“Mặc dù Campuchia rất nghèo, nhưng sẽ không bán sữa mẹ”, trích tuyên bố mới đây của Campuchia.
|
Hình minh hoạ. |
Nội dung phát ngôn được ban hành bởi Hội đồng Bộ trưởng Campuchia, do Bộ trưởng Ngoại giao Ngor Hong Ly ký và được sự thông qua của Thủ tướng Hun Sen. Theo đó, chính phủ cho biết đã “quyết định áp dụng các biện pháp có hiệu lực ngay lập tức để cấm mọi hoạt động mua bán, xuất khẩu sữa mẹ từ Campuchia”.
Một công ty Mỹ là Ambrosia Milk (tên địa phương Khun Meada, tiếng Khmer có nghĩa là “lòng biết ơn của những người mẹ”), trong thời gian vừa qua đã tuyển những phụ nữ Campuchia vừa sinh con để làm nguồn cung sữa mẹ bán cho khách hàng tại Hoa Kỳ.
Công ty này đặt ở một khu ổ chuột thuộc thủ đô Phnom Penh. Các sản phẩm sữa được hãng Ambrosia tiến hành cô đặc và đóng hộp gồm 5 gói nhỏ, mỗi gói nặng 142 gram.
Một hộp sữa mẹ như vậy có giá 200 USD (khoảng 4,5 triệu đồng). Một kế toán của hãng cho biết, công ty đã xuất khẩu khoảng 500 kg sữa mẹ đông lạnh mỗi hai đến ba tháng kể từ khi bắt đầu hoạt động.
Một số phụ nữ ở quận Stung Meanchey đã bán sữa mẹ cho hãng Ambrosia Milk từ năm 2015. Tuy nhiên việc buôn bán mặt hàng đặc biệt này chỉ bắt đầu được quốc tế chú ý, sau một bài báo xuất bản trên trang Broadly vào đầu tháng 3/2017.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Flipboard |
Ngày 11/3, Khun Meada đã phải đóng cửa khi chính phủ ra lệnh tạm thời đình chỉ việc xuất khẩu sữa mẹ do lo ngại trước những tác động tiêu cực đối với sức khỏe của trẻ sơ sinh Campuchia.
Người quản lý địa phương của Khun Meada là Kong Pheakdey cho hay, Bronzson Woods - nhà sáng lập và giám đốc của Ambrosia tuyên bố công ty không có ý định mở lại tại Campuchia.
Bà Pheakdey cho biết, công ty phải đóng cửa vì Tổng cục Hải quan và Thuế tiêu thụ đặc biệt của Bộ Tài chính yêu cầu có giấy phép xuất khẩu từ Bộ Y tế, nhưng Bộ này cũng đã từ chối cấp giấy phép. Theo bà Bronzson Woods, bà đã hai lần làm đơn xin giấy phép từ Bộ Y tế Campuchia, nhưng nhận được hồi đáp rằng quốc gia này không chấp nhận loại hình doanh nghiệp kinh doanh sữa mẹ.
Lên tiếng bảo vệ công ty, bà Kong Pheakdey cho biết việc kinh doanh hoàn toàn tuân thủ chuẩn mực đạo đức. Các phụ nữ bán sữa được theo dõi sức khỏe, xét nghiệm sàng lọc chất gây nghiện hàng tháng tại Bệnh viện Hoàng gia Phnom Penh.
Bà Pheakdey cũng bày tỏ lo ngại rằng lệnh cấm này sẽ khiến không ít phụ nữ bị mất thu nhập. “Công ty đã giúp rất nhiều người, tạo công ăn việc làm cho họ. Nếu làm việc trong nhà máy, họ sẽ phải làm quần quật suốt nhiều giờ đồng hồ, trong khi ở đây họ chỉ cần có mặt khoảng nửa giờ đến một giờ là có thể về nhà”, bà Pheakdey nói.
Trong thực tế, mối lo ngại này hoàn toàn có cơ sở. Yorn Thina (40 tuổi) là một thợ may với 5 đứa con, trong đó có bé mới 1 tuổi. Chồng cô đã thất nghiệp suốt một thời gian dài vì mắc bệnh và không có khả năng làm ra tiền.
Khoảng 9 tháng trước, cô là người thứ 40 đăng ký tham gia bán sữa mẹ. Công việc rất đơn giản, chỉ việc ngồi để chờ máy vắt sữa của mình. Cô kiếm được khoảng 120 USD mỗi tuần cho 6 ngày làm việc, trong khi đó, nếu làm công nhân nhà máy may mặc thì chỉ kiếm được 153 USD mỗi tháng.
|
Yorn Thina lo lắng khi mất đi nguồn thu nhập. Nguồn: The Cambodia Daily |
Với thu nhập đó, Thina là trụ cột kinh tế trong gia đình, nhưng sau lệnh cấm cô trở thành thất nghiệp. “Tôi không có tiền, tôi có thể sẽ phải đi làm lái xe ôm”, Thina nói.
Hiện giờ gia đình người phụ nữ này chỉ dựa vào một số tiền tiết kiệm nhỏ và ít gạo được quyên góp. Thina cho hay: “Tôi có con nhỏ, nên không thể tìm được công việc khác được. Không có ai chăm sóc cho con bé”.
Mặt khác, dù chính phủ đưa ra lý do cấm xuất khẩu sữa mẹ là do những quan ngại về sức khỏe và đạo đức, Yorn Thina cũng được công ty thông tin lại rằng họ phải đóng cửa do Bộ Nội Vụ áp đặt khoản thuế xuất khẩu quá lớn và không thể đáp ứng được.
Trước Campuchia, đã có một số quốc gia khác ban hành lệnh cấm xuất khẩu sữa mẹ. Trung Quốc xếp sữa mẹ vào loại thực phẩm hoặc đồ uống đặc biệt, không thể chế biến hoặc buôn bán, tuy nhiên thị trường chợ đen ở quốc gia này vẫn rất sôi động.
Còn tại Australia, sữa mẹ được coi là bộ phận thuộc cơ thể người, nhưng nó vẫn đang được bán trực tuyến công khai.
Ở Mỹ, sữa mẹ còn được gọi là “vàng lỏng”, là một mặt hàng có tiềm năng kinh tế lớn do cầu luôn vượt quá cung.
Dù được công nhận tính hợp pháp, song Cục Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ đã phát cảnh báo về những nguy cơ khi sử dụng sữa mẹ do mà không nắm được tình trạng sức khỏe của người cung cấp. Chính phủ Anh và Pháp cũng đưa ra những thông báo tương tự.
Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cũng bày tỏ lo ngại về khả năng khai thác phụ nữ vì mục đích lợi nhuận và thương mại, đặc biệt ở các nước đang phát triển, bởi những bà mẹ nghèo có thể đem bán sữa thay vì cho con bú.
Quỹ này cho hay ủng hộ quyết định cấm buôn bán sữa mẹ của Campuchia, bởi suy dinh dưỡng ở trẻ em vẫn là một vấn đề nhức nhối ở quốc gia này.
Lan Phương (Theo The Cambodia Daily)