edf40wrjww2tblPage:Content
Ảnh: Phùng Huy
Gây dị ứng, ung thư, vô sinh…
Ngày 18/9/2014, Ủy ban mỹ phẩm cộng đồng châu Âu nghi ngờ chất isoparaben (là dẫn chất của paraben) có thể gây ung thư vú cho người sử dụng, nên đã đưa ra quy định cập nhật năm dẫn chất paraben (isopropylparaben, isobutylparaben, phenylparaben, benzylparaben và pentylparaben) vào danh mục các chất không dùng trong mỹ phẩm. Tuy nhiên, Hội đồng khoa học châu Âu lại tuyên bố, đến thời điểm hiện tại không có đủ bằng chứng khoa học để khẳng định các dẫn chất paraben bị cấm đó không an toàn nếu dùng với nồng độ giới hạn cho phép. Mặc dù vậy, để đảm bảo lợi ích và an toàn cho người tiêu dùng, Cộng đồng châu Âu đã cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ, quyết định đưa ra quy định thay thế và bổ sung vào các phụ lục trong hiệp định của EU.
Sau kỳ họp Hội đồng mỹ phẩm các nước khu vực Đông Nam Á (ASEAN) lần 21 vào cuối tháng 11/2014 tại Philippines, Ủy ban tư vấn ASEAN về tiêu chuẩn và chất lượng, Ủy ban mỹ phẩm ASEAN… cũng đã thống nhất đưa ra các quy định mới áp dụng cho các loại mỹ phẩm.
Do đó, ngày 13/4/2015, ông Nguyễn Tấn Đạt, Cục phó Cục quản lý dược, Bộ Y tế đã ký quyết định số 6577/QLD-MP gửi các cơ sở y tế và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh yêu cầu cập nhật quy định về các chất dùng trong mỹ phẩm. Theo đó, năm hoạt chất gốc paraben nêu trên được bổ sung vào nhóm các chất không được dùng trong mỹ phẩm. Riêng với butyl paraben và propyl paraben được phép chiếm tỷ lệ tối đa 0,14% nếu sử dụng đơn lẻ trong sản phẩm; nếu ở dạng phối hợp với các paraben khác thì tổng nồng độ tối đa là 0,8%.
Tương tự, đối với nhóm các chất bảo quản dùng trong mỹ phẩm như methylisothiazolinone hoặc hỗn hợp giữa chất methylchlorothiazolinone với methylisothiazolinone chỉ được sử dụng trong các sản phẩm rửa sạch (như: xà bông rửa tay, dầu gội, sữa tắm). Đặc biệt, hỗn hợp giữa chất methylchlorothiazolinone với methylisothiazolinone phải chia theo tỷ lệ 3:1 với nồng độ không quá 0,0015% trong tổng thể dung dịch của sản phẩm. Tuy nhiên, với một sản phẩm có hỗn hợp này và đã được chia theo tỷ lệ 3:1 mà còn có thêm methylisothiazolinone thì không được sử dụng trong mỹ phẩm.
Dược sĩ (DS) Phạm Thị Mỹ Linh, thành viên Hội DS bệnh viện TP.HCM lý giải: cả hai nhóm chất trên đều có tính kháng khuẩn và kháng nấm nên được sử dụng rộng rãi để bảo quản mỹ phẩm, thực phẩm, dược phẩm (dạng si-rô) và khăn giấy ướt. Các sản phẩm này có độ ẩm, chứa nước là môi trường thuận tiện cho nấm mốc và vi khuẩn phát triển; nếu không có chất bảo quản, chỉ một tháng sẽ hỏng.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng ghi nhận, hai nhóm chất này có ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Đối với nhóm hóa chất gốc paraben sẽ có trong nhiều loại mỹ phẩm (kem dưỡng da, dầu gội đầu) hoặc dược phẩm (si-rô ho, si-rô bổ...). Anh, Mỹ, Pháp đã có nhiều công bố về tác hại của nhóm paraben này. Hiện y học nhận thấy nhóm paraben có hai tác hại chính là nguy cơ gây ung thư vì đã được tìm thấy trong mô ung thư; đồng thời nó có tác dụng giống nội tiết tố nữ, ảnh hưởng lên nội tiết của các bé trai và gây vô sinh nam. Do đó, nhóm paraben này bị cấm sử dụng.
Methylisothiazolinone hoặc methylchlorothiazolinone có nhiều trong khăn giấy ướt, gây dị ứng da do quá trình tiếp xúc, nhiều khi hậu quả để lại rất nặng nề. Các bệnh viện từng tiếp nhận nhiều trẻ nhỏ nổi mẩn đỏ dữ dội ngay khi lau khăn giấy ướt và hết ngay khi ngưng sử dụng. Nhóm chất này chưa cấm hẳn, chỉ được cho vào sản phẩm ở nồng độ cho phép. Canada và Nhật đã có thông báo hạn chế sử dụng methylisothiazolinone, hỗn hợp methylchlorothiazolinone với methylisothiazolinone.
Được bán đến hết tháng Bảy
Dù cấm năm hóa chất độc hại gốc paraben nhưng các sản phẩm liên quan vẫn được cho phép bán trên thị trường đến hết ngày 30/7/2015 (kể cả sản phẩm sản xuất trong nước hay nhập khẩu có chứa các thành phần này). Nhóm sản phẩm chứa thành phần butyl paraben và propyl paraben chưa tuân theo tỷ lệ quy định mới cũng được bán đến hết tháng 6/2016. Tương tự, những sản phẩm có chất bảo quản methylisothiazolinone hoặc hỗn hợp giữa chất methylchlorothiazolinone với methylisothiazolinone chưa tuân thủ theo tỷ lệ chia hàm lượng, hoặc sản xuất với nồng độ vượt quy định, sản xuất trên nhiều sản phẩm “không rửa sạch” sẽ bị cấm như: khăn ướt, keo vuốt tóc, cũng được cho bán đến hết tháng 4/2016.
Về lộ trình này, Cục quản lý dược cho biết: Do chưa có bằng chứng cụ thể về sự mất an toàn của các sản phẩm và cần thời gian để tìm kiếm, thay thế các hợp chất an toàn hơn, Cộng đồng châu Âu quyết định đưa ra lộ trình để thực hiện khuyến cáo này. Chính vì thế, các sản phẩm vẫn tiếp tục được lưu hành trên thị trường tại Cộng đồng châu Âu cũng như tại các nước thành viên ASEAN cho đến khi áp dụng lộ trình mới.
Ngày 21/5, theo ghi nhận của chúng tôi, tại nhiều chợ, đại lý, siêu thị vẫn bán các mặt hàng có thành phần methylisothiazolinone hoặc methylchloroisothiazolinone; chẳng hạn như keo vuốt tóc Rojzy Jialy hay khăn ướt Teen Care, Wonder care, Baby care, Skinlite, Bobby, Fressi Care… Chưa kể rất nhiều sản phẩm khăn giấy ướt khác nhau không công bố rõ thành phần trên bao bì, không rõ nguồn gốc, xuất xứ được bày bán tràn lan tại chợ Bình Tây (Q.6), chợ Nhật Tảo (Q.10), giá từ 8.000 - 15.000đ/gói. Một số loại dầu tắm, sữa tắm được bày bán cũng có thành phần chất cấm: dầu gội dưỡng ẩm Johnson’s baby conditioning shampoo, sữa tắm Johnson’s baby và Johnson’s baby bath & milk, sữa tắm Saforelle, dầu tắm gội Evoluderm, dầu gội đầu Pureen, sữa tắm trẻ em D - nee pure và sữa tắm Johnson’s PH 5.5…
Có khá nhiều sản phẩm “rửa sạch” như: dầu gội đầu, sữa tắm, xà bông rửa tay không ghi cụ thể hàm lượng, tỷ lệ methylisothiazolinone và methylchloroisothiazolinone theo quy định: Romano, Lifebuoy, sữa tắm Thebol, Double Rich, X-Men, Enchanteur, L’evinia , Cathy choo, Provence...
Riêng thực phẩm như đồ hộp, nước giải khát, sữa, bánh kẹo… có mặt trên thị trường TP.HCM, theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chi cục phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, qua rà soát hiện nay chưa ghi nhận sản phẩm nào có chứa năm dẫn chất paraben trong danh sách cấm.
VĂN THANH - H. ANH - K. THỦY
Nhận diện sản phẩm có chất bị cấm Ở thực phẩm, các chất nhóm paraben có mã E214, E219. Còn trong mỹ phẩm lại có các số tham chiếu (viết tắt Ref. No) hoặc được xác định bằng chuỗi số định danh cho các nguyên tố hóa học, hợp chất, chuỗi sinh học… (được ký hiệu bằng CAS Number). Ví dụ, với hoạt chất isopropyl paraben có số CAS 4191-73-5, số tham chiếu 1374. Isobutyl paraben có CAS 4247-02-3 và số tham chiếu 1375. Phenyl paraben có số CAS 17696-62-7 và số tham chiếu 1376. Với benzyl paraben có số CAS 94-18-8, số tham chiếu 1377. Pentyl paraben có số CAS 6521-29-5, số tham chiếu 1378. Còn hỗn hợp methylchloroisothiazolinone và methylisothiazolinone có các số CAS: 26172-55-4, 2682-20-4, 55965-84-9… DS Phạm Thị Mỹ Linh (thành viên Hội dược sĩ bệnh viện TP.HCM) |