Camera giám sát của Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường thế giới

11/12/2019 - 06:25

PNO - Theo IHS Markit (công ty chuyên về dịch vụ thông tin của Anh quốc), Trung Quốc chiếm gần một nửa doanh nghiệp sản xuất camera nhận diện khuôn mặt toàn cầu năm 2018.

Lực lượng cảnh sát Uganda, nhà tù Mông Cổ và các sân bay Zimbabwe đều đang trong quá trình thử nghiệm các hệ thống nhận dạng khuôn mặt bằng công nghệ từ Trung Quốc. Theo nghiên cứu của Tổ chức Carnegie vì hòa bình quốc tế, có ít nhất 52 chính phủ các nước đang làm điều tương tự.

Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường camera an ninh

Theo IHS Markit (công ty chuyên về dịch vụ thông tin của Anh quốc), Trung Quốc chiếm gần một nửa doanh nghiệp sản xuất camera nhận diện khuôn mặt toàn cầu năm 2018.

Camera giam sat cua Trung Quoc chiem linh thi truong the gioi
Ở Trung Quốc, công nghệ quét khuôn mặt đã thay thế hoặc tăng cường việc kiểm tra danh tính trong các khách sạn, cửa hàng và phương tiện giao thông - Ảnh: AFP

Nghiên cứu toàn cầu về công nghệ giám sát bằng trí tuệ nhân tạo (AI) cho thấy, các công ty công nghệ Trung Quốc - đặc biệt là Hikvision, nhà cung cấp camera giám sát lớn nhất thế giới, và Huawei, Dahua và ZTE - đã tiếp cận nhiều quốc gia từ Úc đến Myanmar và Kazakhstan. Trên những con đường dẫn vào Nairobi - thủ đô Kenya - camera giám sát ghi lại hình ảnh mọi chiếc xe hơi đi vào và ra khỏi vành đai của trung tâm đô thị, kiểm tra, phân tích danh tính của người sở hữu. Công ty Viễn thông Trung Quốc Huawei tự hào rằng, camera của họ khiến tỷ lệ tội phạm quanh khu vực giảm 46% trong năm 2015. Tuy vậy, các số liệu của chính quyền địa phương cho thấy, tác động này nhỏ hơn ước tính.

Công ty Huawei đã cung cấp thiết bị giám sát, bao gồm nhận diện khuôn mặt, cho khoảng 230 thành phố trên toàn thế giới trải dài từ Tây Âu đến các vùng rộng lớn ở châu Á và châu Phi cận Sahara. Một công ty khác, Hikvision - được viện nghiên cứu của Chính phủ Trung Quốc phát triển - đẩy nhanh sự hiện diện quốc tế của mình trong vài năm qua, cung cấp cơ sở hạ tầng giám sát video từ Brazil đến Nam Phi và Ý. Đây là hai trong những nhóm các công ty công nghệ Trung Quốc - cùng với Dahua, SenseTime và Megvii, các nhà cung cấp phần mềm trí tuệ nhân tạo hàng đầu thế giới - đã bị Washington đưa vào danh sách đen vì liên quan đến việc cung cấp công nghệ giám sát được sử dụng ở Tân Cương.

Người dân lo ngại

Trịnh Châu - thủ phủ của tỉnh Hà Nam phía đông bắc - đã trở thành thành phố đầu tiên của Trung Quốc sử dụng công nghệ nhận diện khắp các ga tàu điện ngầm. Người đi làm có thể sử dụng công nghệ để tự động ủy quyền thanh toán thay vì quét mã QR trên điện thoại của họ. 

Một cuộc khảo sát từ tháng 10 đến tháng 11 năm nay của Trung tâm Nghiên cứu bảo vệ thông tin cá nhân Nandu cho thấy, sự lo ngại của người dân đối với nhận dạng khuôn mặt ở Trung Quốc ngày càng tăng. Khoảng 74% số người được hỏi cho biết, họ muốn sử dụng các phương thức ID truyền thống khác để xác minh danh tính của họ thay vì công nghệ. Lo lắng về dữ liệu sinh trắc học bị hack hoặc bị rò rỉ là mối quan tâm chính của nhóm người được hỏi khi hệ thống nhận diện khuôn mặt đang dần triển khai khắp các nhà ga, trường học và trung tâm mua sắm trên toàn quốc. Khoảng 80% số người được hỏi cho biết, họ lo ngại rằng, các nhà khai thác hệ thống nhận diện khuôn mặt duy trì biện pháp bảo mật lỏng lẻo.

Ngành công nghiệp giám sát của Trung Quốc đang chuyển sang chân trời tiếp theo của nhận dạng hình ảnh: xác định danh tính mỗi người bởi cách họ đi bộ và cố gắng đọc cảm xúc trên gương mặt. 

Tấn Vĩ (theo Financial Times, BBC, SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI