Cần 140 tỷ đồng để hoán cải 37 toa xe đường sắt cũ của Nhật

06/11/2021 - 21:52

PNO - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT)không đồng thuận việc nhập 37 toa xe đường sắt cũ của Nhật do phải mất 140 tỷ đồng để hoán cải mới sử dụng được.

 

 

Bộ GTVT không đồng thuận việc nhập 37 toa tàu cũ của Nhật Bản.
Bộ GTVT không đồng thuận việc nhập 37 toa tàu cũ của Nhật

Liên quan đến việc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đề nghị nhập 37 toa xe đường sắt do Nhật Bản tặng, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, từ tháng 10/2021, VNR có văn bản đề nghị các cơ quan liên quan như Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, Bộ GTVT về việc nhập 37 toa xe do Tổng công ty Đường sắt Đông Nhật Bản tặng. Các toa xe này được sản xuất từ năm 1979 đến năm 1982, loại tự hành diesel. Hiện Bộ GTVT đang lấy ý kiến các bộ, ngành và trong vài ngày nữa sẽ có văn bản báo cáo.

Ông Nguyễn Ngọc Đông cho biết thêm, Bộ GTVT sẽ nghiêm túc xem xét các yếu tố như điều kiện DN gặp khó khăn, cần có thêm phương tiện hoạt động… Tuy nhiên, phải căn cứ quy định pháp luật. Cụ thể, Điều 32 Luật Đường sắt có quy định: “Phương tiện giao thông đường sắt trong quá trình khai thác sử dụng phải bảo đảm còn niên hạn sử dụng theo quy định của Chính phủ và được tổ chức đăng kiểm Việt Nam định kỳ kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt”.

Nghị định 65/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt, Điều 8 có quy định: “Đối với phương tiện giao thông đường sắt nhập khẩu đã qua sử dụng: Chỉ được nhập khẩu phương tiện đã qua sử dụng không quá 10 năm đối với toa xe chở khách, đầu máy, toa xe đường sắt đô thị và không quá 15 năm đối với toa xe chở hàng”. Trường hợp trên, toa sản xuất năm 1979-1982 tuổi thọ 39 - 42 năm không đáp ứng yêu cầu quy định pháp luật.

Toa tàu của Nhật Bản phù hợp với khổ đường sắt là 1,067m, trong khi khổ đường sắt của ta là 1m, nếu muốn dùng phải hoán cải lại, chi phí dự kiến hết khoảng 140 tỷ đồng. Trong khi đó, Việt Nam có một số cơ sở đóng mới toa xe ở Hà Nội, Bình Dương, TPHCM có thể làm, do đó, cần tạo điều kiện phát triển công nghiệp đường sắt. Quan điểm Bộ GTVT là không đồng thuận việc nhập số toa xe cũ này.

Cũng tại buổi họp báo Chính phủ Thường kỳ tháng 10 diễn ra vào tối 6/11, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải trình bày một số giải pháp hạn chế lạm phát trong tình trạng nguyên liệu trên thế giới tăng giá.

Ông Đỗ Thắng Hải cho rằng, cần phải có một số giải pháp chính để kiểm soát lạm phát, đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho nhu cầu. Một là phải tiếp tục theo dõi chặt chẽ giá cả, diễn biến, tình hình lạm phát của các nước trên thế giới, chúng ta có sự tham khảo kịp thời để đánh giá các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả và lạm phát của Việt Nam. Đặc biệt cần đánh giá nguyên vật liệu nào có nguy cơ thiếu hụt tạm thời hay lâu dài trong nước, để từ đó đưa ra chính sách đối ứng cho phù hợp.

Ngoài ra, cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa, giảm áp lực lạm phát. Cần có thông tin kịp thời rõ ràng, chính xác về các chính sách chỉ đạo điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương nhằm loại bỏ thông tin sai lệch về giá cả thị trường, không để xảy ra hiện tượng lạm phát do tâm lý.

Dự báo giá cả nguyên liệu trên thế giới sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, do đó cần nỗ lực đàm phán để có được nguồn nguyên liệu thô thông qua tăng cường hợp tác từ cấp Chính phủ đến các bộ, ngành để hỗ trợ doanh nghiệp, ký kết các hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu dài hạn để đảm bảo nguyên liệu đầu vào, ổn định sản xuất. Qua đó kiểm soát lạm phát cũng như đảm bảo ảnh hưởng ít nhất đến đời sống của người dân, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

 

Nhật Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI