Camille Claudel 1915: Tài nữ bị đọa đày bất tận

17/06/2024 - 14:52

PNO - Camille Claudel 1915 chính là mảnh ghép hoàn chỉnh về cuộc đời kỳ nữ điêu khắc người Pháp Camille Claudel, sau bản phim kinh điển cùng tên hồi năm 1988.

Poster phim
Poster phim

Nếu bộ phim kinh điển Camille Claudel năm 1988 là bức phù điêu nổi trội về tài năng cùng tính cách dị thường của Camille Claudel, hẳn nhiên bản phim Camille Claudel 1915 là phần đời khác còn thiếu, mà người đời ít biết hoặc không dễ để quan tâm hay chú trọng đúng mức.

Bởi lẽ, mặt khuất này của cuộc đời Camille Claudel từng bị phong bế hoàn toàn sau cánh cửa đóng kín của các viện tâm thần - nơi đã giam hãm nữ nghệ sĩ tài năng trong suốt 30 năm cuối đời và chứng kiến cái chết thinh lặng, trong cô đơn cùng tận của một kiếp người tài hoa cá tính vượt bậc.

Camille Claudel thời trẻ ngoài đời (trái) và khi về già trong viện tâm thần (phải) - Ảnh tư liệu
Camille Claudel thời trẻ ngoài đời (trái) và khi về già trong viện tâm thần (phải) - Ảnh tư liệu

Môi trường luyện ngục

Camille Claudel 1915 được kể gói gọn trong khung cảnh của một viện tâm thần, với thời lượng 1 giờ 35 phút. Thời gian được chọn kể trong câu chuyện phim là khoảng 3 ngày, trong tổng thể 30 năm cuộc đời ở viện tâm thần của nữ điêu khắc gia thiên tài Camille Claudel. Nhân vật quan trọng thiết yếu trong cuộc đời nữ nhân vật chính là bậc thầy điêu khắc Auguste Rodin - vốn là người tình cũ của cô - lại vắng mặt, biệt tăm về phương diện hình ảnh. Camille Claudel gần như độc thoại ở nơi chốn bất thường ấy của cuộc sống và cũng miên man độc ảnh trong toàn bộ câu chuyện phim.

Thỉnh thoảng, người xem vẫn thấy nữ nhân vật chính giao tiếp ở mức tối giản với một vài nữ tu, y bác sĩ giám sát và bạn cùng viện. Phần lớn các cuộc tương tác còn mang vết tích con người giữa Camille Claudel với đồng loại thực ra cũng chỉ là những ánh nhìn bất khả tương giao, khi lời nói nhiều phần bất lực. Như thể nữ sĩ nhận ra mình đang đứng trước một đại dương thẳm sâu về tâm thức, mọi nỗ lực níu kéo e rằng cũng chỉ là cố gắng tìm kiếm âm vang bé mọn của một hòn đá ném vào vùng nước không đáy lặng sóng dẫu tiếng sóng trong lòng cô vẫn luôn rền rĩ Điệu valse giã từ, như tên một tuyệt phẩm điêu khắc đã được Camille Claudel hoài thai trong nhiều năm ấp ủ tụng ca, thuở còn yêu đương mặn nồng với Auguste Rodin. Cuộc yêu kiêu hãnh và định kiến ấy từng khiến cả Paris hoa lệ phải ganh tị.

Juliette Binoche vào vai Camille Claudel trong cảnh phim đang giải trình sức khỏe tinh thần với bác sĩ ở viện tâm thần
Juliette Binoche vào vai Camille Claudel trong cảnh phim đang giải trình sức khỏe tinh thần với bác sĩ ở viện tâm thần

Từng theo học tại Trường Académie Colarossi (Pháp), nơi các nữ nghệ sĩ triển vọng được đào tạo theo hướng giáo dục khai phóng, Camille Claudel hẳn nhiên cũng là người phụ nữ luôn có ý thức hun đúc sự tự do của mình trong mọi khả năng có thể. Với nghề nghiệp, đã đành, khi nghệ thuật và điêu khắc thuở ấy hầu như không dành phần ưu ái cho giới nữ. Rồi cả với gia đình, nơi Camille Claudel bị chính mẹ cô ruồng bỏ chỉ vì những nổi loạn bất tuân vượt khỏi vòng lễ giáo áp đặt và kỳ vọng. Chỉ có người cha - một thương gia - nhất mực yêu thương cô vô điều kiện, luôn sẵn sàng mở rộng vòng tay đón nhận mỗi khi cô lạc lối trong tuổi trẻ có lúc hoang mang, có khi mê lầm ngộ nhận.

Juliette Binoche từng chiến thắng giải Oscar 1997 hạng mục Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất, trong phim The English Patient (tên tiếng Việt: Bệnh nhân người Anh).

Juliette Binoche cũng vào vai nữ chính trong phim The Pot au Feu (tên gốc: La passion de Dodin Bouffant; tên tiếng Việt: Muôn vị nhân gian) của đạo diễn Trần Anh Hùng. Phim chiến thắng giải Đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan phim Cannes 2023.

Cha Camille Claudel chấp thuận sự lựa chọn nghề nghiệp một cách khác biệt của con gái từ thuở cô còn là thiếu nữ, đồng thời ông cố gắng giúp đỡ cô về mặt tài chính trong giai đoạn thành niên - trên từng hành trình làm nghệ thuật. Nhưng, Camille Claudel không hề được mẹ thông báo về cái chết của người cha thương yêu.

Thay vào đó, 8 ngày sau, vào ngày 10/3/1913, theo yêu cầu của em trai Paul Claudel và sự chứng kiến lạnh lùng của người mẹ, cô bị ép buộc phải vào an trú trong Bệnh viện Tâm thần Ville-Évrard ở Neuilly-sur-Marne (một xã trong vùng đô thị Paris). Năm 1914, Camille Claudel cùng một số nữ bệnh nhân khác được chuyển đến Montdevergues Asylum, tại Montfavet, vùng ngoại ô cách Avignon 6km. Nữ điêu khắc gia thiên tài Camille Claudel đã qua đời vào ngày 19/10/1943, sau 30 năm sống trong viện tâm thần ở Montfavet (lúc đó được gọi là Asile de Montdevergues, nay là Bệnh viện Tâm thần hiện đại Center Hospitalier de Montfavet).

Ở độ tuổi 30, cuộc sống lãng mạn của Camille Claudel đã kết thúc vô cùng bi thảm, những năm tháng còn lại của đời người cũng chỉ là sống mòn trong viện tâm thần - một môi trường luyện ngục dành riêng cho số phận trớ trêu của một tài nữ mắc đọa với nhân gian, với cuộc đời.

Khát vọng tự do hay chỉ là những cơn ác mộng miên viễn?

Trong bản phim Camille Claudel 1915, nhà làm phim đã mô tả đôi lần kiếm tìm tự do ấy của một nghệ sĩ thông qua khung hình bám theo các cuộc đi bộ của cô, vòng quanh khuôn viên cây xanh của viện tâm thần. Cô đi, dù lúc nhanh lúc chậm, vẫn cứ phải băng qua hết toàn cảnh hiển hiện trong khung hình, như thể đó luôn là tự do đầu tiên và cũng là cuối cùng cô còn có thể có được, với từng bước chân độc trình.

Đặc biệt và cũng độc đáo nhất là cảnh quay chiếc xe hơi của em trai Camille Claudel - Paul Claudel (bấy giờ đã là một nhà thơ thành danh của phái Ấn tượng, đồng thời là một nhà ngoại giao, từng làm lãnh sự và đại sứ ở nhiều nước châu Âu, châu Á, châu Mỹ) đang chạy xa dần đến tận đường chân trời.

Hết màn hình, máy quay mới cắt cảnh. Đó là sau khi Paul Claudel đến viện tâm thần thăm chị gái rồi rời đi. Đây là cảnh duy nhất trong câu chuyện phim có bối cảnh bên ngoài viện tâm thần. Hẳn nhiên sự tự do thênh thang trên đường của nhân vật này hoàn toàn tương phản và đối lập sự tự do trong khuôn khổ mà Camille Claudel vẫn hằng ngày tìm kiếm trong từng bước đi cho đến hết đường ở viện tâm thần.

Juliette Binoche trong một cảnh phim
Juliette Binoche trong một cảnh phim

Khi tài nữ Juliette Binoche đồng hiện trong thinh lặng

Khác với bộ phim Camille Claudel năm 1988, vốn dĩ có câu chuyện kịch bản dựa trên nền tảng một cuốn sách tiểu sử, Camille Claudel 1915 được xây dựng từ những lá thư ít ỏi, trao đổi qua lại giữa Camille Claudel và em trai cô - Paul Claudel - trong những năm đầu tiên cô bị mắc kẹt ở viện tâm thần.

Trong phim, đạo diễn Bruno Dumont thậm chí đã sử dụng các bệnh nhân tâm thần trong thực tế ghi hình và các y tá thực sự ăn mặc như nữ tu trong viện tâm thần. Dù đoàn phim dùng chính các bệnh nhân làm “diễn viên” nhưng không có dấu hiệu lợi dụng. Họ chỉ được nhà làm phim sử dụng để tạo ra sự tương phản rõ nét giữa nhân vật Camille Claudel (do Juliette Binoche thủ vai) với những người bạn cùng viện, có bệnh tâm thần nặng.

Điều đó khiến độ chân thực của câu chuyện phim trở nên thuyết phục hơn. Nữ diễn viên Juliette Binoche không nói một lời nào trong gần 10 phút mở đầu phim, ngoài ánh nhìn diễn xuất đầy chất phức cảm trong những lần máy quay cận cảnh.

Các cuộc đối thoại của Juliette Binoche trên phim dường như dài không quá 4 trang, không một câu nào trong số lời thoại tiết giản như thế bị lãng phí bởi chúng luôn gây thổn thức, như thể cứa từng nhát vào trái tim người xem. Song song đó, ánh mắt của Juliette Binoche luôn thống trị màn ảnh, tạo nên một Camille Claudel đầy sức quyến dụ và ám ảnh, như lịch sử đã từng.

Châu Quang Phước

Nguồn ảnh: Internet

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI