Người già, trẻ đều có nguy cơ mắc bệnh
Thời gian qua, Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM) đã liên tiếp can thiệp nhiều trường hợp bị tắc động mạch, hoại tử chân. Điều đáng lưu ý là cả người già, người trẻ đều có nguy cơ mắc bệnh nhưng dễ nhầm lẫn với các bệnh khác.
Một bệnh nhân là ông T.V.K. - 80 tuổi, ở tỉnh Đồng Nai - thường xuyên cảm thấy 2 chân tê cứng, nhức mỏi. Những lúc mỏi rã rời 2 chân, ông K. thường dùng dầu nóng xoa bóp để cảm giác được dịu lại. Cho đến khi ông đi lại khó khăn, đau nhức ngày càng nhiều nhất là vùng hông và đùi, người nhà mới đưa ông đến một cơ sở y tế ở địa phương thăm khám.
Bác sĩ chẩn đoán ông bị bệnh về cơ xương khớp và cho thuốc về uống. Điều trị hơn 1 tháng, bệnh không cải thiện nên ông đi thăm khám ở một bệnh viện khác. Bác sĩ nói ông không bị bệnh về cơ xương khớp mà là bệnh liên quan đến thần kinh làm ảnh hưởng đến chân. Tuy nhiên sau quá trình điều trị, tình trạng đau nhức của ông lại ngày càng nặng nề hơn.
Ông K. sau đó được người nhà đưa đến Bệnh viện Thống Nhất. Kết quả khám bệnh cho thấy, ông bị tắc động mạch chủ bụng do xơ vữa mạch máu, bệnh đang diễn tiến phức tạp phải can thiệp điều trị.
Suốt 2 năm bị đau mỏi vùng đùi, cẳng chân 2 bên, ông N.V.T. - 60 tuổi, ở tỉnh Lâm Đồng - vẫn chỉ uống thuốc giảm đau, hạn chế đi lại. Vì nghĩ đây là “bệnh tuổi già” nên ông mặc kệ. Cho đến vài tháng gần đây, 2 chân liên tục mỏi nhừ, có các cơn đau tê, uống thuốc giảm đau không bớt, ông T. đến một bệnh viện tại địa phương khám bệnh. Bác sĩ chẩn đoán ông bị thoái hóa khớp, cho thuốc về uống.
Ông T. chia sẻ: “Tôi uống thuốc được khoảng 20 ngày. Mỗi lần uống thì đỡ mỏi chân, nhưng ngón chân út bên trái bị sưng căng, tấy đỏ, chảy mủ rồi đen lại. Tôi lên Bệnh viện Đa khoa Đà Lạt khám lại. Bác sĩ siêu âm và nói tôi bị tắc động mạch chủ bụng nặng, tư vấn tôi đi Bệnh viện Thống Nhất điều trị”.
Tại đây, bác sĩ phát hiện ông bị hẹp 70% động mạch chủ bụng, tắc mạn động mạch chậu chung bên phải, tắc mạn động mạch chậu ngoài bên trái, các động mạch chậu khác bị hẹp khít, bệnh diễn tiến phức tạp, ngón chân út hoại tử do các động mạch tắc gây thiếu máu nuôi. Ông được chỉ định can thiệp nội mạch bằng phương pháp tái tạo ngã ba chủ chậu bằng stent phủ.
“Bây giờ, tôi đi lại bình thường, không còn đau nhức, ngón chân út cũng “sống” rồi. May mà ngón chân út bị nhiễm trùng, sưng nặng, nếu không thì tôi vẫn nghĩ xương khớp đau nhức là do tuổi già, mua thuốc ngoài uống chứ không đi khám nữa” - ông vui mừng kể.
Chỉ cần nong động mạch
|
Bác sĩ Nguyễn Duy Tân thăm khám cho người bệnh sau phẫu thuật |
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Duy Tân - Phụ trách Khoa Ngoại tim mạch lồng ngực, Bệnh viện Thống Nhất - cho biết, hẹp, tắc động mạch chủ bụng, chậu hay động mạch chi rất nguy hiểm. Đặc biệt là động mạch chủ bụng vì đây là động mạch lớn, nếu bị tắc sẽ ảnh hưởng nhiều bộ phận khác trong cơ thể. Nguyên nhân do xơ vữa mạch máu, hẹp mạch máu. Một số người có lượng mỡ trong máu cao, đường huyết không ổn định, huyết áp cao… cũng có nguy cơ mắc bệnh.
Hiện nay, bệnh này có tỉ lệ khoảng 50% ở nhóm người lớn tuổi (từ 60 tuổi trở lên). Quan trọng, người cao tuổi thường gặp hội chứng động mạch chủ cấp tính. Đây là thuật ngữ mô tả các tình trạng khẩn cấp, bao gồm bóc tách động mạch chủ, máu tụ trong thành động mạch và loét động mạch chủ xuyên thấu. Đặc biệt người cao tuổi bị xơ vữa động mạch có thể dẫn đến tử vong.
Người trẻ cần chú ý bệnh này. Bởi việc ăn uống, nghỉ ngơi không điều độ; uống rượu bia, thuốc lá kéo dài; kèm theo bị stress nhiều cũng có thể dẫn đến xơ vữa động mạch, tắc động mạch.
Bác sĩ Nguyễn Duy Tân nói: “Việc phát hiện người bệnh bị hẹp, tắc động mạch không khó, chỉ cần thực hiện siêu âm, MRI… Tuy nhiên, do triệu chứng ban đầu của người bệnh thường chỉ là nhức mỏi, tê chân khiến một số bác sĩ còn nhầm lẫn với các bệnh thần kinh, cơ xương khớp, nội tiết (đái tháo đường), nên điều trị chưa đúng. Điều này rất nguy hiểm, vì điều trị chậm trễ gây tình trạng thiếu máu dẫn đến nhiễm độc, nhiễm trùng, hoại tử chi. Nặng hơn nữa là nhiễm trùng, nguy cơ nhiễm độc, sốt, suy thận, suy đa cơ quan đe dọa tính mạng”.
Khi chẩn đoán đúng bệnh, chỉ cần can thiệp nong động mạch bằng phương pháp nội soi sẽ điều trị được ngay. Bệnh nhân khỏe mạnh, sinh hoạt, đi làm bình thường. Trước đây, bệnh nhân bị tắc động mạch chủ bụng cần phải phẫu thuật mổ hở để can thiệp. Người bệnh không chỉ tốn kém về chi phí mà còn chịu sự xâm lấn các cơ quan khác khiến thời gian điều trị kéo dài, tỉ lệ thành công thấp.
Hiện nay, với sự tiến bộ của y học, phương pháp can thiệp mạch máu ít xâm lấn lấy máu đông, đặt stent tái thông mạch máu giúp người bệnh có thể phục hồi hoàn toàn ngay sau can thiệp, tỉ lệ thành công trên 90%.
Vì vậy, để phòng ngừa bệnh tắc động mạch, tắc mạch, mọi người cần kiểm soát mỡ trong máu, đường huyết, a xít uric… Bổ sung nhiều rau củ, trái cây trong chế độ ăn, tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, hạn chế rượu bia, nhất là không hút thuốc lá.
“Khi có triệu chứng đau, mỏi chân kéo dài, cơn đau dai dẳng, thăm khám điều trị không thuyên giảm, người bệnh cần nghĩ đến bệnh hẹp, tắc động mạch và yêu cầu bác sĩ chỉ định thêm siêu âm, chẩn đoán hình ảnh để kịp thời phát hiện bệnh” - bác sĩ Nguyễn Duy Tân lưu ý.
Theo bác sĩ Nguyễn Duy Tân, khi đi thăm khám, do bị đau, mỏi, tê chân nên người bệnh thường đến khám chuyên khoa cơ xương khớp. Nếu bác sĩ chỉ hỏi về triệu chứng, không hỏi kỹ bệnh sử sẽ rất khó tìm ra bệnh.
Vì vậy, khi người bệnh cho biết bị cơn đau dai dẳng, uống thuốc không khỏi, bác sĩ cần xác định khoảng thời gian đau, mỏi và chỉ định người bệnh thực hiện chẩn đoán hình ảnh để không bỏ sót bệnh lý tắc, hẹp động mạch.
Phạm An