Cấm trẻ em dùng mạng xã hội, nên hay không?

29/11/2024 - 06:18

PNO - Mới đây, nước Úc đã nhất trí ủng hộ kế hoạch của chính phủ nhằm cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng các nền tảng mạng xã hội, bao gồm: X, TikTok, Facebook và Instagram.

Nhiều phụ huynh ủng hộ

Một trong những người ủng hộ quyết định trên - nhà vận động an toàn mạng Sonya Ryan - đã kể về bi kịch cá nhân để thấy mạng xã hội (MXH) có thể gây nguy hiểm như thế nào đối với trẻ em.

Vào năm 2007, con gái Carly Ryan của bà đã bị một kẻ ấu dâm 50 tuổi (giả làm thiếu niên trên MXH) sát hại. Vụ án xảy ra tại tiểu bang South Australia, khi Carly Ryan mới 15 tuổi. Đây là nạn nhân đầu tiên ở Úc bị tội phạm từ môi trường trực tuyến sát hại. “Trẻ em đang phải tiếp xúc với nội dung khiêu dâm có hại, chúng phải đối mặt với những kẻ tống tiền tình dục, săn mồi trực tuyến, bắt nạt. Có rất nhiều tác hại khác nhau mà chúng ta phải cố gắng ngăn ngừa, trong khi trẻ em không có kỹ năng hoặc kinh nghiệm sống để có thể ứng phó với những vấn đề đó” - bà Sonya Ryan nói. Bà hiện là thành viên của nhóm cố vấn cho Chính phủ Úc về chiến lược quốc gia nhằm ngăn ngừa và ứng phó với tình trạng lạm dụng tình dục trẻ em. Bà hoàn toàn ủng hộ việc Úc đặt giới hạn độ tuổi sử dụng MXH là 16.

Mạng xã hội đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ đối với trẻ em - Nguồn ảnh: SCMP
Mạng xã hội đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ đối với trẻ em - Nguồn ảnh: SCMP

Wayne Holdsworth - một phụ huynh ở Melbourne - cũng hoàn toàn ủng hộ lệnh cấm. Con trai ông là Mac Holdsworth đã tự tử vào năm ngoái khi mới 17 tuổi. Trước đó, cậu là nạn nhân của một vụ lừa đảo, tống tiền trực tuyến. Một người đàn ông 47 tuổi (sống tại Sydney) đã giả làm cô gái 18 tuổi để tiếp cận cậu trên MXH. Hắn đã dùng bức ảnh nhạy cảm mà chàng trai chia sẻ để tống tiền và dẫn đến kết cục bi thảm nói trên. Kể từ đó, ông Wayne Holdsworth đã kể câu chuyện đau thương của mình ở khoảng 20 trường học để cảnh báo về những rủi ro từ MXH. Theo Holdsworth, hầu hết 3.000 học sinh (12-17 tuổi) mà ông đã nói chuyện đều đồng ý với lệnh cấm trẻ em dưới 16 tuổi vào MXH. Trong đó, có 3 nữ sinh đã thú nhận đang bị “tống tiền” tình dục. 1 học sinh đã phải trả 1.600 USD cho kẻ tống tiền.

Không ít ý kiến phản đối

Thượng viện Úc đã bỏ phiếu cho lệnh cấm trên vào ngày 28/11. Có 102 nhà lập pháp bỏ phiếu thuận so với 13 phiếu chống. New Zealand cũng đang cân nhắc thực hiện lệnh cấm tương tự.

Những người chỉ trích thì cho rằng luật này được ban hành vội vã mà không có khảo sát đầy đủ nên sẽ không hiệu quả, có thể tạo ra rủi ro về quyền riêng tư cho người dùng. Họ cũng cho rằng điều này sẽ tước đi quyền của cha mẹ trong việc đưa ra quyết định điều gì là tốt nhất cho con cái; tước đi sự tích cực của MXH, đẩy trẻ em vào web “đen”, khiến chúng không muốn thông báo về những tác hại gặp phải, tước đi động lực để các nền tảng tạo ra không gian trực tuyến an toàn hơn. “Là mẹ của 3 đứa con trưởng thành, tôi rất hiểu những tác động tiêu cực của MXH và những thách thức của việc nuôi dạy con cái trong thế giới số hôm nay. Nhưng tôi cũng nhận ra, con tôi rất rành công nghệ, hiểu biết về cách thức hoạt động của các nền tảng này. Vì vậy, tôi khuyến khích mọi người nên lắng nghe tiếng nói của những người trẻ trong quá trình ra quyết định thay vì cho rằng người lớn mới biết rõ nhất” - nhà lập pháp độc lập Kylea Tink nói. Đây là thành viên đầu tiên của Hạ viện Úc lên tiếng phản đối dự luật.

Giáo sư Syed Munir Khasru - Chủ tịch Tổ chức Tư vấn quốc tế IPAG châu Á - Thái Bình Dương - cho rằng, cần có những giải pháp toàn diện, bao gồm nâng cao nhận thức, trang bị kỹ năng số cho trẻ em và tăng cường trách nhiệm của các nền tảng MXH. Chỉ khi đó mới có thể tạo ra một môi trường trực tuyến an toàn và lành mạnh cho thế hệ trẻ. “Thay vì áp đặt những lệnh cấm cứng nhắc, chúng ta nên tập trung vào việc giáo dục trẻ em về cách sử dụng MXH có trách nhiệm và tự bảo vệ mình” - ông Khasru nói.

Dù vậy, theo nhà thần kinh học Debra Soh, sự phổ biến của các nền tảng như TikTok, Instagram và Snapchat đã tạo ra một môi trường trực tuyến đầy rẫy những thách thức đối với sức khỏe tâm thần của trẻ. “Tiếp xúc quá sớm và quá nhiều với MXH đã làm suy giảm các kỹ năng xã hội quan trọng, cản trở sự phát triển lành mạnh của trẻ và khiến chúng dễ bị tổn thương trước các tác động tiêu cực” - bà nói.

Theo bà Soh, các quy định hạn chế độ tuổi truy cập MXH là cần thiết để bảo vệ trẻ em khỏi những tác hại của môi trường trực tuyến. Dù có nhiều ý kiến trái chiều nhưng bà tin rằng lợi ích của việc bảo vệ sức khỏe tâm thần trẻ em là lớn hơn so với những bất lợi tiềm ẩn.

Nam Anh (theo TET, RNZ, SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI