Cam Vinh lâm nguy

05/10/2023 - 06:23

PNO - Cây cam Vinh bị dịch bệnh tấn công, ngày càng suy thoái; diện tích trồng cam Vinh ngày càng bị thu hẹp, buộc ngành nông nghiệp tỉnh Nghệ An phải lên phương án phục hồi giống cam đặc sản đã có thương hiệu này.

Cam nhiễm bệnh, phải chặt bỏ

Hiện nay, những vườn cam từng cho doanh thu lớn ở xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp gần như bị xóa sổ, nhường chỗ cho cây mía. Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó chủ tịch UBND xã Minh Hợp - cho biết, thời hưng thịnh, cây cam đã giúp nhiều gia đình ở xã này thành tỉ phú. Năm 2017, một số vườn cam trong xã xuất hiện tình trạng thối quả, rụng quả. Bấy giờ, nhiều người vẫn nghĩ đó là do mưa lớn, cam bị úng rễ. Nhưng tình trạng này ngày càng phổ biến, lan đến những vườn cam nằm trên sườn đồi cao ráo.

Vườn cam của anh Nguyễn Cảnh Hiếu sai quả, quả đều, đẹp nhờ có lưới ngăn côn trùng xâm nhập
Vườn cam của anh Nguyễn Cảnh Hiếu sai quả, quả đều, đẹp nhờ có lưới ngăn côn trùng xâm nhập

Cây cam bị bệnh khiến người trồng chán nản, bỏ mặc hoặc chặt bỏ để lấy đất trồng loài cây khác. Vừa đốn bỏ vườn cam, anh Trương Văn Sinh - ở xóm Minh Tiến, xã Minh Hợp - vừa giải thích: “Cũng hết cách rồi mới phải chặt bỏ. Cam bị nhiễm bệnh nhiều quá, không đậu quả, đậu rồi thì quả không to nổi, khô nước, bán không được giá, lỗ tiền công và phân bón”.

Thời thịnh, huyện Quỳ Hợp có gần 3.000ha cam, trải dài trên những vùng đất đỏ bazan màu mỡ nhưng nay, phần lớn đã bị chặt bỏ. Theo người dân, hầu hết giống cam được trồng ở huyện này là cam chiết, ghép. Bà Trương Thị Vân - công chức phụ trách nông nghiệp của xã Minh Hợp - nói: “Người dân thấy vườn cam của nhà nào sai quả, năng suất cao thì đến mua giống, xin giống. Có thể trong quá trình này, cây cam giống bị nhiễm bệnh mà không ai biết nên cứ trồng, chăm sóc; đến khi cây lớn mà không cho quả, họ mới biết. Khi đó, bệnh đã lan rộng”. 

Theo ông Phùng Thành Vinh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An, việc lạm dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình trồng cam khiến đất bị thoái hóa, gây bệnh. Sở đặt mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 6.100ha cam, nhưng nay chỉ còn khoảng 1.800ha. Diện tích cam giảm mạnh, nhưng để giữ được thương hiệu cam Vinh thì phải dứt khoát loại bỏ những vùng cam đã nhiễm bệnh, trồng các loài cây khác để cải tạo lại đất. 

Cũng theo ông, với lịch sử hơn 60 năm, cam Vinh là loại nông sản có thương hiệu. Hiện nay, nhiều người gắn mác cam Vinh vào cam khác cho dễ bán, cho thấy cam Vinh đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Ông nói: “Một số người ở Hà Nội hỏi tôi rằng cam Vinh ở đâu ra mà nhiều thế, ở đâu cũng thấy cam Vinh. Thực tế, sản lượng cam Vinh không nhiều như vậy. Do đó, để bảo vệ thương hiệu cam Vinh, người trồng và bán cam Vinh cần tăng cường quảng bá để ngày càng có đông người biết và mua cam trực tiếp từ vườn”.

Hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật

Khâu lại tấm màn che để tránh côn trùng xâm nhập vườn cam, anh Nguyễn Cảnh Hiếu - chủ trang trại cam 4ha ở xã Xuân Thành, huyện Yên Thành - cho biết, bướm đêm, ruồi vàng là 2 loài côn trùng gây thiệt hại nặng nhất cho cây cam. Từ khoảng tháng Bảy, khi quả cam bắt đầu có nước, những loài côn trùng này thường chích, hút khiến cam bị rụng hoặc khô nước. Sau một thời gian tìm hiểu, năm 2020, anh Hiếu quyết định chi gần 250 triệu đồng mua bạt lưới về giăng để ngăn côn trùng thay vì phun thuốc bảo vệ thực vật.

Theo anh Hiếu, dù chi phí ban đầu khá lớn, nhưng với tuổi thọ 10 năm thì việc trang bị lưới không tốn hơn tiền mua thuốc bảo vệ thực vật là bao: “Khi mắc lưới, quả cam đạt chất lượng và an toàn hơn, khách hàng khi đến mua trực tiếp cũng yên tâm hơn. Do vậy, giá cam của mình có cao hơn giá thị trường nhưng khách vẫn đặt mua rất đông”.

Huyện Yên Thành đang nổi lên như một “vựa” cam Vinh mới thay cho huyện Quỳ Hợp, nhưng ngành nông nghiệp huyện này vẫn khuyến cáo người dân không trồng cam ồ ạt. Ông Nguyễn Văn Dương - Phó chủ tịch UBND huyện Yên Thành - cho biết: “Trung bình mỗi năm, toàn huyện chỉ trồng thêm khoảng 10ha cam. Chỉ nơi nào có khí hậu mát mẻ, phù hợp mới được quy hoạch vào vùng trồng cam. Trước khi trồng, người dân cũng được khuyến khích tham gia các khóa tập huấn để nắm vững kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cam”.

Ông Nguyễn Quý Hiếu - Trưởng phòng Quản lý khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An - cho hay, phòng này đang nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp khoa học để kéo dài tuổi thọ cho cây cam. Việc thí điểm dùng các loại chế phẩm sinh học để chăm sóc cây cam đã bước đầu cho kết quả tích cực: cam ít rụng quả hơn, năng suất cao hơn so với chăm sóc theo cách thông thường của người dân. Ông hy vọng sau giai đoạn thí điểm, phương pháp này sẽ được áp dụng đại trà. 

Giá cam Vinh sụt giảm theo chất lượng

Cam Vinh là chỉ dẫn địa lý chung của cam được trồng ở nhiều địa phương khác nhau của tỉnh Nghệ An. Năm 2007, cam Vinh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý với quy mô 12 xã thuộc 5 huyện. Đến năm 2019, chỉ dẫn địa lý cam Vinh được mở rộng lên 73 xã thuộc 11 huyện. Năm 2017, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An đã ứng dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc cam Vinh nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, đảm bảo uy tín của sản phẩm cam Vinh.

Cam Vinh có nhiều giống ngon như cam Xã Đoài, Vân Du, Sông Con, V2, với mùi thơm rất riêng và vị ngọt thanh. Nổi tiếng và lâu đời nhất trong số này là cam Xã Đoài, được trồng ở làng Xã Đoài, xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Nhờ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đặc biệt nên quả cam có vỏ mịn, mỏng, hàm lượng tinh dầu cao. Cam Xã Đoài có giá từ 70.000-100.000 đồng/quả nhưng không dễ mua được. 
Trải qua hàng trăm năm, các vườn cam Xã Đoài ngày càng bị lão hóa, chết dần. Ông Phan Công Dương - Chủ tịch UBND xã Nghi Diên - cho biết, từng có dự án phục tráng giống cam Xã Đoài (tuyển cây đầu dòng để nhân giống) nhưng đến nay chưa thực hiện được: “Hiện cam Xã Đoài trong vườn người dân chỉ còn khoảng 30ha, trong đó chỉ có 10ha cho quả thường xuyên”. Ông cho biết, chất đất đang bị thoái hóa khiến tuổi thọ của cây cam bị rút ngắn. Những năm qua, nhiều cơ quan, chuyên gia đã về xã lấy mẫu đất đi phân tích nhưng chưa đưa ra kết luận hay khuyến cáo nào.

Ông Phan Duy Hải - Phó chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nghệ An - cho biết, năm 2022, diện tích cam toàn tỉnh là 3.036ha, năng suất đạt 212 tạ/ha. Năm 2023, diện tích cam giảm còn hơn 1.800ha, trong đó một nửa đã bị suy thoái, nhiễm bệnh, năng suất ước chỉ còn 128 tạ/ha. Cam bị suy thoái khiến chất lượng cam giảm mạnh, giá cũng giảm theo, một số nơi chỉ còn 5.000-10.000 đồng/kg.

 

Nông dân đầu tư tiền tỉ trồng 10ha cam Xã Đoài

Lo giống cam quý bị thất truyền, ông Trịnh Xuân Giáo - người trồng cam đạt chứng chỉ GlobalGAP đầu tiên ở tỉnh Nghệ An - đã chi hàng chục tỉ đồng để trồng 10ha cam Xã Đoài. GlobalGAP là chứng chỉ thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu, là “giấy thông hành” để xuất khẩu cam sang Nhật Bản và các nước châu Âu.
Trước khi trồng với quy mô lớn, ông Trịnh Xuân Giáo đã đưa gen cam Xã Đoài ra Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam nhờ phân tích, ghép giống cây. Sau khi có được cây giống, ông vận động người dân trong làng Xã Đoài góp đất ruộng, còn ông đầu tư kinh phí, công nghệ. Do đất bị nhiễm nhiều loại hóa chất trong quá trình trồng lúa, ông quyết định bỏ hoang vài năm để cải tạo, sau đó thuê chuyên gia Israel sang thiết kế, lắp đặt hệ thống tưới hiện đại. Hiện cây cam đang phát triển tốt sau 2 năm trồng.

Phan Ngọc

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI