Theo ông Võ Trọng Nam - Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, cần phải làm rõ chủ quyền của trung tâm. Nếu vẫn giữ nguyên hiện trạng thì hợp đồng của các đơn vị tư nhân với hai ô bán vé vẫn còn giá trị vì đã ký với Sở Tài nguyên và Môi trường. Muốn tháo gỡ, phải triển khai dự án xây mới, từ đó mới có thể thu hồi được mặt bằng. “Nghệ thuật là tiếp nối từ quần chúng, phong trào thành chuyên nghiệp rồi từ chuyên nghiệp lại định hướng, dẫn dắt kinh nghiệm cho hoạt động quần chúng, phong trào” - ông Nam nêu quan điểm.
Theo ông Nam, nếu xây trung tâm mới ngay vị trí hiện tại, vẫn chưa xứng tầm của một trung tâm văn hóa trực thuộc trung ương theo Thông tư 03/2009/TT-BVHTTDL năm 2009 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Theo đó, ngoài trụ sở làm việc, trung tâm văn hóa cấp tỉnh phải có hội trường đa năng, có địa điểm để tổ chức các loại hình nghệ thuật quần chúng, tuyên truyền, cổ động, triển lãm, có địa điểm sinh hoạt câu lạc bộ, học tập nghiệp vụ và bồi dưỡng của các lớp năng khiếu, có khu dịch vụ, vui chơi giải trí, rèn luyện thể chất, có khu cây xanh, vườn hoa, cây cảnh…
Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM từng đề xuất di dời trung tâm về công viên 23 Tháng 9 hoặc gần đây là đề xuất gắn vào chủ trương mở rộng Bảo tàng Hồ Chí Minh (Bến Nhà Rồng). Trung tâm có thể sử dụng trụ sở của Cảng Sài Gòn cũ để kết nối cụm thiết chế văn hóa bảo tàng, công viên. Theo ông Nam, Sở Quy hoạch và Kiến trúc ủng hộ đề xuất này.