Cân bằng hàn nhiệt trong ăn uống để sống khỏe

19/07/2021 - 10:25

PNO - Theo y học cổ truyền, để có sức khỏe tốt thì việc ăn uống là một trong những điều quan trọng của thuật dưỡng sinh. Điểm cốt yếu của vấn đề là cần cân bằng hàn nhiệt, âm dương, hài hòa ngũ vị trong việc lựa chọn và chế biến thực phẩm phù hợp với cơ thể mình.



Nhận biết thực phẩm hàn nhiệt

Thiên nhiên đã ban tặng cho chúng ta nguồn thực phẩm vô cùng đa dạng, dựa trên kinh nghiệm hàng ngàn đời, các nhà dưỡng sinh chia thực phẩm ra thành các nhóm hàn nhiệt, ôn lương, tương đương với lạnh nóng, ấm mát; theo âm dương và ngũ vị: chua, cay, mặn, ngọt, đắng. Ngoài ra, còn có thực phẩm tính bình - không hàn, không nhiệt.

Cụ thể, thực phẩm có tính nhiệt được cho là các loại ăn vào tạo cảm giác nóng và khô như các loại thịt đỏ (heo, bò, gà, dê…); các loại gia vị (gừng, tỏi, ớt, tía tô, kinh giới…); các loại trái cây có vị ngọt đậm, hương nồng nàn (sầu riêng, mít, nhãn, vải…). Trong khi đó, những thực phẩm có tính hàn tạo cảm giác mát và cung cấp độ ẩm cho cơ thể, ví dụ các loại rau xanh như cải, rau má, xà lách; các loại củ, quả như bí, bầu, dưa leo, khổ qua…; hải sản, đồ tanh (ếch, ốc).

Hầu hết ngũ cốc như các loại lúa, đậu, kê có tính bình, vì vậy, đây là nguồn lương thực chính nuôi dưỡng cơ thể con người.

Phân loại cơ thể thuộc thể hàn hay nhiệt

Mỗi người bẩm sinh thụ khí âm dương, nóng lạnh của trời đất, hưởng thụ ngũ vị từ thực phẩm ở những mức độ khác nhau nên có thiên hướng hàn nhiệt, âm dương không giống nhau. Một người không thuộc thể hàn hay nhiệt, âm hoặc dương suốt đời mà thay đổi theo từng giai đoạn sống. Thậm chí, hôm nay cơ thể bạn có thiên hướng hàn nhưng nếu bị nhiễm bệnh, sẽ chuyển sang thể nhiệt ngay với những triệu chứng nóng, sốt…

Bạn cần quan sát và lắng nghe cơ thể để biết mình đang nóng hay lạnh. Mỗi sáng thức dậy, hãy soi gương để quan sát màu sắc trên lưỡi. Thông thường, lưỡi sẽ có màu hồng nhuận, nếu nó trở nên đỏ hơn nghĩa là người bạn đang nóng và nóng khô, thiếu nước hơn nữa nếu có nổi hạt hoặc nứt nẻ. Còn màu lưỡi tái, nhợt nhạt là cơ thể đang hàn.

Một điểm khác quan trọng không kém chính là màu nước tiểu lúc sáng sớm và tình trạng phân. Nước tiểu thông thường sẽ có màu vàng nhạt, không bọt, không lợn cợn; nếu có màu vàng đậm báo hiệu người bạn đang nóng, thiếu nước, còn nếu màu trắng trong là cơ thể đang hàn. Nếu phân đóng thành khuôn, màu vàng cho thấy tiêu hóa của bạn đang rất ổn; nhưng nó trở nên khô cứng thì bạn cần bổ sung nước, thực phẩm mát lạnh, nhiều chất xơ. Trường hợp không có hình dạng, lỏng như nước thì bạn cần phải nhanh chóng làm ấm cơ thể.

Nghệ thuật cân bằng hàn nhiệt trong ăn uống

 Nội kinh, một quyển sách kinh điển trong Đông y, đã nói rằng “ăn uống dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý thì tinh khí dồi dào, thần chí mạnh mẽ, tà khí không xâm nhập được”. Cơ thể cần nhiều loại dinh dưỡng, đủ cả âm dương, hàn nhiệt. Điều cốt yếu là cách phối hợp và chế biến để tạo được sự cân bằng trong món ăn. Vì vậy, ông bà ta có các món ăn như vịt kho gừng, nghêu hấp sả… Thịt vịt hay các món nghêu, sò, ốc, hến là thực phẩm có tính âm, lạnh cần kết hợp với sả, gừng, ớt, rau thơm để tăng tính ấm.

Qua đó có thể thấy, thực phẩm nóng không hẳn là nguyên nhân gây nóng vì cơ thể mỗi người lại có thể hàn (lạnh) và thể nhiệt (nóng) khác nhau nên quan trọng nhất là cân bằng hàn - nhiệt với chế độ dinh dưỡng hợp lý. Chẳng hạn, như mì gói được làm từ lúa mì, bản thân mì gói vốn thuộc nhóm ngũ cốc - nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu cho cơ thể. Theo đó, để cân bằng nên ăn kèm xà lách, rau cải, mồng tơi hoặc xào với dưa leo, cà chua… kèm trứng gà, thịt bò…

Do mọi thứ đều mang tính chất tương đối nên tốt nhất vẫn là thực hiện chế độ ăn uống đa dạng, nhiều loại thực phẩm. Điều luôn ghi nhớ là không lạm dụng hay thiên lệch quá về một nhóm thực phẩm nào mà cần kết hợp đa dạng để đảm bảo có đầy đủ cả thực phẩm hàn - nhiệt trong chế độ ăn và không bị thiếu hụt dinh dưỡng. 

Mộc Nguyên

 

 

Nguồn: ACV

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI