Khó cho người đi xe điện
Mới đây, UBND TP Hà Nội ban hành công văn về tăng cường thực hiện quy định của pháp luật về xây dựng, kiểm soát an toàn nhà chung cư cũ, nhà ở riêng lẻ nhiều tầng, nhiều căn hộ (thường gọi là chung cư mini). Một trong những nội dung được thành phố yêu cầu là khu vực sạc xe điện phải được bố trí riêng, đảm bảo khoảng cách an toàn với các xe xung quanh. Đặc biệt, người dân không được sạc pin qua đêm, bộ sạc phải phù hợp hệ thống pin xe.
Sau khi văn bản nói trên được ban hành, các chung cư và chung cư mini đều bắt đầu triển khai thực hiện. Ban quản lý các khu chung cư, các chủ nhà đều tìm cách cải thiện hệ thống và điều kiện về phòng cháy chữa cháy (PCCC). Các giải pháp được áp dụng là bố trí riêng khu vực sạc xe điện; cắt cử bảo vệ trông coi hầm để xe; cải tạo, lắp cửa chống cháy hoặc ngăn cháy tại khu vực để xe.
Nhiều khu chung cư đã thông báo tới cư dân hoặc người thuê nhà về việc không được sạc xe qua đêm. Một số chung cư yêu cầu bảo vệ ngắt các thiết bị sạc ra khỏi nguồn điện của tòa nhà sau 23g hằng ngày.
Đồng tình với chủ trương của thành phố, ông Hoàng Nhân - chủ sở hữu nhiều dự án chung cư cho thuê tại TP Hà Nội - cho rằng, việc sạc xe điện qua đêm tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đây là thời điểm đa phần mọi người đều đang ngủ, nếu không may xảy ra cháy nổ thì sẽ khó phát hiện kịp thời, hậu quả là rất lớn.
Chính vì vậy, ông đã có những điều chỉnh trong công tác PCCC tại các chung cư cho thuê. Cụ thể, các chung cư được trang bị hệ thống bình chữa cháy tự động treo trên trần nhà, tại khu vực để xe, nếu có báo động sẽ tự động xả bọt trong phạm vi bán kính 3m. Riêng với người thuê nhà có sử dụng xe điện, ông áp dụng đồng thời 3 giải pháp: lắp đặt thiết bị hẹn giờ tại khu vực sạc điện để tự ngắt điện sau 23g, vận động người thuê nhà thay đổi phương tiện đi lại, nếu không thể thì tính toán thôi gia hạn hợp đồng khi hết hạn, không cho thuê mới đối với người sử dụng xe điện.
Tương tự, một số chủ chung cư, chủ nhà trọ tại TP Hà Nội, thời gian gần đây cũng không cho người thuê nhà cắm sạc pin xe máy, xe đạp điện tại khu vực để xe chung, nhưng vẫn có thể tháo rời mang lên phòng sạc và không sạc qua đêm. Đặc biệt, một số chung cư ở khu vực ngoại thành, do có nhiều không gian xây dựng nên chủ nhà xây hẳn khu vực để xe điện riêng biệt ở bên ngoài.
Việc các khu chung cư siết chặt quy định về sạc điện cho xe máy, xe đạp điện nhằm để đảm bảo an toàn PCCC khiến nhiều người thuê nhà gặp khó. Thanh Lam - sinh viên đại học, ở quận Thanh Xuân - cho biết, từ hơn 1 năm nay bạn sử dụng xe điện để đi học, đi làm thêm. Với việc không được sạc điện qua đêm, ban ngày phải đến trường, thì thời gian sạc sẽ còn rất ít. Nếu về trễ, không đủ thời gian sạc pin, bạn sẽ phải di chuyển bằng xe ôm, phát sinh thêm chi phí.
Anh Phạm Trọng - nhân viên một công ty trên địa bàn quận Tây Hồ - đưa ra giải pháp: mang xe lên cơ quan để sạc hoặc sắp xếp công việc để về sớm để sạc. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tạm thời. Trọng đang tính đến việc bán xe điện để mua xe máy.
Nhiều người ủng hộ việc siết chặt quy định về PCCC đối với xe điện, nhưng nhiều ý kiến cũng cho rằng thay vì cấm sạc xe ban đêm thì các chung cư có thể trang bị thêm hệ thống PCCC, tập huấn kỹ năng PCCC cho người thuê nhà hoặc bố trí bảo vệ trực đêm để kịp thời phát hiện sự cố.
Cần có giải pháp lâu dài
Luật sư Trần Xuân Tiền (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, sau sự cố hỏa hoạn khiến 56 người tử vong ở quận Thanh Xuân, cùng với chỉ đạo mới nhất của TP Hà Nội, vấn đề đặt ra là phải thay đổi thói quen về sạc xe điện, đồng thời có những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn để phù hợp với thực tiễn. Và theo luật sư Trần Xuân Tiền, đối với các khu chung cư mini, chủ nhà cần bố trí khu vực sạc riêng cho xe điện.
Khu vực này cần có hệ thống nguồn điện tốt, có hệ thống PCCC đạt tiêu chuẩn, đồng thời phải đảm bảo khoảng cách giữa các phương tiện. Ngoài ra, các khu chung cư cũng nên bố trí nhân lực bảo vệ đảm bảo về sức khỏe và phải được đào tạo, trang bị kỹ năng về PCCC.
|
Nhiều khu chung cư hiện đã bố trí khu vực để xe điện riêng |
Về phía người dân, mỗi người cần nâng cao ý thức trong việc sử dụng xe điện sao cho an toàn, ví dụ như không sạc xe qua đêm, kiểm tra xe định kỳ… Đối với cơ quan quản lý nhà nước, cần hoàn thiện các tiêu chuẩn về nguồn điện, pin xe điện và cụ thể hóa quy định sử dụng điện sao cho an toàn.
Phó giáo sư, tiến sĩ Đàm Hoàng Phúc (Đại học Bách khoa Hà Nội) nhận định, các xe điện đáp ứng được quy chuẩn thì rủi ro sẽ rất thấp. Ngược lại, những loại xe trôi nổi, không rõ nguồn gốc, đặc biệt là phần pin, sẽ mang nguy cơ cháy nổ rất lớn. Chưa kể, hiện nay chưa có quy chuẩn cụ thể cho bộ sạc trên xe điện, chất lượng của các bộ sạc không được kiểm soát, dẫn tới nguy cơ cháy nổ từ bộ sạc chứ không phải từ pin hay việc sạc.
Thực tiễn trên cho thấy, việc quan trọng nhất là phải kiểm soát được chất lượng xe bán trên thị trường. Đồng thời, người tiêu dùng cần tuân thủ các hướng dẫn của nhà sản xuất từ việc sửa chữa, bảo dưỡng đến sạc pin sao cho đúng, an toàn.
Theo phó giáo sư, tiến sĩ Đàm Hoàng Phúc, việc cấm sạc xe điện trong chung cư là khá cực đoan. Thay vào đó, các chung cư nên bố trí vị trí sạc pin dành riêng cho xe máy, xe đạp điện ở bên ngoài tòa nhà. Nếu không có không gian và buộc phải để xe ở tầng hầm, chung cư nên bố trí một vài khu vực để sạc pin riêng thông thoáng, gần lối ra vào, gần các vật tư PCCC và có nhân viên trông coi 24/24.
Về lâu dài, chính quyền địa phương có thể nghiên cứu và quy định bố trí quỹ đất để xây dựng điểm sạc điện công cộng cho xe máy, xe đạp điện (có thể kết hợp với công viên, sân vận động, công sở, trường học…). Các trạm sạc dĩ nhiên phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn về PCCC, có người trông coi và thu phí để duy trì. Có như vậy mới khuyến khích người dân sử dụng xe điện, hướng tới nền kinh tế xanh.
Sạc xe an toàn Theo thiếu tá Nguyễn Danh Luân (Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ - Bộ Công an), đối với xe đạp điện, khi đi về nhà để sạc, người dân cần để ở khu vực cách xa các phương tiện khác. Quá trình sạc điện cho xe phải có người giám sát. Khi đi ngủ hoặc ra khỏi nhà, người dân phải ngắt sạc, không sạc qua đêm. Đặc biệt, khi xe mới di chuyển về nhà thì không nên sạc ngay vì pin của xe còn nóng, dễ gây cháy nổ. Cũng về nội dung nói trên, Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ đề nghị người dân thực hiện sạc điện theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất để đảm bảo độ bền và an toàn khi sử dụng. Không sạc điện cho phương tiện khi phát hiện thiết bị sạc hoặc phương tiện gặp lỗi. Khi ắc quy, pin có dấu hiệu phù, nứt… cần thay thế. Sau khi sử dụng, người dân phải chờ bình điện nguội khoảng 20 phút rồi mới sạc, không sạc ngay sau khi chạy xe, không sạc quá 8 giờ liên tục, khi sạc điện cần ngắt khóa điện nguồn, nếu không sẽ ảnh hưởng đến quá trình sạc điện… Nếu lâu không dùng xe, nên sạc ắc quy, pin đầy rồi tháo rời khỏi xe; không để ắc quy, pin ở khu vực nóng, ẩm; bảo quản bình điện ở nơi cao ráo, thoáng mát… |
Chi Mai