'Cầm' tên bạn đi giữa đời

21/02/2015 - 08:00

PNO - PN - Nhóm chúng tôi gồm có tám người, thỉnh thoảng lại có một người mới gia nhập. Cứ tùy thích, thoải mái, không có ràng buộc nào cụ thể cả, nhưng phần nhiều là văn nghệ sĩ.

edf40wrjww2tblPage:Content

'Cam' ten ban di giua doi
Một buổi tụ tập của nhóm Lồ Ồ

Ban đầu, Thu Bồn có một căn nhà ở trung tâm Sài Gòn, hơi chật. Anh em không đủ chỗ ngồi nên anh kiếm đâu ra một căn nhà cổ ở mạn Lồ Ồ, chúng tôi kéo tới đó đàn đúm. Thu Bồn dành hai gian làm chỗ ở, một gian làm bếp, còn một gian thường bỏ trống, chính là nơi tụ tập. Công tác môi trường của Thu Bồn đầu tiên là đuổi một tổ ong nghệ ở cạnh đường đi. Vậy mà anh còn càm ràm, bảo tôi: “Chỗ mà có “người khác” thích ở là báo hiệu môi trường tốt, đuổi nó đi thật đáng tiếc”.

Trước đây sống ở rừng, tôi tha hồ tẩy chay ong. Nay được Thu Bồn cho một bài học đầu tiên về môi trường, ngẫm thật đáng giá. Anh Phan Đắc Lập trước làm báo, có lòng đối với anh em, thỉnh thoảng nhắc anh em sáng tác, đừng sa đà vào chuyện thời sự, lớn tuổi nhất trong đám nên được xem như “Anh Cả Đỏ”. Thu Bồn đứng thứ hai. Anh này là người vô ra Trường Sơn đến tám lần. Lần cuối, mang con ra ngoài Bắc, địu con bằng chiếc ba lô có khoét hai lỗ tròn để đứa bé duỗi chân ra. Thơ anh in ở các báo, ký tên là Thu Bồn, dòng sông ở quê Quảng Nam của anh.

Có Bà mẹ Việt Nam anh hùng hỏi chuyện: “Sao sông ấy lại gọi là Thu Bồn?”, anh Lập hóm hỉnh: “Dạ, bởi con sông ở quê anh rất đẹp mà chưa có tên nên người ta lấy tên anh đặt cho dòng sông”. Có một thời, sinh viên ở Sài Gòn đi chống Mỹ mang theo biểu ngữ có dòng chữ: “Cho con núi rộng sông dài / Cho con lưỡi kiếm đã mài ngàn năm”. Đó chính là hai câu thơ của Thu Bồn.

Người thứ ba là Hoàng Thiệu Khang, chuyên dạy mỹ học. Anh Khang có một người bác ruột thi đậu cử nhân Hán học nhưng không ra làm quan, không nhận một việc gì để nuôi thân và đi lang thang quanh năm suốt tháng. Rốt cuộc, từ bé đến giờ anh vẫn chưa gặp mặt ông bác. Hồi trước tôi học ở trường Quốc Học, có một ông thầy quắc thước dạy môn Luân lý, nhà ở đâu Hà Nội, dạy được vài bài rồi bỏ đi đâu mất tăm.

Tôi có về thăm nhà thờ họ của anh Khang ở Hà Tĩnh, mới biết rằng ông bác của anh chính là ông thầy của tôi và là con của quận công Hoàng Cao Khải. Thế mà anh giấu biệt, bảo tôi: “Cậu thấy không, trong cuộc sống mình không có ý định nhờ vả đến tiếng tăm của gia đình. Đó cũng là lý do mà ông bác mình đã lâu không thấy mặt cha”.

'Cam' ten ban di giua doi
Chiếc áo bằng vải thô với chữ ký của bạn bè

Anh Nguyễn Tiến Toàn là chủ doanh nghiệp cơ khí, có khai thác một cây xăng, và mở riêng một hiệu xe lăn làm bằng sườn xe đạp cũ. Nhờ kinh tế rộng rãi, anh trở thành Mạnh Thường Quân đối với anh em. Nhà anh có dạo nuôi hai nhà thơ vô gia cư có dự định viết dài hơi. Cũng có nhiều triển vọng nên anh Toàn rước ở đâu đem về cơm bưng nước rót, cứ viết bao giờ xong thì thôi.

Xưởng xe lăn của anh cũng nhằm nuôi những thanh niên cùng quê anh vào sống ở Sài Gòn, thỉnh thoảng vẫn thấy anh cầm đầu đoàn vận động viên khuyết tật Việt Nam đi dự Asian Para Games và có đem về khoe với anh em vài thứ huy chương. Bận túi bụi thế mà anh Toàn vẫn dành thời giờ sáng tác. Anh đã in ba cuốn tiểu thuyết và tỏ ra còn hăng viết.

Hồi anh Phùng Quán đau nặng ở Hà Nội, anh Tiến Toàn đi tàu ra thăm. Lúc anh Quán mất, anh Tiến Toàn vận động người quen giỏi Nho học viết cho một câu đối bằng chữ Hán, rồi anh cho khắc vào đá, đem về Sài Gòn để thờ anh Phùng Quán.

Anh Lê Minh Ngọc trước là cán bộ thuộc Viện Triết ở Hà Nội, sau này anh bỏ về làm tư, có một xưởng men bánh mì rất nổi tiếng, viết sách kỹ thuật chung với các nhà khoa học Liên Xô, được các phóng viên gọi là “Nhà tư bản đỏ”. Anh Ngọc còn có mấy sở đồn điền trà ở Đà Lạt, vài mẫu đất tại Sài Gòn. Một lần anh nói với tôi: “Làm nông nghiệp vui hơn làm công nghiệp nhiều”. Theo anh, “làm nông nghiệp” ý chỉ việc trồng chè ở đồn điền. Tôi dễ dàng đồng ý với anh, vì tôi có đến thăm xưởng làm bánh mì của anh ở Sài Gòn, thấy buồn tẻ hơn nhiều.

Nhân dịp hội ngộ giữa lực lượng văn nghệ sĩ thuộc nhóm Lồ Ồ ở đồn điền trà của anh, anh Lê Minh Ngọc có mời thêm anh Sao Trên Rừng đến chơi. Sau khi lội dốc men theo con suối chảy sau nhà, anh Sao Trên Rừng, vốn là một nhà văn “nổi loạn” dưới chế độ cũ, nói lẩm nhẩm: “Đẹp như thế này mà lâu nay mình không biết”. Cái mà anh Sao Trên Rừng khen đẹp chính là căn nhà rường bằng gỗ mít vàng chói được mua tại Huế đem lên Đà Lạt dựng thành cơ ngơi giữa đồn điền chè.

Anh Ngọc nói với Sao Trên Rừng: “Tôi làm cái này để phục vụ khách du lịch. Khi nào anh có thì giờ thì xin mời anh ghé chơi, ngủ lại để thưởng thức không khí trong lành, muốn ở lại bao lâu thì ở, không tiền nong gì cả”. Giữa lúc ấy thì anh Xuân Đài mở cửa vào. Hầu hết mọi người đều “ồ” lên chào người mới đến; chỉ có Thu Bồn là vẫn ngồi tự nhiên. Thu Bồn ngoảnh về phía Xuân Đài: “Coi bộ nó láng lẩy như mới trong Từ Dũ ra”.

'Cam' ten ban di giua doi
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường

Nhìn lại Xuân Đài tôi mới nhận thấy bộ ria mép của anh vừa mới được cạo sạch sẽ, mặt mày trông nhẵn nhụi hẳn đi. Nghe Thu Bồn nói, mọi người cười ngất. Xuân Đài cụt hứng, lườm Thu Bồn: “Cái thằng này bố láo! Mày cứ chơi tao hoài”.

Riêng Kim Minh lo thủ bếp nấu món “nóng nóng, nước nước” - tức là phở. Món này tôi nghe nói là món ruột của Lâm Triết chuyên làm để đãi đằng bạn bè ở bên Mỹ, nay truyền lại cho vợ. Kim Minh vừa có tài nấu ăn, vừa chăm sóc nhóm bằng đầu óc thiết thực. Chị vừa là ủy viên ẩm thực, vừa lo hậu cần cho anh em lúc tụ tập thật tận tụy. Ngoài ra còn có Lý Bạch Huệ, vợ của Thu Bồn, vốn là một nghệ sĩ cải lương nổi tiếng ở miền Đông. Chị có tài ngâm thơ, ngâm thật hay bài Tha La xóm đạo của Vũ Anh Khanh sáng tác từ thời kháng chiến chống Pháp. Xóm đạo Tha La ở gần nhà Bạch Huệ, dưới chân vùng Gò Dầu Hạ tôi có đến thăm. Chính vì vậy, Lý Bạch Huệ ngâm bài thơ này thật da diết:

Xem đám chiên hiền thương áo trắng
Nghe trời đổi gió, nhớ quanh quanh

Còn phải kể Thúy Vinh cùng quê Quảng Nam với anh Lập, có tên ở nhà là “Chiền Chiện” vì cái dáng nhỏ nhắn, dễ thương của cô nàng. Thúy Vinh loay hoay ký tên, tặng bạn bè tập thơ vừa ra mắt. Thơ Thúy Vinh có hồn, đủ sức thu hút người đọc. Cuối cùng, trước khi chia tay, tôi được Bạch Huệ tặng một bộ quần áo bằng vải thô, bạn bè ký tên đầy áo. Kể cũng thú, khi người ta có thể “cầm” cái tên của bạn bè đi giữa đời.

'Cam' ten ban di giua doi
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ cùng hai cháu ngoại

Giữa buổi chiều, Nguyễn Duy lái xe đưa tôi về chỗ trọ. Duy nhìn tôi, rung rung hàng ria mép mọc lởm chởm:

- Ông phải coi chừng! Nghe theo lời mấy cô ca ve như cô Lý, có ngày phải bán đất này mà đi.

Tôi nhìn thẳng mặt Duy:

- Nếu tâm hồn ông đã chai sạn như thế thì còn đâu là văn nghệ sĩ?

Tôi biết Duy nói thế nhưng sẽ không làm như thế. Duy im lặng lái xe, ậm ừ trả lời tôi, chắc không có gì phản đối.

Số là chiều hôm đó, có một anh bạn mời chúng tôi đi ăn ở một cửa hàng gần chỗ hội họp. Tôi ngồi gần một cô gái bán hàng, mặc đồ lụa trắng tinh khiết, nhỏ nhẹ như một cô gái Huế. Đến giữa buổi, bất ngờ cô đứng dậy, xin phép tôi cho cô vắng mặt trong chốc lát. Cô phải trở lại chỗ trọ, tìm cái nhẫn đeo tay mà cô lỡ quên ở bồn rửa mặt. Đó là số tiền cô dành dụm được, cô dùng để mua quà tết cho mẹ và các em ở tận Cần Thơ. Một lát sau, cô quay lại và nhìn mọi người rồi buồn bã lắc đầu. Nhìn vẻ mặt của cô, tôi biết ngay rằng cô đã không tìm thấy chiếc nhẫn. Tôi vội vét hết số tiền sẵn có và đưa cho cô Lê Như Lý, nói rằng: “Đây là tiền nhuận bút của tôi, và tôi tặng cô mua quà tết về cho mẹ, chỉ cần nếu sau này tìm lại được chiếc nhẫn, cô nhớ đánh điện về Huế cho tôi, địa chỉ tôi đây…”.

Tôi về Huế ăn tết với gia đình thật ấm áp. Bất ngờ vào ngày mùng Tám, tôi nhận được điện tín của Lý: “Em đã tìm thấy chiếc nhẫn đã mất”.

Tôi tạm biệt bạn bè nhóm Lồ Ồ, lòng trào dâng một tình cảm biết ơn. Ở đây tụ tập người tứ xứ. Chính tôi cũng là người tạm trú. Cảm ơn Sài Gòn đã dung hợp, đã đẩy mạnh không khí giao lưu để mọi con người không còn là cánh cửa đóng im ỉm, mà là cánh cửa mở rộng, bước xuống đường phố.

HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI