Chồng gọi về:
- Xe hư chờ sửa không biết tới khi nào, em đừng chờ cơm nha!
- Vậy anh cũng ăn chiều đi, mua thêm cà phê thuốc lá gì cho thợ sửa nhé. Vì đơn giản, đáng ra giờ này họ được nghỉ ngơi cơm nước, mà phải đi sửa xe cho mình.
- Ô kê, em cứ lo đẹp và thơm đi, thế giới để anh lo. Nhưng mà vợ tâm lý vậy mà cưng lắm đó.
Tiếng cười khà khà sau từ “cưng” nghe gian dễ sợ. Hên là ở xa chứ gần thế nào cũng ăn một cái nhéo rồi.
|
Một bàn tay nắm cũng là nuôi dưỡng cảm xúc vợ chồng. Ảnh minh họa |
Chúng tôi không phải là “đời đầu” của nhau, không còn bao thanh tân trong trắng dâng tặng cho nhau. Chúng tôi hơn nửa đời mới gặp nhau, khi cả hai đều đã trải qua bao cay đắng nhọc nhằn, bạc bẽo của cuộc đời. Có lẽ vì thế mà thông cảm cho nhau trên mọi lẽ. Ngày quyết định về với nhau, anh bảo “Tui đã qua quá nhiều cay đắng, bà cũng ba chìm bốn nổi. Nếu mang ngọt ngào được cho nhau thì triển nhé?”
Anh nói kiểu “có cũng được/ không có cũng chẳng sao” làm tôi tự ái ghê gớm. Nhưng quả thật, nếu hiểu sẽ thông cảm cho anh, vì anh đã từng bị vợ “cắm sừng”, bởi anh triền miên làm xa, vợ nhà vắng chồng, trẻ người non dạ nhưng lại dư tiền.
Tôi và anh hay gọi nhau là “ông/bà” vì cùng tuổi, cùng quê. Tôi cũng có vẹn tròn lành lặn gì đâu, cuộc đời vùi dập hai lần đò với một kẻ vũ phu bài bạc và một người “nghiện kín”. Ly hôn, làm lại tất cả.
Tôi và chồng quen nhau khi cả hai cùng đi… xin việc làm ở một doanh nghiệp xây dựng. Anh xin vị trí tài xế xa tải, tôi kế toán.
Rồi sau đó, thấy thương hoàn cảnh của nhau và tiến tới.
Chúng tôi xác định sẽ không sinh con chung dù bao nhiêu người nói rằng không con sẽ “không có sợi dây ràng buột”. Nhưng cuộc đời này, có bao nhiêu cặp vợ chồng có con chung, thì có ràng buột nhau không? Chúng tôi “ràng buột” nhau bằng trách nhiệm với cha mẹ hai bên, bằng yêu thương con cái không phân biệt cha dượng/ mẹ kế để khi các con cần gì cho học tập, chúng tôi đều chạy lo dù có khi phải mượn nợ đến méo mặt.
|
Tựa vào nhau cũng là tiếp một nguồn năng lượng cho cảm xúc. Ảnh minh họa |
Chúng tôi “ràng buột” nhau bằng những cảm xúc yêu thương luôn dành cho nhau bằng những vụn vặt hàng ngày, như tôi không ăn được ớt, thì món ốc xào me có ngon cách nào, anh cũng bảo người bán đừng cho ớt vào. Chúng tôi “ràng buột” nhau bằng cách anh thích xem phim hành động – mà tôi thì rất sợ - thì tôi sẽ nằm gối đầu lên đùi anh mà ngủ, mặc anh coi đến khi nào cũng được.
Và quan trọng, để ràng buột nhau đến hết cuộc đời thì cảm xúc vợ chồng cũng rất quan trọng. Tôi trân quý cử chỉ ôm chặt vợ vào lòng sau mỗi cuộc yêu của anh và thủ thỉ hỏi “như vậy có vừa ý em không?”. Rồi cả hai ôm nhau ngủ, chứ không phải cứ “xong việc” là ông chồng cứ lăn ra “phè cánh nhạn” mặc cho bà vợ bơi giữa dòng cảm xúc hỗn độn của mặc cảm “ổng chỉ cần mình để giải quyết nhu cầu”.
Tôi trân quý anh những bữa cơm xong, anh chẳng bao giờ để vợ rửa chén, mà cầm tay tôi hôn nhẹ rồi chỉ đạo “Tay này, liền giờ này chỉ nên cầm rờ mốt mà xem phim cổ trang, nồi niêu để anh lo”
Chúng tôi “ràng buột” nhau bằng lương tự rút, tự mang về bỏ tủ. Không ai đòi giữ thẻ ATM của ai, cũng không bao người này lục lọi điện thoại của người kia, kể cả chuông reo bảo nghe giùm cũng thi thoảng mới nhận lời. Bởi chúng tôi biết, quan trọng là giữ trái tim nhau, chứ giữ điện thoại, thẻ ngân hàng, xâm nhập vào tài khoản fb, zalo, mail… chỉ là những cách giữ… dễ mất nhất.
Anh bảo rằng, anh quý tôi nhất là cách trò chuyện với mẹ chồng, mẹ ngồi là tôi chỉ đứng, một dạ hai thưa dù tôi cũng sắp lên chức mẹ chồng rồi. Anh quý tôi ở cách bớt cơm mời mẹ trước rồi mới mời chồng con, những cử chỉ nhỏ nhặt đó, nếu người ta không yêu thương trân trọng nhau, sẽ không bao giờ làm được.
Anh lại biết nhìn mắt vợ mà biết hôm ấy tôi mệt hay khỏe để pha cho vợ ly chanh nóng rồi mat-xa cho dễ ngủ. Nếu tôi mệt thì anh chỉ ôm vợ “ngủ chay", còn thấy nụ môi mim mỉm của tôi đi qua đi lại trước tivi anh đang ngồi thì anh hỏi “có làm gì phải không?”. Cả hai bật cười mà nghe hạnh phúc ngập tràn.
|
Chiếc giường đẹp cũng đầy cảm xúc. Ảnh minh họa |
Công việc của tôi hay đi tiệc tùng theo sếp, nhưng anh không bao giờ vì thế mà cau mày khó chịu. Bởi anh bảo, mọi việc xảy ra đều do tín hiệu hai bên, còn nếu năng lượng chỉ phát một phía thì từ từ cũng tắt. “Mà anh bảo đảm, chẳng ai yêu em hơn anh hết, nên chả sợ vợ nọ kia”.
Tôi hay bảo đó là câu nói “đểu” nhất trong ngày.
Công việc của chồng, đôi khi về khuya, nhất là giao hàng ở tỉnh, có khi phải ở đêm hoặc xe nằm đường. Tôi ý từ cất vào ví chồng mấy chiếc bao cao su, bảo rằng nếu cần thì “giải quyết”, chỉ là đừng để bệnh. Anh bảo “Mất niềm tin nhau dữ ta? Người vừa dơ vừa mệt, hàng về trễ bị la mắng um sùm, áp lực kinh khủng vậy thì tâm trí đâu? Lại còn mang mấy cái của nợ đó, mất cảm xúc hết!”.
Cả hai lại nhìn nhau cười vì chúng tôi không bao giờ để nhau “mất cảm xúc” cả.
Tôi không nói khi tan vỡ hôn nhân, người ta sẽ có “kinh nghiệm sống” bởi đơn giản không ai muốn gia đình tan đà xẻ nghé, con cái thiếu cha vắng mẹ.
Nhưng thật sự có bước qua truân chuyên, người ta mới biết trân quý nhau và nuôi dưỡng cảm xúc vợ chồng từng giờ từng phút. Bởi thật sự, cái gọi là cảm xúc nó mong manh lắm, không hình dạng nhất định, cũng không thuộc thể rắn hay thể lỏng, càng không phải là vàng hay là đá. Mà đá hay vàng là do vợ chồng tạo ra mà thôi.
Trang Thảo