Cảm xúc luôn... có lý

13/11/2017 - 16:30

PNO - Chấp nhận cảm xúc của trẻ là chìa khóa để cải thiện mối quan hệ gắn kết giữa cha mẹ hoặc người chăm sóc và con trẻ.

Sự không công nhận cảm xúc là nguồn cơn gây ra những tranh luận, mâu thuẫn và bất đồng ý kiến giữa cha mẹ - con cái trong gia đình nói riêng, các mối quan hệ xã hội nói chung. Nhiều trường hợp đáng tiếc đã xảy ra với trẻ khi những cảm xúc bị đẩy lên cao mà không có sự đồng hành tích cực của cha mẹ. Phủ nhận hoặc không công nhận về cảm xúc là khi cha mẹ từ chối, lờ đi, nhạo báng, phán xét hay phủ nhận cảm giác của trẻ.

Trẻ thu mình, nghe cha mẹ nói cứ ừ à cho qua; trẻ phụng phịu, òa khóc, ù chạy vào phòng đóng sập cửa; trẻ ăn cơm mà nước mắt lưng tròng… là những hình ảnh bất kỳ phụ huynh nào cũng có thể gặp. Nhiều phụ huynh không hiểu được vì sao thuở nhỏ con nói nhiều như… sợ ai giành nói hết, gì cũng tâm sự cùng cha mẹ mà lớn lên một chút lại lầm lì, khó chịu, cảm xúc “nắng mưa” bất chợt, thậm chí vô lý.

Do con càng lớn càng bướng hay do con đã xây dựng một “vương quốc” cảm xúc riêng mà cha mẹ không được trao… chìa khóa?

Cam xuc luon... co ly
Ảnh minh họa

“Ổ khóa” bí hiểm

Vừa thấy mẹ trờ xe đến cổng trường mầm non, bé Hoàng Uyên (Q.9, TP.HCM) đã ù té chạy ra, tay cầm bức tranh vừa vẽ để khoe với mẹ, ánh mắt rạng ngời. Mẹ thoáng nhìn qua tờ giấy bé cầm, khen qua loa “ảnh đẹp giống tranh Picasso” và cười.

Bé Uyên bỗng đổi trạng thái từ hớn hở sang bí xị, đỏ mắt và khóc hu hu. “Sao mẹ lại cười con?” - bé hỏi. “Mẹ cười vì ảnh đẹp mà” - người mẹ đáp. Dù vậy, mặc mẹ phân bua, bé Uyên vẫn khóc, khăng khăng cho rằng cái cười đó không phải là cười khen tranh đẹp.

Không quan tâm, cười nhạo cảm xúc của con trẻ là thói quen của rất nhiều bậc cha mẹ. Nhưng khi con trẻ phản ứng lại hoặc có chiều hướng bất ngờ thì cha mẹ lại đổ lỗi là con hỗn hào, không vâng lời, không ngoan.

Phủi bỏ cảm xúc - bóp nát tự tin

Dễ thấy nhất là cảnh trẻ mầm non hoặc đầu bậc tiểu học đổ lì, ăn vạ mỗi buổi được sáng cha mẹ đánh thức để đi học. Trẻ có thể gào khóc, bám vào cột nhà, cầu thang, mặc cho cha mẹ cố sức gỡ tay, kéo lên xe. Lúc đến trường, trẻ có thể sẽ ghì chặt xe, ôm chân mẹ hoặc thậm chí lăn ra đất, không chịu vào lớp.

Khi đó, những người mẹ hiểu biết, kiên nhẫn và những cô giáo có nghiệp vụ sư phạm tốt thường sẽ có những lời nói, cử chỉ tránh cho bé cảm thấy buồn, ức chế, bị hắt hủi. Bé sẽ được xoa dịu khi cô và mẹ cùng thể hiện sự thấu hiểu. Mẹ và cô sẽ cho phép và kiên nhẫn chờ cho qua khoảnh khắc bé buồn, hụt hẫng, bất an rồi khuyên bé vào lớp với cô với bạn, cùng chơi những trò vui, chiều mẹ sẽ đón sớm.

Ngược lại, cảm xúc của bé sẽ cuộn trào nếu người lớn chỉ trích, gọi khóc nhè là hư, dọa sẽ bị đuổi xuống lớp nhỏ hoặc tuyên bố không thương “mấy đứa lì”. Tệ hơn, có phụ huynh đã đáp trả những cảm xúc không mong đợi ở bé bằng bạo lực.

Khi con vào tuổi teen, phần lớn phụ huynh thường dùng lý trí, sự diễn giải logic để đối phó, làm giảm cảm xúc, mong muốn ở con. Điển hình như bất đồng khi con trẻ đứng trước chọn lựa ngành nghề. Những người cha có thể cậy vào hiểu biết, trải nghiệm, thành công của mình để cố xoay chuyển ý định của con sao cho trùng với kỳ vọng của cha mẹ.

Khi những nỗ lực ấy “phá sản”, cha mẹ sẽ cho là con cứng đầu, “ngu mà lì”, “trứng đòi khôn hơn vịt”. Con khóc và chỉ con hiểu được tâm trạng của mình, kiểu như: “Mình thích theo học ngành tâm lý mà ba chẳng hiểu mình gì hết, cứ ép kế nghiệp bác sĩ của ba. Mình không muốn như ba, mình muốn có thời gian với gia đình.

Từ nhỏ tới giờ ba cứ trực suốt, rồi đi phẫu thuật, sinh nhật mình mà ba cũng bận...”. Hãy một lần tự mình trả lời câu hỏi liệu chúng ta có thực sự muốn biết vì sao con khóc và dũng cảm thừa nhận lý lẽ riêng của những giọt nước mắt ở con mình.

Khi trẻ không còn tin tưởng vào người khác và các mối quan hệ gắn bó, hoặc trẻ sẽ thu mình lại, dựng lên bức tường ngăn cách với chúng ta, khiến ta không còn có thể hiểu trẻ; hoặc trẻ sẽ nổi loạn, chống đối, hành xử tiêu cực và gieo mầm cho những vấn đề sức khỏe tinh thần về sau. 

Diệu Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI