Cảm xúc của con - 'vun bón' cách nào?

30/08/2017 - 13:30

PNO - Khi cảm xúc chán chường, bế tắc vây hãm, trẻ có thể hành động nông nổi, gây bao bi kịch đáng tiếc: ....

Khi cảm xúc chán chường, bế tắc vây hãm, trẻ có thể hành động nông nổi, gây bao bi kịch đáng tiếc: đâm bạn chỉ vì một cái nhìn đểu; giận người lớn, rủ bạn cột vào nhau nhảy xuống sông tự tử; mới đây, một nam sinh hoảng sợ sau khi bị cô giáo thu điện thoại trong giờ học, đã nhảy từ lầu ba xuống đất... Có cách nào ngăn trẻ làm điều dại dột như vậy không?

Cáu kỉnh là hư?

Có vô vàn tình huống để giáo dục cảm xúc và kỹ năng xã hội cho con, nhưng đôi khi chính cha mẹ đã tước đi cơ hội của trẻ. Khi con bị bạn tranh đồ chơi, bạn sẽ lao đến đứa trẻ kia, giật lại đồ chơi, đưa cho con; hay bạn sẽ chỉ đứng từ xa, ghi nhận phản ứng của con, sau đó đặt những câu hỏi cho con giúp trẻ xử lý tình huống, nâng đỡ cảm xúc? 

Cam xuc cua con - 'vun bon' cach nao?
Con cáu kỉnh là hư? Ảnh minh họa

Cuộc sống bày ra những thử thách mà dù muốn hay không trẻ cũng phải đặt cảm xúc của mình vào đấy. Đó là lúc con bị bạn xô ngã ở công viên, con sẽ cáu tiết, sẽ gào khóc, đánh bạn để trả đũa hay vững vàng, gượng đứng.

Một buổi sáng, dắt chiếc xe đạp đi học, phát hiện bánh xe bị xẹp, con sẽ quạu quọ bồi thêm cho chiếc xe mấy cú đá hay nhanh nhẩu dẫn bộ đến bác sửa xe… Rồi cảm xúc, hành xử khi trẻ bị điểm kém, bị cha mẹ mắng oan, bị bạn nghỉ chơi, cô lập, bị mất điện thoại; lớn lên ở tuổi dậy thì có thể lời tỏ tình của mình bị “trả hàng”… 

Nhiều phụ huynh thường phủ định cảm xúc của con, điều đó không nên, thậm chí nguy hiểm, khiến trẻ dần đối phó bằng cách che giấu, sống hai mặt. Sáng sớm, con cáu kỉnh, nằm vạ, khóc nhè, không chịu đi vệ sinh, thay quần áo để đến trường, cha mẹ không hiểu nổi tại sao vô cớ mà bé “quậy”.

Có thể nguyên nhân đưa đến cảm xúc đó là vô lý, nhưng thực ra cảm xúc ấy hoàn toàn có lý do tồn tại ở trẻ. Sẽ tốt hơn nếu cha mẹ chấp nhận, hỗ trợ con bày tỏ cảm xúc cả tích cực lẫn tiêu cực mà không hề liên quan đến con ngoan hay hư. Đó chỉ là câu chuyện của cảm xúc, vậy thôi!

Tập cách đối diện với cơn giận

Thử hỏi về cảm xúc đang có ở trẻ, cha mẹ sẽ giật mình nhận ra vốn từ của con thật nghèo nàn. Theo thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương (Trường ngoại khóa Tomato, TP.HCM), trẻ có vốn từ cảm xúc phong phú sẽ ít cô độc hơn, ít bốc đồng, ít mất kiểm soát hơn, ít đánh nhau, ít có hành vi tiêu cực hơn, sẽ tập trung hơn, phát triển lành mạnh hơn, có kết quả học tập tốt hơn. 

Cam xuc cua con - 'vun bon' cach nao?
Không phải con lúc nào cũng vui vẻ. Ảnh minh họa

Đâu chỉ có hai thái cực buồn - vui, cha mẹ có thể dạy con những từ vựng cảm xúc mới: tức giận, lo lắng, bối rối, sợ hãi, xấu hổ, tự hào… Gọi đúng tên của cảm xúc là trẻ đã được giải tỏa một phần. Theo bà Uyên Phương, sẽ thú vị và hữu ích nếu cha mẹ thường xuyên nói về cảm xúc với con, hỏi con cảm thấy như thế nào.

Khi đọc sách, xem phim cùng con hoặc kể về những sự việc đã xảy ra trong cuộc sống, cha mẹ có thể ngừng lại để thảo luận về các tình huống, biến cố mà nhân vật phải đối mặt, cho trẻ cơ hội đứng vào vị trí của người khác để trải nghiệm cảm xúc, nêu ý kiến bộc lộ cảm xúc như thế nào là phù hợp vào hoàn cảnh ấy.  

Không la mắng, trách cứ hay đánh con, cha mẹ chỉ cần nói cho con biết cảm xúc của mình, cụ thể là “bực bội, cáu giận” vì gọi hoài mà con không lên tiếng. 

Cha mẹ tập cho con đối diện với cơn giận, dừng lại, hít thở sâu, đếm một, hai, ba… Học lấy lại bình tĩnh như cách của chú rùa rúc vào mai của mình để sở hữu một khoảng lặng, để giảm tốc bánh xe cảm xúc đang cuồng quay ở não, để lý trí được dịp lên tiếng.

Khi rời khỏi góc bình tĩnh cũng là lúc đã nhìn nhận thông suốt vấn đề, lấy lại thăng bằng và tìm ra giải pháp. Trước mỗi tình huống, cha mẹ cần giúp con vẽ sơ đồ về cảm xúc - phản ứng - quyết định - hệ quả tương ứng. Khuyến khích con nghĩ ra càng nhiều giải pháp càng tốt để có thể có chọn lựa tích cực. 

Tô Diệu Hiền

Giáo dục cảm xúc và kỹ năng xã hội là quá trình mà trẻ em và người lớn học cách ứng dụng hiệu quả những kiến thức, thái độ và kỹ năng cần thiết để hiểu và quản lý cảm xúc, đặt ra và đạt được những mục tiêu tích cực, để cảm thấy và biết bày tỏ sự đồng cảm với người khác, biết tạo lập và duy trì những mối quan hệ tích cực, và đưa ra những quyết định có trách nhiệm”.

(Tổ chức CASEL - Mỹ)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI