Cảm ơn những ký ức thân thương

08/10/2022 - 12:05

PNO - Như một người đang chậm rãi lật từng trang album ảnh, tác giả Minh Phúc dẫn dắt bạn đọc vào vùng ký ức của mình - những ký ức đầy riêng tư nhưng lại thân thương đến vô cùng.

Khi nói lời cảm ơn nghĩa là chúng ta đang giàu có. Người đọc có thể nhận ra điều này trong tập tản văn Cảm ơn vì đã cạnh bên (Nhà xuất bản Trẻ) của tác giả Minh Phúc - một tập tản văn nhẹ nhàng, như một lời tri ân về những ký ức thân thương. 

Sau Cảm ơn vì đã được thương ra mắt cách đây hai năm, Minh Phúc tiếp tục gửi đến bạn đọc Cảm ơn vì đã cạnh bên. Đọc hai tập sách ra đời cách nhau không lâu, dễ nhận thấy Minh Phúc viết tản văn rất có duyên, giàu cảm xúc và tinh tế. Với ba phần: Nhà, Nhớ Thương; Cảm ơn vì đã cạnh bên tập hợp 35 bài viết về những ngày tháng thân thương nơi quê nhà hay những cảm xúc nhẹ nhàng, sâu lắng và đẹp đẽ về con người cũng như cuộc sống xung quanh. 


Theo lộ trình của đời người: sinh ra - lớn lên - già đi, mỗi ngày ta sống cũng là lúc ta gom nhặt ký ức cho mai sau của mình. Việc “gánh quá nhiều ký ức” có thể khiến ai đó thêm phiền não, nhất là khi đang trong hoàn cảnh có nhiều điều bất như ý. Nhưng, giống như chia sẻ của tác giả, “đâu có ai nghĩ những câu chuyện lúc mình 5, 7, 12 tuổi rồi sẽ thành ký ức. Mình không giữ chúng, không giữ những mảng nhỏ nhoi đời sống này như vậy thì ai đâu sẽ làm thay”. 

Vì “ai đâu sẽ làm thay”, tác giả đã cần mẫn gom nhặt từng khoảnh khắc trôi qua, làm nên sự giàu có cho ký ức của mình. Kỳ diệu làm sao, có những thứ ký ức “cứ lặng lẽ ở đó, thậm chí mọc rễ và bén đất”. Để rồi, “trong một thoáng thiếu cảnh giác, chúng ra nhánh lá xanh, đơm cái nụ”. Cây ký ức kia, khi đó, lại trở thành nơi nương náu, cho ta khoảng không gian mát lành - giống như cây hạnh, “sống lặng lẽ góc sân, nối lại những đứt rời và thấu suốt mọi lẽ đời bằng lòng vô ưu độ lượng” (Cây hạnh xôn xao).

Như một người đang chậm rãi lật từng trang album ảnh, tác giả Minh Phúc dẫn dắt bạn đọc vào vùng ký ức của mình - những ký ức đầy riêng tư nhưng lại thân thương đến vô cùng. Ở đó có cái túi áo vải nâu gài kim tây của bà nội, đến nỗi sau này, người cháu đã mua cả một hũ đầy kim tây loại lớn như vậy chỉ để ngắm. Qua một tấm hình khác là những chiếc giỏ đệm, giỏ cói ở cái “năm một ngàn chín trăm hồi đó” hiện lên đầy chân thực, sinh động. Là cái giỏ cói đựng đồ lề ăn trầu của bà ngoại được làm thủ công khéo léo; thậm chí, tác giả nhớ đến cả những chi tiết nhỏ xíu - “có cái chỗ thắt nút hoa hồng hẳn hoi để gài miệng giỏ”. Rồi chiếc giỏ đệm đi chợ của má, những chiếc giỏ nhiều kích cỡ “để cần khi mua nhiều đồ, mua ít đồ, mua vừa đồ đều có thể xách đi cho hợp lý, gọn gàng”. 

Dẫu đầy riêng tư, dường như những trang viết của Minh Phúc đang gọi tên và làm sống lại ký ức của một thời, một thế hệ. Và bởi vì vẫn luôn tha thiết với ký ức, chị như người hụt hơi khi nhận ra: “Những cái tết bây giờ cứ trôi qua nhanh mà không có gì đậu lại, không có gì bám hơi. Đám con cháu ào về nhà, ồn ã tiệc. Bia rượu tràn trề quắc cần câu. Lại lôi loa thùng ra hát ầm ĩ”. Trong khi những người xa xứ, dẫu nhớ tết quắt quay cũng chỉ biết “gói ghém trong niềm mong ước cũ kỹ, rằng dẫu sao thì nhìn thấy ngoài sân còn luống cải xanh, biết má còn khỏe. Biết cái tết ở trong lòng mình hẳn còn trọn vẹn được ít nhiều năm nữa”. 

Với Cảm ơn vì đã cạnh bên, tác giả Minh Phúc như đang bày biện bữa tiệc của ký ức để chiêu đãi bạn đọc. Khép lại 240 trang sách, sau khi đã thưởng thức bữa tiệc nhiều phong vị và hương thơm kia, bạn đọc hẳn cũng không quên dành lời cảm ơn đến người đầu bếp tận tình. 

Thành Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI