Cần bình đẳng công, tư khi gọi vốn mở rộng đường cao tốc

06/09/2023 - 06:30

PNO - Văn phòng Chính phủ vừa ra văn bản số 6727/VPCP-CN truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về việc nghiên cứu phương án đầu tư mở rộng tuyến đường cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận.

Theo đó, Phó thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chủ trì nghiên cứu và đề xuất đầu tư mở rộng đoạn đường cao tốc TPHCM - Trung Lương lên 8 làn xe, đoạn đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận lên 6 làn xe theo phương thức hợp tác công - tư (PPP); giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng địa phương có tuyến đường đi qua nhất trí về loại hợp đồng phù hợp.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (phải) giao với cao tốc TP HCM - Trung Lương tại Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành. Ảnh: Hoàng Nam
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (phải) giao với cao tốc TP HCM - Trung Lương tại Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành - Ảnh: Hoàng Nam

Việc mở rộng đường cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận (tổng chiều dài 91km) là một phần của kế hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với mục tiêu hoàn thành trước năm 2030. Đường này đi qua 3 địa phương, bao gồm TPHCM, tỉnh Long An và tỉnh Tiền Giang. Theo Bộ GTVT, tổng kinh phí mở rộng đường cao tốc này dự kiến 25.000 tỉ đồng; trong đó, đoạn TPHCM - Trung Lương khoảng 13.000 tỉ đồng, đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận khoảng 12.000 tỉ đồng. 

Ông Nguyễn Ngọc Lự - nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM - cho hay, đoạn đường cao tốc TPHCM - Trung Lương dài khoảng 40km, có 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp. Sau 13 năm vận hành, đoạn này thường xuyên bị ùn tắc, tốc độ lưu thông chỉ đạt khoảng 60 - 70km/giờ trong khi theo thiết kế là 100 - 120km/giờ. Đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51km, có 4 làn xe, đi vào hoạt động từ tháng 4/2022 với tốc độ tối đa cho phép là 80km/giờ, cần được nâng tốc độ thiết kế để đạt tiêu chuẩn (100 - 120km/giờ). Do đó, việc đầu tư mở rộng tuyến đường cao tốc này là hết sức cấp thiết. 

Theo ông, lượng phương tiện trên tuyến cao tốc này rất lớn, khoảng 52.000 lượt xe/ngày đêm trên đoạn TPHCM - Trung Lương và 23.000 lượt xe/ngày đêm trên đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận. Do đó, việc thu hút đầu tư theo hình thức PPP là khả thi, cụ thể là theo hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Bộ GTVT và các bộ liên quan cần khẩn trương xây dựng phương án để thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư.

Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam - cũng đồng tình với việc thu hút tư nhân tham gia đầu tư mở rộng tuyến đường này. Tuy nhiên, ông cho rằng, phương thức PPP chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư bởi thời gian qua, có những dự án đầu tư PPP đòi hỏi vốn tư nhân đến 80% nhưng lại bị quản lý khắt khe theo các thủ tục đầu tư công; khi phía tư nhân vi phạm thì bị xử lý nghiêm khắc, còn cơ quan nhà nước thường không bị chế tài khi không thực hiện đúng cam kết, gây thiệt hại cho nhà đầu tư (như chậm bàn giao mặt bằng, chậm bố trí vốn, áp đặt các mệnh lệnh đóng trạm thu phí…). Do đó, cần xây dựng hợp đồng rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của tư nhân và cơ quan nhà nước trên nguyên tắc bình đẳng, đảm bảo quyền lợi của các bên khi hợp tác công - tư.

Phạm Luận

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI