Tay phải là nghệ nhân điêu khắc gỗ, tay trái chơi nhạc, anh một thân một mình rời thị xã nhỏ ở quê, đến thành phố này lập nghiệp sau khi hôn nhân tan vỡ. Như đã hẹn, anh đến xưởng nội thất qua giới thiệu của người bạn văn nghệ.
Chủ xưởng là đôi vợ chồng trạc tuổi anh. Họ đón anh niềm nở ngay từ lần gặp đầu tiên. Người chồng đưa khách tham quan một vòng cơ ngơi của họ trước khi đến xưởng. Giữa trung tâm thành phố lớn mà vợ chồng anh sở hữu một khuôn viên rộng mênh mông với nhà, vườn kiểng, hồ bơi và cả khu đất trồng nhiều loại cây ăn trái.
Họ có một biệt thự hai tầng và khu nhà nhỏ dành cho nhân viên, nhưng hiện chỉ có người em bà con bên vợ ở. Hai vợ chồng vẫn chưa cho công nhân bên xưởng đến sống, vì sợ ồn ào. Xưởng gỗ nằm ở một địa chỉ khác, nghe nói cũng bề thế.
Biết anh giỏi nhạc, chị vợ rất quan tâm. Chị hát hay và thích hát. Suốt buổi phỏng vấn, chị hỏi anh về nhạc nhiều hơn nghề gỗ. Rồi chị quay sang nói với chồng, sắp xếp một nơi tươm tất ở khu nhà nhỏ để anh tiện đi làm và dạy thêm nhạc cho chị cùng hai đứa con.
Anh làm việc được gần nửa năm, cả nhà đều quý mến. Người chồng coi anh như bạn thân. Ngoài giờ học, bọn trẻ thích xuống khu nhà nhỏ chơi cùng anh. Cô vợ thường đem cho anh những món ăn ngon khi tự tay vào bếp.
Một lần, nhận tô vịt nấu nấm từ cô chủ, anh hỏi đùa, tại sao món nào của cô cũng đầy chất béo mà người thì gầy nhom. Cô chủ thở dài, từ lâu ăn uống không ngon, chẳng còn nhớ nổi cảm giác thèm ăn như thế nào. Rồi cô ngồi lại với anh, lặng lẽ kể chuyện nhà.
Gia đình ăn nên làm ra, trông có vẻ vợ chồng đồng lòng nhưng thật ra từ lâu chồng cô đã có người thứ ba. Không cách nào ngăn cản nên cô chịu đựng mà sống, suốt gần mười năm. Nỗi đau và sự cô đơn giày vò lâu ngày, khiến cô chẳng thiết tha chuyện gì nữa.
Cuối cùng rồi cũng đến ngày người tình của chồng cô lập gia đình. Chồng cô giật mình, tâm trí quay về với vợ con, cố gắng bù đắp cho cô nhưng đã muộn. Chồng càng quan tâm chăm sóc bao nhiêu, cô càng cảm thấy nỗi đau hôm qua rõ ràng hơn bấy nhiêu.
Để chuộc lỗi, bây giờ cô muốn gì chồng cô cũng đồng ý. Chuyện cho anh thợ điêu khắc ở lại khu nhà nhỏ để tiện dạy nhạc là một ví dụ.
Ở xưởng, anh là một thợ chính quan trọng, chịu trách nhiệm trông coi mấy chục công nhân, chỉ đứng sau người quản lý kỹ thuật. Ở nhà, anh là thầy dạy hát mà cả ba mẹ con cô đều hài lòng. Cô hỏi anh có thể ở đây suốt đời không. Anh cười bảo trong người có chút máu nghệ sĩ nên mọi việc còn tùy cảm hứng.
Không giấu giếm, cô nói yêu anh. Cô hứa sẽ không làm gì ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, chỉ cần ngày nào cũng được nhìn thấy anh, nghe anh nói, anh hát. Anh sửng sốt, lắc đầu. Vết thương trong anh nhói đau. Vợ chồng con cái nhà anh ly tán bắt đầu từ một người đàn ông ở vị trí tương tự như anh bây giờ.
Những buổi tối không có lịch dạy, anh vô tình phát hiện cô thường lấp ló gần cửa sổ phòng anh, kể cả những đêm mưa, chẳng biết để làm gì. Cô để ý mua tặng anh từ đôi giày, cái khăn mặt đến tuýp kem đánh răng.
Từ lúc cậu em họ rời đi, cô càng tỏ ra quan tâm anh thường xuyên hơn. Anh cảm thấy khó chịu. Biết không thể tránh né, anh quyết định dọn đi, tìm công việc khác.
|
Ảnh minh họa |
Người chồng không chấp nhận đơn thôi việc của anh. Ban đầu lớn tiếng quát tháo, sau xuống nước năn nỉ, quyết giữ anh ở lại. Rất nhiều lý do được đưa ra. Nguyên nhân lớn nhất là người chồng không muốn vợ buồn vì mất người thầy dạy nhạc hợp ý cô ấy.
Anh đã nhận ra, người chồng hiểu rõ cảm xúc của vợ. Anh ta chỉ cố làm ra vẻ không hay biết gì, có thể vì chiều chuộng, bù đắp, hoặc muốn cô giảm căng thẳng bởi việc điều trị trầm cảm vẫn chưa có kết quả khả quan.
Anh chán nản và hơi sợ cảm xúc của cô chủ, nhưng vẫn dùng dằng chưa ra đi, thậm chí có chút hối hận vì đã vội vàng viết đơn xin nghỉ. Không dễ tìm một công việc ở nơi khác với mức lương như hiện tại. Cố gắng giữ lập trường nhưng nhiều lúc anh cũng cảm thấy xót xa cho người đàn bà mong manh này.
Làm sao cô ấy có thể sống tốt, nuôi dạy hai đứa trẻ ngoan giỏi và chung vai gánh vác việc kinh doanh ngày càng phát đạt trong khi trái tim chồng cô thuộc về một nơi khác?
Ngày ngày trôi qua, người chồng cố gắng quan tâm bù đắp. Anh biết vợ thường loay hoay ở khu nhà thợ. Anh không tin vợ yêu người đàn ông ấy. Có lẽ đó chỉ là cái cớ để chị cho anh nếm trải cảm giác bị bỏ rơi như anh đã từng đối với chị.
Anh không trách vợ, chỉ cố gắng bao dung, hy vọng vợ sớm khỏi bệnh, sau cơn giông trời lại sáng. Nhưng những khoảng trống lạnh nhạt cứ triền miên tiếp diễn, trở thành thói quen. Dường như cả hai vợ chồng đều vô tình buông tay, bằng lòng với hiện tại. Trong khi, không bao giờ là quá muộn để có thể sửa những sai lầm?
Việt Quỳnh