Campuchia phục hồi nhanh sau làn sóng COVID-19

25/11/2021 - 07:11

PNO - Chín tháng sau “Sự cố cộng đồng 20/2”, dịch COVID-19 ở Campuchia đã được kiểm soát. Nước này đang nỗ lực mở cửa trở lại hoàn toàn các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, xã hội.

Campuchia đang tăng tốc mở cửa thương mại và du lịch toàn cầu, là quốc gia ASEAN đầu tiên quyết định dỡ bỏ các hạn chế kiểm dịch đối với du khách đã được tiêm phòng đầy đủ có kết quả xét nghiệm âm tính từ ngày 15/11. Quyết định này được đưa ra sớm hơn dự định và sau hai tuần thực hiện các chỉ thị hành chính nhanh chóng dẫn đến việc mở lại các trường học, nối lại các chuyến bay quốc tế, đưa cuộc sống “trở lại  bình thường”.

Những người trẻ xếp hàng để được tiêm vắc-xin COVID-19 của Sinovac tại Trung tâm Y tế Thmey Phnom Penh, Campuchia - ẢNH: AP
Những người trẻ xếp hàng để được tiêm vắc xin COVID-19 của Sinovac tại Trung tâm Y tế Thmey Phnom Penh, Campuchia - Ảnh: AP

Việc Campuchia mở cửa trở lại đã tạo nên những ngạc nhiên lớn và nhiều câu hỏi được đặt ra là tại sao họ có thể mở sớm như vậy? Thứ nhất, bằng cách thực hiện nghiêm ngặt những biện pháp tránh lây lan cộng đồng trong suốt năm 2020, Campuchia đã chuẩn bị đầy đủ để đối phó hiệu quả với sự xuất hiện gần như không thể tránh khỏi của virus.

Họ dự trữ khẩu trang và thiết bị bảo hộ cá nhân thông qua việc mua trực tiếp của chính phủ hoặc nguồn cung cấp từ các nước và các tổ chức tài trợ khác. Đồng thời, một chiến dịch giáo dục cộng đồng đã giúp người dân hiểu biết về sự lây truyền bệnh tật và các biện pháp giãn cách xã hội. Song song đó, sự hợp tác chặt chẽ giữa Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế Campuchia đã giúp đưa ra các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh kịp thời.

Yếu tố chính đằng sau sự mở cửa trở lại của vương quốc là chương trình tiêm chủng nhanh chóng trên toàn quốc. Ở đây có hai yếu tố nổi bật: nguồn cung cấp vắc xin và khả năng cung cấp vắc xin. Tính đến ngày 15/11, khoảng 88% dân số Campuchia đã được tiêm chủng, kết quả này xếp thứ sáu toàn cầu và chỉ sau Singapore trong khu vực ASEAN. Thậm chí, Phnom Penh gần đây đã bắt đầu chiến dịch tiêm mũi vắc xin thứ ba tăng cường.

Campuchia đã nhận được sự tài trợ vắc xin đáng kể từ Trung Quốc (6 triệu liều Sinovac), chương trình COVAX của Liên Hiệp Quốc (hơn 2,8 triệu liều vắc xin AstraZeneca), Mỹ (1 triệu liều Johnson & Johnson), và nhiều nước khác. Chính phủ Campuchia cũng đã mua gần 30 triệu liều Sinovac từ nguồn ngân sách dự trữ cùng với việc vận động tài chính từ những nhà tài trợ. Hiện vương quốc này đã có đủ khả năng tài chính để chủ động mua vắc xin từ nhiều nguồn cung cấp.

Nhiều người cho rằng thành công của Campuchia chỉ đơn giản là bắt nguồn từ sự hỗ trợ của Trung Quốc, nhưng trên thực tế điều này không đúng. Campuchia bắt đầu nhận được đợt vắc xin đầu tiên là 600.000 liều Sinovac do Trung Quốc tài trợ vào đầu tháng 2 và 324.000 liều từ COVAX vào đầu tháng 3. Nhưng đến ngày 15/3, lượng vắc xin mà nước này đặt mua -1,5 triệu liều Sinovac - cũng được chuyển đến. Vì thế đến giữa tháng 4, đã có gần 1 triệu người Campuchia được chủng ngừa.

Chiến dịch tiêm chủng ở nước này cũng được tiến hành nhanh chóng với sự quyết tâm và đồng lòng của chính phủ, nhân viên y tế và giáo viên... Ngoài ra, cách tổ chức khoa học được thí điểm từ Phnom Penh, sau đó nhân rộng đến các địa phương khác mang lại hiệu quả cao.

Trong những ngày qua, Campuchia báo cáo mỗi ngày chỉ có khoảng 50 ca nhiễm mới và số ca tử vong chỉ là một con số. Ngày 21/11, người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia Hok Kim Cheng cho biết đã mở cửa trở lại hầu hết các lĩnh vực, học sinh được trở lại trường học.

Chủ tịch Hiệp hội Các đại lý du lịch Campuchia Chhay Sivlin cho rằng, việc phục hồi của Campuchia là một bài học kinh nghiệm đáng quý: “Vắc xin đóng vai trò quan trọng trong việc phòng, chống dịch COVID-19, cho phép Campuchia có thể mở cửa trở lại. Chính phủ và người dân Campuchia đã phải nỗ lực rất lớn để đảm bảo sự thành công của chiến dịch tiêm chủng phòng COVID-19”. 

Lệ Chi (theo AP, CNA)
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI