Cảm thức mùa xuân của giới nữ trên báo xuân xưa

17/01/2023 - 08:29

PNO - Xem trên báo tết của giới nữ thì thấy, kiểu gì cũng có những bài đề cập đến hiện tình năm cũ, ước mong năm mới, không chỉ cho giới mình, mà cho nước nhà.

Dẫu đến trước 1945, khi văn hóa Tây phương và nữ quyền đã du nhập vào nước ta, giới nữ vẫn bị xem chức phận chỉ quẩn quanh nơi khuê phòng làm việc “nâng khăn sửa túi”, chỉ là “liễu yếu đào tơ”. Chưa nhiều người vượt thoát định kiến xã hội để làm những nghề nghiệp mang hàm lượng tri thức cao, hiện đại như bác sĩ Henriette Bùi Quang Chiêu, thi sĩ Anh Thơ, Vân Đài…

Nhan sắc ngày xuân - Nước da hoa hường của  Kim Huê trên Trong khuê phòng số mùa xuân 1938
Nhan sắc ngày xuân - Nước da hoa hường của Kim Huê trên Trong khuê phòng số mùa xuân 1938

Xuân nghĩ đến chuyện lớn

Ấy nhưng, cũng là con dân nước Việt nên trách nhiệm với xã hội, họ không hề xem nhẹ. Cứ xem trên báo tết của giới nữ thì thấy, kiểu gì cũng có những bài đề cập đến hiện tình năm cũ, ước mong năm mới, không chỉ cho giới mình, mà cho nước nhà.

Phụ nữ Tân văn số mùa xuân 1932 có bài Phụ nữ Việt Nam bước qua mùa xuân năm 1932, Đàn bà mới số mùa xuân 1935 có bài Tình hình nước nhà năm “Tuất”… nói về việc nước nhà trong năm vừa qua. 

Không chỉ chuyện nước Nam, chị em khi tỏ thông tin tức còn bàn chuyện toàn cầu. Đã không bàn thì thôi, khi bàn, là bàn lớn. Đàn bà mới số mùa xuân 1937 bàn giải Nobel năm trước ở bài Phần thưởng Nobel năm 1936.

Chưa hết, mạnh hơn là Dư luận thế giới về bản Hiệp ước Đức - Nhật. Báo Đàn bà Xuân Nhâm Ngọ 1942 có bài Từ tiếng đàn của Gia Cát đến nước cờ của Hitler theo cái lẽ được báo giãi bày là “Cứ mỗi năm vào dịp tết, chúng tôi lại được hầu chuyện các bạn về tình hình thế giới một lần”.

Tỏ bày ý mình chẳng kém các đấng nam nhi với tình hình đất nước, nhất là giữa lúc nạn khủng hoảng kinh tế lan tràn, tác giả Trần Thị Bích có bài Xuân 1934 ở Việt Nam và ở khắp thế giới trên Phụ nữ Tân văn số mùa xuân 1934 nhưng thực tế không bàn về xuân mà lo nạn kinh tế khủng hoảng, giá cả tăng cao, nạn thất nghiệp nhiều.

Đàn bà xuân Nhâm Ngọ 1942 có bài  Từ tiếng đàn của Gia Cát đến nước cờ của Hitler
Đàn bà xuân Nhâm Ngọ 1942 có bài Từ tiếng đàn của Gia Cát đến nước cờ của Hitler

Khi ảnh hưởng của nữ quyền Tây phương đã du nhập sang Việt Nam, với chị em phụ nữ được ăn học nơi thị thành, tiếng nói đòi nữ quyền tiến bộ càng thêm mạnh mẽ. Bài Cảm tưởng với ngày xuân năm nay của Trong khuê phòng số mùa xuân 1938 bàn về những vấn đề thiết thân của giới nữ, cụ thể là tứ đức (công, dung, ngôn, hạnh) nhưng tứ đức ấy không còn nằm trong vòng quy chuẩn của Nho giáo xưa kia mà theo lối mới của đời sống hiện đại. 

Cũng số báo này có bài Ngày xuân… ôn lại, điểm lại 10 năm đổi mới, tiến bộ của phụ nữ, từ hình thức ăn mặc với chiếc áo dài rộng thùng thình cùng đôi guốc, chiếc dù đã tiến lên văn minh bằng bộ cánh eo tân thời, giày cao gót, bóp đầm… Đến ăn uống cũng đổi thay, không chỉ những món cũ (cơm, nem chạo…), mà còn đồ Tây, đồ Tàu… Giải trí thì có cả khiêu vũ, banh tròn (bóng đá)…

Hình ảnh những thanh sắc trong giới chị em ở Việt Nam cũng được lấy làm tiêu biểu để vinh danh. Đó là nữ nghệ sĩ Phùng Há, đào hát Phụng Sen đóng phim cùng tài tử Lucien Baroux… được đăng hình trên Trong khuê phòng số mùa xuân 1938.

Xuăn nghĩ chuyện "Nữ nhi thường tình" 

Vẫn “nữ nhi thường tình” khi bàn những gì thiết thân tới giới mình dù là tết đến xuân về, mục Kén chồng… tìm bạn của Cô Trinh trên Đàn bà số mùa xuân 1941 hướng dẫn chị em coi tướng tay của nam giới. Biết món này rồi thì “bây giờ bạn có thể, ngồi trước mặt một kẻ nào, biết rõ ngay kẻ đó có sứng [xứng] làm chồng, làm bạn mình, nếu bạn đương kén chồng và đương muốn kiếm một người bạn”.

Ngày tết Nguyên đán khắp hoàn cầu  trên Phụ nữ Tân văn số mùa xuân 1934
Ngày tết Nguyên đán khắp hoàn cầu trên Phụ nữ Tân văn số mùa xuân 1934

Sang năm 1943, Cô Trinh lại có bài Một cuộc phỏng vấn lạ đời về mọi phương diện của phụ nữ trên Đàn bà số mùa xuân 1943. Trong đó, nữ tác giả hỏi han chị em cùng giới đủ chuyện về tâm tình, gia đình cho đến… nhan sắc - những mối quan tâm hàng đầu của “một nửa thế giới”. 

Làm sao để ngày tết sắm sanh, dọn dẹp, bày biện cho tươm tất cũng là vấn đề rất được quan tâm. Những cách dạy về chọn, gọt, hãm thủy tiên được Cô Trinh hướng dẫn kỹ lưỡng trên Đàn bà số mùa xuân 1940. Cũng trên số báo này, nữ sĩ Vân Đài chỉ chị em nhiều bí quyết trong bài Chúng ta ăn tết: nấu thịt đông; chế biến bánh chưng nhân chuối, thập cẩm hay nhân ngọt, gói giò… Việc vệ sinh thân thể cũng được lưu ý bởi Nuyền Gha trong bài Vệ sanh trong mấy ngày tết. Trên Đàn bà số mùa xuân 1941, Duyên Hà trình bày cách làm bánh vẽ, bánh tô châu…

Món trang điểm, làm đẹp của chị em không thể thiếu, nhất là dịp tết. Việc ăn mặc cho hợp mốt được đề cập trong bài Các kiểu áo mùa xuân; trang điểm cho đẹp được thể hiện trong bài Muốn tươi như hoa của Cô Thúy trên Đàn bà số mùa xuân 1940. Nhan sắc ngày xuân - Nước da hoa hường của Kim Huê trên Trong khuê phòng số mùa xuân 1938 hướng dẫn chị em trang điểm đôi má phấn để tôn lên vẻ đẹp nữ giới. Sửa soạn vẻ mặt của Cô Thúy trên Đàn bà số mùa xuân 1941 gợi ý chị em cách làm đẹp “khuôn trăng” bằng cách trị tàn nhang, trứng cá, mũi đỏ… Trong số báo này, Cô Thúy còn bày giới nữ phương pháp làm đẹp da qua bài Mơn mởn tơ đào

Đàn bà số mùa xuân 1941 hướng dẫn chị em  coi tướng tay của nam giới
Đàn bà số mùa xuân 1941 hướng dẫn chị em coi tướng tay của nam giới

Ngày tết phải nghĩ về tết là điều đương nhiên và rất… thực tế. Như Nguyễn Thị Manh Manh (Manh Manh nữ sĩ Nguyễn Thị Kiêm) trong bài Năm hết, tết đến… trên Phụ nữ Tân văn số xuân 1933 đã ước ao: “Bao nhiêu chuyện buồn, giận, tủi, xui, xin hãy tống theo năm cũ. Đối với năm mới, hãy dọn một tấm lòng mới mẻ, một cái óc trong sạch, tưởng như mình mới ra đời, sẵn sàng đợi điều gì cũng chẳng nao”.

Chung cảm xúc tết, Thụy An trong bài Tôi vẫn thích tết trên Đàn bà số mùa xuân 1940 cho rằng tết đến là ban phát niềm vui, mầm hạnh phúc. Cô Trước Giang có bài Cảm tưởng ngày xuân trên Trong khuê phòng số mùa xuân 1938. Bài viết có đoạn: “Xuân sang thì lòng người lại mến đời ưa cảnh vật, cảnh vật ngày xuân của tạo hóa kỳ công. Xuân thêm tuổi, mà lòng có thêm tình chăng? Tình đối với gia đình xã hội, hầu buổi xuân qua mà lòng xuân còn tình mãi mãi và thêm mới luôn luôn”.

Những cảnh tết xưa của Hằng Phương  trên Đàn bà số mùa xuân 1943
Những cảnh tết xưa của Hằng Phương trên Đàn bà số mùa xuân 1943

Cảm thức mùa xuân cũng là dịp “ôn cố tri tân” nên Những cảnh tết xưa của Hằng Phương trên Đàn bà số mùa xuân 1943 cũng là dịp nhớ, hồi cố không khí tết từ thời Chúa Nguyễn; Tao khách với mùa xuân của Phương Lan trên Phụ nữ Tân văn số mùa xuân 1932 điểm qua việc thưởng xuân của tao nhân mặc khách Đông - Tây trung cận đại như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Ronsard, Victor Hugo. Ngày tết Nguyên đán khắp hoàn cầu trên Phụ nữ Tân văn số mùa xuân 1934 của Bích Thủy dành sự quan tâm sâu sát tới tết khắp nơi trên thế giới. 

Tết đến, xuân về, sự vui vẻ, háo hức khi năm cũ qua, năm mới đến là sự thường, chủ đạo. Cũng có lúc, trong cái niềm “tiêng tiếc” khi xuân đến, nữ sĩ Vân Đài bày tỏ qua bài thơ Xuân sang trên Phụ nữ Tân văn số mùa xuân 1934: “Tôi thầm nghĩ lúc xuân về mà tiếc…/ Rồi tuổi xanh tôi cũng dần dần hết”. Chị em yêu xuân, thích tết nhưng:
“Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già”. 

(Xuân Diệu)

Nhan sắc phai tàn, tuổi tác nhiều thêm hẳn cũng là nỗi lo rất thực của phụ nữ dù ở bất cứ thời nào. 

Bài và ảnh: Trần Đình Ba

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI