Cảm ơn những đứa trẻ

19/11/2023 - 06:22

PNO - Tình thương mến thầy cô chưa bao giờ vơi, sự ngây thơ, cả những lỗi lầm của các em đã ít nhiều níu giữ và giúp người thầy đứng vững trên bục giảng cũng như hoàn thiện bản thân.

Tháng Mười một

Vẫn là tháng của những đêm dài bên xấp bài kiểm tra chi chít chữ. Những con chữ tiếng mẹ đẻ ngày càng ngoằn ngoèo, nằm ngang dọc, ngông nghênh không hàng lối. Những tờ giấy học trò trong tay tôi bỗng nhiên trở nên nặng. 

Không dưng lại lẩn thẩn hoang mang như một người bị bỏ rơi khi nghĩ đến vài năm gần đây, bước vào lớp, có những điều mình thấy hay, ý nghĩa, thậm chí rơi nước mắt nhưng khi chia sẻ, bọn trẻ ngồi trơ trơ tựa nghe, xem một thứ tiếng nước ngoài. Có khi nào mình đã không biết cách? Hay có cái gì đó mình chưa hiểu? Học thấu hiểu người khác, nhất là trẻ, có bao giờ là việc dễ dàng. 

Hơn một lần tôi đã nghĩ, những tờ giấy học trò này không biết mình còn cầm được bao lâu. 

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Tháng Mười một

Học sinh í ới tập văn nghệ, làm tập san, thiệp, thi kéo co: “Chào mừng ngày nhà giáo, cô ơi!”. Tôi nghe lòng chộn rộn. Tựa những ngày giáp tết trong ký ức ấu thơ nghe bà nội, nghe mẹ thì thầm “Tết rồi!” là dạ cứ nôn nao, hớn hở như chờ gặp lại một người rất thân thương.

Nhìn đội kéo co dặn dò nhau từng chút, trai hít đất khởi động, gái cột tóc, tô son, cả lớp hí hửng kèn trống, bạn nào đó còn mua mớ tóc giả đủ màu chia nhau dán lên đầu cho “có không khí quyết chiến”, tôi không nín được cười, niềm vui thơ trẻ ở đâu tràn ra đầy ăm ắp. Nắng trưa Sài Gòn giòn rụm, cô trò hò hét cười nói, ôm nhau đến mấy ngày còn nghe ấm áp. 

Lại nhớ năm nay tôi có dạy một lớp hơn 2/3 nam sinh. Loi nhoi, ồn ào, lần nào đứng trên bục giảng nhìn xuống, tôi đều có cảm giác những cái bàn nhỏ tựa hồ phải mọc ra tay chân mới vất vả níu giữ nổi các vị chủ nhân của mình. Nhưng cũng chỉ giây lát là tụi nhỏ phải ngọ ngoạy, phải quay xuống quay lên, phải khều phải nói, phải kiếm cái gì để cười ầm lên.

Tuần đầu tôi vừa chơi, vừa dỗ vừa dạy, hết tiết, bước ra khỏi lớp, mệt như vừa dạy một mạch 3 tiết. Rồi có một ngày, bị cảm, người mệt nhoài, tôi uống vội mấy viên thuốc rồi bước vào lớp, cố hết sức để dạy trong tình cảnh… cúp điện. Vẫn vậy, thậm chí còn mệt mỏi hơn mọi hôm. Nước mắt ở đâu chảy ra không ngừng lại được - những giọt nước mắt mà gần nửa đời đứng trên bục giảng, tôi luôn tự nhủ phải kìm nén vì trẻ con thì khó tránh khỏi lỗi lầm, phải hiếu động; ta cần yêu thương, kiên nhẫn…

Mấy ngày sau tôi vào lớp, bàn ghế không nghiêng ngả xiêu vẹo, bảng sạch bong, hơn 30 “ông tướng” ngồi ngay ngắn, có ông nào quên, còn loi nhoi là mấy ông khác lừ lừ nhìn đầy vẻ đe dọa. Tôi bụng bảo dạ, không biết được mấy ngày đây. Hơn 1 tháng trôi qua, vẫn ngay ngắn, vẫn sạch sẽ, vẫn chăm chú; giờ thuyết trình phim hài hước, gãy gọn, công phu đầy cá tính…

Tôi nghe dấy lên từ thẳm sâu trong lòng tình thương và sự biết ơn học sinh mình sâu sắc. Tình thương mến thầy cô chưa bao giờ vơi, sự ngây thơ, cả những lỗi lầm của các em đã ít nhiều níu giữ và giúp người thầy đứng vững trên bục giảng cũng như hoàn thiện bản thân.

Nghe như câu hát bà nội ru em thuở nào: “Sinh con rồi mới sinh cha/ Sinh trẻ giữ nhà rồi mới sinh ông”.

Tháng Mười một

Trong đêm vắng, tôi nâng niu chiếc phong bì nặng trĩu, mấy tháng rồi chưa dám mở. Thư của lớp chủ nhiệm năm trước gửi cô ngày chia tay. Từng tờ giấy hình trái tim nho nhỏ rơi ra. Không nhiều chữ nhưng đầy đủ. 44 khuôn mặt không thiếu một ai. Từng trái tim là từng cái tên thân thuộc; từng chữ là từng cá tính, thói quen.

Tôi như nhìn thấy đây mái tóc dài sóng sánh thanh tân, kia cái vòng tay hài hước, nọ đôi mắt tròn ánh lên sáng rực thông minh… Tôi như nhìn thấy những trận cười, những cái ôm, những giọt nước mắt ngày rời xa thời áo trắng….

Trong đêm vắng, lau lớp kính mắt mờ sương, đọc sách, soạn bài, tôi thầm nói với mình: “Cảm ơn những đứa trẻ trên đời…”. 

Triệu Vẽ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI