Cảm ơn vì đã để tôi bước vào trái tim bạn!

04/12/2023 - 12:40

PNO - Nhận được bài viết bằng tiếng Anh của ông Ray Kuschert (người Úc) - cố vấn ngoại ngữ, Công ty ELCA Vietnam (đường Điện Biên Phủ, phường 25, quận Bình Thạnh, TPHCM), Ban tổ chức cuộc thi viết “Thành phố của tôi” xin dịch sang tiếng Việt và gửi đến quý bạn đọc.

Từ Úc, tôi đã dành gần 50 năm tìm kiếm nơi tôi thực sự gọi là nhà. Cuối cùng, lựa chọn TPHCM để sinh sống là điều tuyệt vời nhất mà tôi có thể tưởng tượng trong giấc mơ hằng đêm.

Ngày quay lại Sài Gòn - TPHCM

Cha tôi là lính Úc tham chiến ở Việt Nam từ năm 1965. Trong suốt những năm đầu thập niên 1970, tôi đã trải qua một cuộc sống xoay quanh khu đô thị Sài Gòn. Những tin đồn, những bình luận phiến diện từ truyền thông sau khi Việt Nam thống nhất và gia đình tôi trở về Úc khiến tôi có cái nhìn không mấy tốt đẹp về TPHCM. Tuy nhiên, niềm đam mê và mong muốn gắn kết với mảnh đất trong ký ức đã thúc đẩy tôi quay về. 

Ông Ray Kuschert trong những chuyến công tác xã hội ở Việt Nam
Ông Ray Kuschert trong những chuyến công tác xã hội ở Việt Nam

Năm 2012, tôi lên máy bay tới TPHCM. Ký ức về những ngày xưa cũ chợt ùa về trên chặng đường từ Úc đến Việt Nam. Tôi nhớ về những đêm khuya nằm cạnh chiếc radio, xoay xoay chiếc nút dò sóng, cố gắng lắng nghe giọng nói từ đài phát thanh. Tôi chợt nhận ra rằng, khoảnh khắc này là giấc mơ mà tôi mang theo hơn một nửa cuộc đời: giấc mơ được nghe lại thanh âm của Sài Gòn.

Tôi không thể quên khoảnh khắc tôi cùng gia đình bước ra khỏi sân bay Tân Sơn Nhất. Sự nhộn nhịp của dòng người và cái nóng khiến tôi bất ngờ. Tôi đứng đó vì sốc và sợ hãi như một đứa trẻ đi lạc. Bất chợt tôi ngẩng lên và thấy một người phụ nữ tuyệt vời trong bộ áo dài xanh da trời và chiếc nón lá đang sải bước giữa đám đông. Lúc bước cách tôi vài mét, cô ấy nhẹ nhàng ngẩng lên, để lộ đôi mắt trong veo dưới vành nón lá. Qua ánh mắt, cô ấy như mỉm cười với tôi và nói “chào mừng đến với TPHCM”, rồi duyên dáng lướt qua đám đông tựa thiên thần. 

Tô phở ấm giữa ngày mưa

Nếu bạn nhắc đến TPHCM với bất kỳ người Việt Nam nào trên thế giới, điều đầu tiên họ giới thiệu với bạn chắc chắn là đồ ăn. Trải nghiệm ẩm thực địa phương đầu tiên của tôi sau 40 năm chờ đợi tất nhiên là phở. Dù TPHCM còn nhiều món ngon nổi bật khác, món phở kiểu miền Nam vẫn thường được người dân địa phương lựa chọn vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày.

Tôi nhớ lúc đó đã vào giữa chiều, tôi bước xuống chiếc xe buýt du lịch từ địa đạo Củ Chi và những người bạn địa phương đề nghị chúng tôi thử một số món ăn đặc sản. Lạ nước lạ cái, tôi tin tưởng họ và chúng tôi rẽ vào một con hẻm chỉ đủ rộng cho 2 chiếc xe máy. Sau nhiều ngã rẽ quanh co, tôi thấy mình đứng giữa một con đường đông đúc với những chiếc ghế đẩu và bàn nhỏ đặt san sát nhau 2 bên. Trong ngôi nhà cạnh đó, một bà lão tất bật bên cạnh chiếc nồi lớn.

Sự chuyển động của thực khách, cảnh vật và âm thanh của quán ăn bắt đầu hướng tâm trí tôi đến những giấc mơ về TPHCM, và tôi mỉm cười khi nhận ra rằng, thực tế tốt hơn rất nhiều so với những gì tôi có thể mong đợi.

Sau đó, ngâm chân trong dòng nước từ cơn mưa nặng hạt, lắng nghe tiếng lộp độp từ tấm bạt nhựa mỏng trên đầu, tôi ngồi bên chiếc bàn nhỏ màu xanh, nhìn tô phở gà nóng hổi trước mặt, thầm nghĩ: “Nơi đây chính là TPHCM…”. Một người bạn địa phương đã giúp tôi chuẩn bị các loại rau, tương ăn kèm. Món phở gà ấm như ánh nắng xua đi cái lạnh của cơn mưa. Tôi bắt đầu cảm thấy như đang ở nhà.

Hiểu, đau và trân trọng lịch sử

Ngoài những trải nghiệm ẩm thực mà TPHCM mang lại, học tập là một phần quan trọng trong chuyến phiêu lưu của tôi. Mọi thứ bắt đầu tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh ở quận 3. “Bạn có bao giờ cảm thấy cô đơn trong một căn phòng đông người không?”. Câu hỏi đó lướt qua tâm trí khi tôi đứng hàng giờ để nhìn và đọc những câu chuyện về một cuộc chiến lẽ ra không bao giờ nên xảy ra. Tôi đã học được rất nhiều điều về phía bên kia của cuộc chiến. 

Trong một thời gian dài, tôi đắm chìm trong những định kiến, bởi một quan điểm không công bằng và thiên vị của bên gây chiến. Bây giờ, tôi có cơ hội đón nhận tất cả sự thật từ câu chuyện của những người không có lựa chọn nào khác ngoài việc đứng lên chiến đấu cho mảnh đất quê hương. Cô độc trong căn phòng đông đúc. Tôi đứng đó bàng hoàng, buồn bã rồi giận dữ khi lịch sử mở ra trước mắt mình. Tôi đã khóc và cảm thấy lạnh lẽo vì những cảm xúc khó tả chạy khắp cơ thể. Giọt nước mắt dường như rất đắng khi tôi hổ thẹn vì người dân của nước tôi đã can dự vào những điều kinh hoàng xảy ra ở Việt Nam. Khoảnh khắc đó thay đổi cuộc đời tôi mãi mãi.

Mỗi ngày trong lần đầu tiên tôi đến TPHCM là một trải nghiệm mới. Từ dinh Độc Lập đến nhà thờ Đức Bà, sông Sài Gòn và những tượng đài tôn vinh các anh hùng trong quá khứ, dòng chảy liên tục của lịch sử và văn hóa đã đưa tôi đến bước ngoặt cuộc đời mà tôi chưa từng cảm nhận trước đây. Sau 9 ngày khám phá, tôi ngồi ở sân bay Tân Sơn Nhất với một lời hứa trong lòng, rằng trải nghiệm này sẽ không phải là dấu chấm hết cho tình yêu và lòng biết ơn của tôi dành cho TPHCM.

TPHCM là ngôi nhà mơ ước của tôi

1 năm 10 ngày sau chuyến đi đầu tiên, tôi lại đặt chân đến TPHCM. Lần này không còn xa lạ, tôi mang theo 2 vali và quyết tâm thực hiện ước mơ của mình. Lúc đầu, tôi không có kế hoạch gì cụ thể và tôi nghĩ rằng, chuyến phiêu lưu này sẽ không kéo dài quá 6 tháng. Nhưng kết quả, TPHCM níu chân tôi lại suốt 10 năm qua. Bây giờ, ở mảnh đất này, tôi đã kết hôn và đạt được rất nhiều điều tuyệt vời vượt xa cả ước mơ của mình.

TPHCM nổi bật với nhiều tòa nhà cao tầng nằm dọc các con đường tấp nập giao thông. Bầu không khí đôi khi đem lại cảm giác ngột ngạt, nhưng điều đó không thể làm lu mờ nét đẹp của những con người đô thị tuyệt vời, hào phóng và thân thiện. Họ đã dạy tôi cách tha thứ, bỏ gánh nặng quá khứ lại đằng sau để có thể tiếp tục tiến bước về phía trước. Họ cho tôi thấy tình yêu thực sự có ý nghĩa như thế nào và khi tôi cần nó nhất. Bằng nụ cười cùng vòng tay ấm áp thân tình, họ trao cho tôi cơ hội trở thành “người nhà”.

Những ký ức về chiến tranh và quá khứ đã đưa tôi đến Việt Nam. Bây giờ, tôi thấy mình là một trong những người may mắn nhất thế giới vì đã chọn “bén rễ” ở TPHCM. Cho dù đó là nụ cười của một cô gái xinh đẹp, cái đập tay của một đứa trẻ, hay tiếng hô “một, hai, ba dzô” của người lạ ở nhà hàng, mảnh đất này luôn tràn ngập tình yêu, tình bạn và những kỷ niệm đẹp.

Tôi không biết làm thế nào để nói hết lời cảm ơn với TPHCM vì những gì các bạn đã dành cho tôi. Tôi vẫn nghĩ mình không xứng đáng với điều đó và tôi tin rằng mình cần phải cống hiến nhiều hơn nữa. Tấm lòng của các bạn, lòng tốt của các bạn, nét đẹp từ những con người của TPHCM đã xua tan bóng đen che phủ trái tim tôi. Mỗi khi tôi nhìn vào ánh mắt một ai đó, khuôn mặt họ bỗng như bừng sáng bởi nụ cười chào đón. Cảm ơn TPHCM vì đã để tôi bước vào trái tim của bạn và trở thành một phần trong đó. 

Ray KusChert (Tấn Vĩ dịch)

Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - TPHCM, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”.

Cơ cấu giải thưởng: 
- 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng.
- 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng.
- 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải.
- 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải.
- 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải.
- 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng.
- 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng.
- Giải tháng: 10 triệu đồng/giải.
Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý.
Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây: https://www.phunuonline.com.vn/cong-bo-cuoc-thi-viet-thanh-pho-cua-toi-a1503685.html

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI