Cầm sổ vay tiền, nhưng ra công chứng thì bán đất, phải làm sao?

20/12/2022 - 06:24

PNO - Những người cho vay bên ngoài buộc người vay phải ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất, có công chứng và giữ toàn bộ hồ sơ giấy tờ. Đã có rất nhiều người bị mất nhà đất vì cách làm này của các chủ nợ.

Hỏi: Tôi có vay 400 triệu đồng, người cho vay đồng ý cho tôi vay nhưng giữ sổ hồng (quyền sử dụng đất) của tôi để làm tin. Đến ngày giao nhận tiền họ yêu cầu tôi ra văn phòng công chứng, bảo là ký giấy tờ vay tiền cầm sổ. Khi ký giấy tờ, tôi không được đọc và công chứng viên cũng không đọc và giải thích cho tôi biết. Sau khi công chứng, toàn bộ hồ sơ bên cho vay giữ hết, họ chỉ đưa tiền cho tôi và giấy viết tay có nội dung là cầm sổ cho vay tiền, thời hạn vay là 3 tháng, lãi suất 5%/tháng… Thời gian qua tôi gặp khó khăn nên chậm trả gốc và lãi. Tôi xin chuộc lại giấy tờ đất để bán đi nhằm trang trải nợ nần, thì bên vay tính lãi phạt lên đến 15%/tháng, nên dẫn đến tranh chấp. Tôi có đến văn phòng công chứng xin lục hồ sơ, thì được cung cấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ghi giá bán là 400 triệu đồng (không có nội dung vay tiền). Trường hợp trên tôi phải làm sao để bảo vệ quyền lợi của mình? 

Văn Thiên (Ba Tri, Bến Tre)

Trả lời: Giao dịch vay tiền có tài sản bảo đảm được pháp luật quy định khá đầy đủ. Ví như vay tiền của ngân hàng (các tổ chức tín dụng nói chung) thì giữa khách hàng và ngân hàng sẽ ký hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp tài sản có công chứng, để bảo đảm cho số tiền vay. Tuy nhiên, những người cho vay bên ngoài không làm đúng như vậy mà buộc người vay phải ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất, có công chứng và giữ toàn bộ hồ sơ giấy tờ. Họ thường nói là “ký để làm tin, là biện pháp bảo đảm”, nhưng trong quá trình thực hiện vay tài sản, nếu bên vay vi phạm như chậm trả gốc, lãi, thì họ sẽ đăng bộ sang tên tài sản; thậm chí ngay sau khi công chứng là họ đã sang tên, bên vay vi phạm họ bán ngay cho người khác. Đã có rất nhiều người bị mất nhà đất vì cách làm này của các chủ nợ.

Với trường hợp trên, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, anh có quyền khởi kiện người cho vay yêu cầu tòa án giải quyết hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, với lý do là anh chỉ vay tiền chứ không chuyển nhượng đất, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là giả tạo, che đậy giao dịch thật là vay tài sản. Trường hợp chủ nợ phản tố yêu cầu giải quyết nợ vay thì tòa án sẽ thụ lý giải quyết chung. Khi đó các bên có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ về việc thực hiện hợp đồng vay tài sản (đã trả gốc lãi bao nhiêu, còn nợ bao nhiêu…).

Trong quá trình tòa án thu thập chứng cứ, nếu bên cho vay đã đăng ký sang tên hoặc cấp giấy chứng nhận thì anh có quyền bổ sung yêu cầu khởi kiện là hủy đăng ký cập nhật hoặc hủy giấy chứng nhận đã cấp cho bên cho vay; kể cả các giao dịch khác liên quan (nếu có). 

Luật sư Huỳnh Minh Vũ (Đoàn Luật sư TPHCM)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI