Sau lời “em đồng ý", tôi - cô gái mới tốt nghiệp ra trường năm ấy đứng trước những thay đổi lớn nhất của cuộc đời cùng những băn khoăn, lo lắng: lấy chồng Sài Gòn, làm dâu Sài Gòn…
Nghĩa là vì một người đàn ông nên tôi sẽ gắn bó với thành phố này, nghĩa là phải xa bố mẹ, xa vùng quê tôi lớn lên… Liệu tôi có được gia đình chồng đón nhận, liệu thành phố Sài Gòn “không nhanh thì chẳng còn" với nhịp sống tất bật ngày đêm này có cho tôi cơ hội làm việc và sinh sống?
|
Làm dâu Sài Gòn, gia đình chồng giúp tôi dần hòa hợp và thích nghi với cuộc sống mới (ảnh nhân vật cung cấp) |
Nhớ ngày ấy, chị chồng hẹn tôi đi dạo Hồ Con Rùa rồi trấn an khuyên nhủ: "Em cứ xem việc lấy chồng như thay đổi chỗ làm, thay đổi môi trường, có thêm sếp mới, đồng nghiệp mới, không cần nặng nề. Nhà chị là dân Sài Gòn gốc từ thời ông bà, rất thoải mái. Không tin mời em thử “tạm trú” một năm, không ở được thì vợ chồng “chuyển khẩu” ra riêng, cả nhà vui vẻ".
Đắn đo suy tư nhiều rồi tôi... đành liều. Cũng đến ngày tôi xách vali, chào bố mẹ, chào quê hương để đi làm dâu Sài Gòn. Trước ngày về nhà chồng, mẹ thủ thỉ dặn dò phải nói năng lễ phép, đi đứng nhẹ nhàng, cử chỉ ý tứ, phải biết vun vén, tiết kiệm, nhẫn nhịn, chịu khó thức dậy trước, ngủ sau cùng, nói một hiểu mười, lấy chồng phải theo gia đạo bên chồng. Bố tôi trầm ngâm tách trà rồi nói: “Làm sao cho ra con gái gia đình có giáo huấn gia quy, được dạy dỗ tử tế”. Thế là tôi xuất giá tòng phu, gánh trên vai lời u tiếng thầy căn dặn.
Vậy mà rồi tôi ngỡ ngàng, vì làm dâu Sài Gòn… nhàn tênh đến không ngờ!
Ngày đầu về nhà chồng, tôi hình dung trong đầu cảnh mẹ chồng sẽ dẫn đi các phòng trong nhà, chỉ dặn rồi cuối cùng sẽ tập kết tại căn bếp để bàn giao công việc bếp núc. Này thì nồi ở đây, niêu đằng kia, gia vị trên kệ, hành tỏi bên hông bếp… Nhưng không, má chồng tôi chỉ nói một câu bằng biểu cảm chân thành: “Con trắng da dài tóc mà ăn vận hổng có hợp mốt. Ở với má, má tút lại cho". Tôi choáng ngang!
Má chồng tôi dân Sài Gòn chánh hiệu, thoải mái, cởi mở, đơn giản, bụng có sao thì lời nói vậy, không cần nhọc công tìm nghĩa đen đoán nghĩa bóng, không lòng vòng. Má kể xưa má là “cô Ba Sài Gòn” có tiệm may ở quận 1. Buổi sáng má thường ăn trứng ốp-la với cà phê phin; buổi tối ma ki nhê (makeup - trang điểm) mắt viền đen, cuốn tóc phi - dê, tay đeo bóp đầm tới phòng trà nghe nhạc Lê Uyên Phương, sau này thì đi xem kịch của cô Kim Cương. Má bảo “hồi đó mà chịu để dành tiền có khi giờ đã thành đại gia à nghen".
Thế rồi má dẫn tôi đi sắm quần áo. Lần đầu tôi được trải nghiệm những bộ đồ có thể mặc nguyên năm, vì ở Sài Gòn đâu có mùa đông hay mùa hè.
Đi chợ với má, tôi thấy cũng thật lạ. Đồ ăn tuy mắc hơn ở quê, nhưng người Sài Gòn không ngại ngần giảm giá cho khách, cũng chẳng thấy má tôi trả giá kỳ kèo bớt một thêm hai, vì hình như kẻ mua người bán biết nhau lâu ngày nên thành ra như người thân. Tôi bỡ ngỡ trước những thật thà “mận nay nhiều sâu, ăn ổi đi"; “cá chẽm mới ngộp, nay ăn đỡ con điêu hồng nha"...
Thấy má nói chuyện với ba ngọt như mía lùi, nhưng tôi bất ngờ khi má chẳng hề cung phụng cơm bưng nước rót cho ba như tôi nghĩ. Ba hay chồng tôi đi làm về đói thì tự lấy cơm ăn trước, ai về sau ăn sau. Bữa nào không thích nấu thì ăn ngoài hoặc mua đồ về, cả nhà thích ăn món mới như thích mặc đồ mới. Tối tối, ba chở má đi khiêu vũ. Sáng sáng, 2 người lại cùng nhau tản bộ ngoài công viên. Nghĩ đến khi lớn tuổi mà cũng nhàn nhã như ba má, tự nhiên tôi thấy có chút an lòng.
Nhà chồng tôi, mà đúng hơn là hình như cả khu xóm tôi, ít nhà nào có nhu cầu ăn sáng ở nhà. Nhịp sống tất bật, bận rộn, năng động của thành thị khiến người ta lựa chọn cách thức ưu tiên giải phóng thời gian và công sức. Ăn sáng Sài Gòn cũng là nét duyên. Chỉ cần bước ra đầu hẻm, hoặc tấp vào các quán bình dân trên đường đi gần chợ, gần cơ quan... là có đủ các món hủ tiếu, cháo sườn, cơm tấm xoay menu cho nguyên tuần. Muốn rẻ hơn, tiết kiệm hơn, nhanh gọn hơn thì 10.000-20.000 đồng có ngay trái bắp, củ khoai, trái chuối sáp, ổ bánh mì, gói xôi.
Hương vị ngon của các món ăn có lẽ đến từ sự giao thoa tứ xứ, từ mong muốn hài lòng khách thập phương của người bán. Ăn sáng Sài Gòn còn thương ở cái nét tươi cười rạng rỡ của cô bán hàng, của chú giữ xe. Dăm ba câu hỏi thăm xã giao, thư thái nhìn nhau vừa ăn vừa kể chuyện tự nhiên thấy tràn đầy năng lượng cho một ngày mới.
Cái tết đầu tiên ở nhà chồng, tôi những tưởng sẽ phải tất bật dọn dẹp, chợ búa, bếp núc, sẽ phải dính mắt vào cái bếp để làm ngày 3 bữa cỗ… Nhưng không. Ba chồng và chồng tôi có nhiệm vụ mua gà, hoa tết, xịt rửa nhà cửa, xe cộ còn má chồng tôi chỉ cần gọi điện thoại một vòng là mứt, kẹo, bánh chưng - bánh tét, lạp xưởng, dưa mắm, trái cây giao đầy đủ hết. Má giục tôi đi làm tóc, nối mi rồi 2 mẹ con diện áo dài có bộ ảnh tết trên đường hoa Nguyễn Huệ.
Chiều 30 tết, sau khi đã nấu xong nồi thịt kho tàu và nồi canh khổ qua, má lôi bộ đồ làm móng ra để má con chăm chú tỉa tót sơn phết rồi cả nhà ra quận 1 xem pháo hoa. Tết Sài Gòn của tôi nhàn tênh như vậy.
|
Con gái tôi và bà nội ngắm Sài Gòn về đêm (ảnh nhân vật cung cấp) |
Sài Gòn mưa nắng thất thường, nên tính tình của người Sài Gòn cũng buồn đó, hờn đó rồi lại thôi đó. Có lần tôi bị má chồng la, tưởng đâu má giận rồi, vậy mà 30 phút sau bà lại cười nói vui vẻ. Người Sài Gòn hình như không giận ai lâu bao giờ.
Tôi đi làm tại cơ quan cũng thấy nét tính cách này nơi những đồng nghiệp. Họ có thể là dân Sài Gòn gốc, có khi là người từ những tỉnh miền khác, nhưng đều chung một nét là ít khi chấp nhặt, giận hờn, luôn cởi mở và thật tình. Ít khi họ ăn nói văn vẻ hoặc lời hoa mỹ với nhau, nhưng tính tình thoáng lắm. Thoáng trong suy nghĩ và thoáng trong hành động, không nặng nề định kiến, luôn dang tay chào đón những điều mới mẻ, dòng chảy của thời đại.
Bây giờ, khi làm dâu Sài Thành tròn 10 năm, tôi đã có quê hương thứ hai. Nhớ lại lời dặn khi xưa của chị chồng, tôi đã có câu trả lời: Sài Gòn ơi cho tôi “nhập khẩu" để làm phụ nữ Sài Gòn.
Mộc Miên
Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, phường 4, quận 3, TPHCM, ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn, tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”. Cơ cấu giải thưởng: - 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng. - 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng. - 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải. - 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải. - 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải. - 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng. - 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng. - Giải tháng: 10 triệu đồng/giải. Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý. Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây: https://www.phunuonline.com.vn/cong-bo-cuoc-thi-viet-thanh-pho-cua-toi-a1503685.html |