Cần ban hành luật để dẹp “loạn karaoke”

24/01/2024 - 06:10

PNO - Khắp nơi trong nước, từ thành thị đến nông thôn, từ đường to đến hẻm nhỏ, tiếng ồn từ loa kéo (còn gọi là loa kẹo kéo) hát karaoke đang “tra tấn” cư dân cả ngày lẫn đêm và dự báo còn “dữ dội” hơn trong những ngày nghỉ tết. Liên hệ với những thay đổi tích cực qua việc mạnh tay xử lý vi phạm nồng độ cồn, nhiều người mong muốn cơ quan chức năng cũng dẹp “loạn karaoke” quyết liệt như “loạn rượu bia”.

Người dân ám ảnh, kêu trời

10g, nghe tiếng nhạc karaoke từ nhà hàng xóm vang lên, anh T.N.Q. (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TPHCM) vội đóng cửa để tập trung vào cuộc họp online quan trọng. Chợt nhớ vợ mình suốt đêm không ngủ được do chăm con sốt, con mình cần giấc ngủ sâu, anh vội lên lầu, đóng mọi cửa sổ trong sự bực bội.

Một nhà dân ở đường Phạm Thế Hiển, quận 8, TPHCM phát nhiều loa công suất lớn hát karaoke vào tối 22/1 - Ảnh: Phi Hùng
Một nhà dân ở đường Phạm Thế Hiển, quận 8, TPHCM phát nhiều loa công suất lớn hát karaoke vào tối 22/1 - Ảnh: Phi Hùng

 

“Tôi đã du lịch qua 65 nước nhưng chọn sống ở TPHCM để làm việc trực tuyến (online) và đã ở đây được 6 năm rồi. Ở đây, vật giá - trong đó có giá thuê căn hộ - rất rẻ, thức ăn ngon, dịch vụ phong phú, tiện lợi. Điều tôi không thích ở đây là tình trạng kẹt xe giờ cao điểm và nạn hát karaoke thâu đêm. Dù ở trọ nhưng tôi phải tự bỏ tiền túi để gắn vật liệu cách âm cho căn hộ của mình”. 

Sam Samuel (quốc tịch Anh)

13g, đám nhậu bên nhà hàng xóm thấm hơi men, hát càng hăng và bật loa càng lớn. Thấy vợ ôm con từ trên lầu xuống với vẻ mặt đờ đẫn do không thể ngủ được, anh Q. bèn đi thẳng sang nhà hàng xóm - nơi chiếc loa kẹo kéo được đặt ngoài sân, mặt loa chĩa về phía nhà mình. Anh xoay mặt loa lại và từ tốn nói với chủ nhà: “Nhạc đập mạnh quá, con bé nhà em không ngủ được. Anh chị thông cảm hát nhỏ một chút, bé bị sốt từ đêm qua đến giờ”. 

Khi quay về nhà, anh Q. cảm nhận được sự cụt hứng của những người hàng xóm vốn đã thân quen nhau hơn kể từ đợt dịch COVID-19. Đám nhậu hát thêm 2 bài nữa thì tắt máy, ngưng hát. Anh Q. chưa kịp mừng thầm thì đã nghe anh hàng xóm văng tục: “Hàng xóm mẹ gì mà hát có một chút cũng bị nói nặng nói nhẹ”. Đám khách đang cao hứng cũng hùa theo với những lời lẽ khó nghe. Vậy là, vừa thoát khỏi âm thanh khủng bố từ loa kẹo kéo, anh Q. và cả xóm lại phải nghe những câu chửi đổng từ đám người say. 

Một nhóm người nhậu và hát karaoke trên đường Phạm Thế Hiển, quận 8, TPHCM chiều 21/1/2024 -  Ảnh: Phi Hùng
Một nhóm người nhậu và hát karaoke trên đường Phạm Thế Hiển, quận 8, TPHCM chiều 21/1/2024 - Ảnh: Phi Hùng

20g ngày 18/1, cư dân ở lầu 1 của chung cư Bàu Cát (đường Đồng Đen, quận Tân Bình, TPHCM) phải “chịu trận” với tiếng ồn từ loa hát karaoke căn nhà ở mặt tiền đường vọng lên. Bị “tra tấn” nhiều giờ, bà N.N.T. chửi vọng xuống nhưng tiếng bà bị tiếng nhạc ầm ĩ nuốt chửng.

Bà T. sống ở chung cư này hơn 30 năm qua, căn hộ của bà nằm đối diện với căn nhà đang hát karaoke. Cứ cách 2-3 ngày, nhà đó lại tổ chức ăn nhậu, hát karaoke om sòm khiến bà không thể nghỉ ngơi được, chứng đau đầu ngày càng nặng thêm. Bà đã nhiều lần gọi điện báo công an khu vực, công an có đến nhắc nhở nhưng mọi chuyện vẫn “đâu vào đấy”. Có hôm cao hứng, họ hát từ trưa đến khuya. 

Cần có quy định riêng, chế tài đủ mạnh 

Trong 8 tháng đầu năm 2023, tổng đài 1022 của UBND TPHCM ghi nhận 11.115 tin phản ánh về tình trạng ô nhiễm tiếng ồn. Cũng trong 8 tháng đầu năm 2023, chính quyền địa phương ở TPHCM đã kiểm tra, phát hiện 5.964 trường hợp vi phạm tiếng ồn, nhưng chỉ xử phạt được 45 trường hợp, còn lại chỉ nhắc nhở.

“Tình trạng hát karaoke ầm ĩ trong khu dân cư tiếp diễn một phần là do chính quyền địa phương chưa kiên quyết kiểm tra, lập biên bản và xử phạt. Ở khu phố mà tôi đang sống, nếu đến 21g mà có hộ còn hát karaoke là công an khu vực sẽ đến nhắc nhở và người ta sẽ dừng ngay”. 

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM

Theo luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TPHCM), năm 2020, Quốc hội đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường, trong đó nghiêm cấm hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn. Năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định 144/2021/NĐ-CP, trong đó có quy định về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm tiếng ồn sau 22g. Năm 2022, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 45/2022/NĐ-CP, nêu mức xử phạt hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn cao nhất lên đến 160 triệu đồng. 

Tổ phản ứng nhanh của phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng lập biên bản xử lý một điểm hát karaoke gây ồn ào - Ảnh: Đình Dũng
Tổ phản ứng nhanh của phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng lập biên bản xử lý một điểm hát karaoke gây ồn ào - Ảnh: Đình Dũng

Tuy nhiên, để xử phạt, cần có biên bản quả tang (kiểm tra và lập tại thời điểm vi phạm), có kết quả đo độ ồn và việc đo độ ồn phải do một đơn vị có pháp nhân thực hiện, thiết bị đo độ ồn phải được kiểm định và đạt tiêu chuẩn. Quy định về điều kiện xử phạt đã gây khó khăn cho các cơ quan chức năng địa phương bởi khó bắt quả tang, thiếu phương tiện đo độ ồn.

Ông đề xuất: “Cần có quy định riêng về việc hát karaoke bằng loa kẹo kéo. Cần phải có chế tài xử phạt hành chính thật nặng, tịch thu phương tiện vi phạm, đồng thời phải thay đổi quy định về điều kiện xử lý vi phạm về tiếng ồn. Thậm chí, có thể ban hành quy định cấm hẳn việc sử dụng loa kẹo kéo trong khu dân cư, hoặc quy định các điều kiện để sử dụng, như phải cách âm hoặc chỉ được sử dụng trong một số khung giờ nhất định”.

Còn theo luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TPHCM), để dẹp nạn hát karaoke tràn lan, bất chấp, cần ban hành sắc lệnh hoặc điều luật riêng. Ông dẫn chứng, chính quyền TP Cebu và tỉnh Cavite của Philippines đã ban hành sắc lệnh cấm sử dụng hệ thống khuếch đại âm thanh để hát karaoke, chơi nhạc lớn từ thứ Hai đến thứ Bảy, riêng Chủ nhật chỉ được chơi nhạc, hát karaoke tới 18g (tại nhà); nếu vi phạm, mức phạt sẽ rất nặng. 

“Việc ban hành quy định riêng về hát karaoke chắc chắn sẽ gây tranh cãi. Tuy nhiên, chế tài có nghiêm khắc, quy định có rõ ràng thì mới mong thay đổi những thói quen đã tồn tại từ lâu. Minh chứng rõ ràng nhất là việc xử lý nghiêm vi phạm về nồng độ cồn đã hình thành nên văn hóa tốt đẹp là không lái xe khi đã uống rượu bia” - luật sư Nguyễn Tri Đức nói. 

Lập tổ phản ứng nhanh “trị” tiếng ồn karaoke 

Nhận thấy việc hát karaoke ở khu dân cư ảnh hưởng xấu chất lượng sống của người dân, trong đó có sức khỏe người già, người bệnh và việc học tập của trẻ nhỏ, gây ra nhiều vụ xô xát, từ năm 2022, UBND phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng đã thành lập tổ phản ứng nhanh.

Tổ do chủ tịch UBND phường làm tổ trưởng, 2 phó chủ tịch UBND phường làm tổ phó, lãnh đạo công an, quân sự, quy tắc đô thị, bảo vệ dân phố… trong phường là thành viên, mời đơn vị chuyên môn của Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng cử cán bộ phối hợp, mang theo thiết bị đo âm thanh.

Kết quả, năm 2022, UBND phường đã lập biên bản gần 20 trường hợp, tạm giữ 14 loa, nhắc nhở hơn 57 trường hợp. Trong đó, UBND quận xử phạt 2 trường hợp, UBND phường xử phạt 13 trường hợp. Năm 2023, UBND phường tổ chức 12 đợt ra quân cao điểm với hơn 200 cuộc tuần tra, xử phạt 4 trường hợp, tạm giữ 9 loa thùng, nhắc nhở hơn 37 trường hợp.

Ông Cao Đình Hải - Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông - cho biết, với sự quyết liệt như trên, đến nay, người dân đã có ý thức khi hát karaoke. Họ chuyển vào phòng kín để hát hoặc mở âm thanh vừa phải, hát trong thời gian ngắn hơn.

Đình Dũng

Lợi bất cập hại nếu dùng thiết bị phá sóng karaoke

Trên các diễn đàn mạng, nhiều người quảng cáo về thiết bị phá sóng như là khắc tinh của nạn hát karaoke bừa bãi. Thiết bị này có giá khoảng 2 triệu đồng, khi bật lên sẽ phá sóng loa kẹo kéo, khiến người muốn hát karaoke bằng loa kẹo kéo không thể hát được.

Theo tiến sĩ Huỳnh Khánh Duy - nguyên giảng viên Trường đại học Bách khoa TPHCM - thiết bị phá sóng karaoke thực chất là thiết bị gây nhiễu sóng, là thiết bị kinh doanh và sử dụng có điều kiện. Việc tự ý mua, sử dụng thiết bị này là vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt nếu gây thiệt hại tài sản cho người khác hoặc vô tình phá sóng các thiết bị bắn tốc độ, camera an ninh của cơ quan chức năng. 

Ông cho hay, cũng như lò vi sóng, cột phát wifi, thiết bị phá sóng cũng sử dụng sóng vô tuyến. Sóng vô tuyến có năng lượng bức xạ điện từ, bước sóng càng ngắn thì bức xạ điện từ càng cao, khả năng đâm xuyên càng lớn. Ví dụ, bước sóng wifi an toàn hơn bước sóng của lò vi sóng; bước sóng wifi, lò vi sóng, điện thoại là bước sóng dài, bước sóng của tia X-quang là bước sóng ngắn. Đến nay, dù vẫn còn tranh cãi về ảnh hưởng của các thiết bị trên đến sức khỏe con người, các chuyên gia vẫn khuyên không nên tiếp xúc với sóng điện từ trong thời gian dài, nhất là trẻ nhỏ. 

Theo ông, để phá sóng các thiết bị khác trong phạm vi rộng như lời quảng cáo, thiết bị phá sóng phải có cường độ bức xạ điện từ khá lớn, có thể đâm xuyên tường. Nếu tiếp xúc với bức xạ này trong thời gian dài, các tế bào trong cơ thể có thể bị ion hóa gốc tự do, tổn thương ADN, sinh ra ung thư. Nếu cơ thể có những gen đang yếu, đang bị tổn thương thì chỉ cần tiếp xúc với sóng này trong thời gian ngắn, sức khỏe cũng bị ảnh hưởng xấu. Trẻ nhỏ có cấu trúc nhiễm sắc thể và tế bào rất mong manh nên việc tiếp xúc với sóng này có thể gây những bất thường trong cơ thể. Do đó, chính người phá sóng karaoke của hàng xóm bị ảnh hưởng đầu tiên và nhiều nhất từ các sóng này.

Thanh Hoa

Nước ngoài xử phạt ô nhiễm tiếng ồn thế nào?

Tại Trung Quốc, chính phủ nước này yêu cầu lắp cách âm cho mọi cơ sở, tòa nhà có lắp tăng âm, loa đài, nhạc cụ và thậm chí đối với cả thiết bị sưởi ấm, máy điều hòa gây tiếng ồn. Các loại thiết bị khuếch đại âm thanh chỉ được sử dụng tại các khu vực công cộng từ 10g đến 18g. Công trình xây dựng, sửa chữa bị cấm hoạt động trong khung giờ từ 18g đến 8g sáng hôm sau và trong các ngày cuối tuần. Người vi phạm sẽ bị phạt từ 30 đến 72 USD. 

Ở Singapore, nếu có bất kỳ khiếu nại nào về tiếng ồn, Bộ Môi trường phải tiến hành đánh giá độc lập về mức độ tiếng ồn. Nếu vượt quá mức độ quy định, người gây ra tiếng ồn phải chịu khoản tiền phạt lên tới 2.000 USD. Nếu tái phạm phải nộp 100 USD mỗi ngày tiếp theo.

Nhật Bản, quy định còn cao hơn. Tức là tiếng ồn công cộng không được vượt quá 45 decibel, tương đương chim hót. Một số trường mẫu giáo tại Nhật Bản phải sử dụng màng cách âm để ngăn chặn tiếng cười đùa của trẻ em.

Trong khi đó, Mỹ đã ban hành Luật Chống ô nhiễm tiếng ồn từ năm 1972 với mọi quy định nghiêm ngặt từ giới hạn âm lượng của phương tiện giao thông, máy bay, đến thiết bị sưởi, hệ thống thông gió và điều hòa không khí.

Còn Thụy Sĩ ra quy định rất nghiêm ngặt về tiếng ồn, đến nỗi việc xả nước sau 22g cũng bị coi là hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn. Người vi phạm sẽ bị phạt từ 50-1.000 USD; người la hét trên đường phố bị phạt 150 USD; bấm còi ô tô gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của khu phố bị phạt từ 300-1.000 USD. 

Thanh Hằng

Nguyệt Minh - Tú Ngân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI