Mẹ khởi sự làm “cái vườn trên sân thượng” vì mẹ thích những mùi hương dân dã: lá dứa, sả, chanh, tắc, hương nhu, húng quế. Thỉnh thoảng, thỉnh thoảng thôi, khi thu hoạch từ vườn nhà một ly trà chanh sả, hay một đĩa xà lách, một tô canh rau chùm ngây, mẹ thường hào hứng khoe: “Rau nhà trồng đó con”. Hôm nào dây bí, dây dưa nở hoa vàng, đơm trái nhỏ, mẹ lại í ới gọi con lên xem và dặn như ông bà dặn hồi xa xưa: “Nhìn chút thôi, nhìn hoài trái nó mắc cỡ không lớn nhe con”.
Mảnh vườn nho nhỏ trên sân thượng dần dần thành chỗ chơi của con. Con bắt đầu gieo hạt đậu đen, đậu xanh, mỗi ngày lên thăm và tưới nước. Cây đậu lớn, ra trái, hạt vừa đủ một nắm tay. Con thu hoạch đậu đếm bằng hạt, được 93 hạt. Cây đậu dễ trồng, lớn nhanh, ra hoa, có quả, có hạt, một loại cây khá hoàn chỉnh để con có thể quan sát cả một quá trình từ lúc sinh ra cho đến lúc trưởng thành.
Đúng là có trồng cây mới biết, mình hiếm khi ăn vì… tiếc, vì trồng một cái cây, đợi chờ nó lớn, lâu ơi là lâu. Những hạt đậu con thu hoạch được, mẹ “rủ” để dành chừng 10 hạt làm giống thôi, còn thì đưa mẹ hấp cơm, nhưng con nhất định không chịu, cứ cất đến khô queo.
Từ lúc có vườn cây, mẹ con mình thêm một thú vui. Mẹ rủ các con dậy sớm, mỗi người cho mẹ mượn một bàn tay, lùa tay vào những khóm cây, rồi nhắm mắt lại, hít một hơi thật sâu, cả người như được ướp hương. Tay chạm khẽ vào cây nào, thơm nồng mùi hương ấy, nhất là hương thảo, tưởng chừng chỉ cần đi ngang qua là nghe mùi hương lạ lùng. “Vườn trên cao” của mình chỉ còn thiếu một ngôi nhà nhỏ cho bồ câu về ở để con có thể nghe tiếng chim gù mỗi sáng. Nhưng chưa làm nhà cho chim, mẹ đã phát hiện ra bồ câu nhà hàng xóm mỗi sáng đập cánh gù gù ngang cửa sổ.
Những sáng mùa hè, mấy mẹ con lên sân thượng tưới cây và nghe chim hót. Từ mảnh sân con con ấy, con biết thế nào là gia vị, con biết mùi lá dứa ra làm sao, dùng để làm gì. Con biết hái lá cây sả cho mẹ đuổi côn trùng, biết phân biệt bông bí khác với bông mướp, bông đực khác bông cái. Biết hoa cà tím, hoa lựu đỏ, biết ong đã thụ phấn cho hoa bằng cách nào… Cũng từ đây, mẹ con mình đã phát hiện ra bao nhiêu điều thú vị:
Cây nghệ ra hoa đẹp vô cùng, màu trắng phơn phớt tím, phơn phớt hồng. Mong manh và lộng lẫy - thật lạ, sao hai tính từ này có thể kết hợp chung trên một loài hoa thôn dã như vậy nhỉ?
Lần đầu tiên con biết một con chuồn chuồn kim xanh biếc. Mai mốt không biết con có nhớ không, rẻo vườn này lần đầu tiên con thấy một con chuồn chuồn kim.
Một ngày mẹ “kiếm chuyện” trồng một ít rau, định để nấu canh cho các con. Những cây cải lên còi cọc, nên mình không hái. Một sáng kia, hoa cải nở hoa vàng. Mấy nhúm hạt thì là cũng lên được vài cây con con. Không biết ăn làm sao, vì quá ít, nên mẹ cứ ngày ngày tưới nước. Cây thì là cũng tranh thủ trổ những bông li ti màu vàng nhạt. Thế là mình trồng rau mà có hoa. Mẹ cứ để vậy. Và hoa cứ nở. Một sáng dậy trễ, mấy mẹ con phát hiện ra một bình hoa thì là và hoa cải trong nhà. Hoang dại và trong trẻo. “Tác giả” của bình hoa hỏi con trai: “Hoa đẹp không con?”. Con trả lời: “Đẹp, đẹp như mẹ vậy đó”. Trời! Cảm ơn con, không chỉ vì con khen mẹ đẹp, không bởi vì con khen hoa đẹp, mà bởi vì con đã cảm nhận đẹp về mẹ và về hoa cải. Cảm ơn con… Mẹ quay sang trêu “tác giả” của bình hoa: “Hôm nay anh đã được học một bài học tinh tế về nghệ thuật tán tỉnh”.
|
Các bé đang thu hoạch ổi trong chương trình Kid's Camp. |
Một buổi kia, con bị đau mắt đỏ. Mắt sưng, con sốt, trằn trọc không ngủ được. Con trở bên này bên kia, chơi cái kia cái này một hồi… Gần chiều, đột nhiên con nhảy bổ vào phòng mẹ: “Mẹ, con đi tưới cây”. Đôi mắt con bừng sáng, giọng nói phấn khích, như thể con vừa tìm ra châu Mỹ. Mẹ theo con lên lầu tưới cây. Ngay khoảnh khắc đó, mẹ tự nói với chính mình: "Mẹ sẵn sàng đổi rất nhiều thứ để có được cái niềm vui - sự rạng rỡ của con - mẹ gọi đó là phép màu. Cảm ơn vườn cây nhỏ đã cho mẹ nhìn thấy sự hân hoan của con". Khi mẹ cầm vòi tưới định tưới giùm con cây nha đam gai góc, con nói: “Tưới cây là việc của con. Nhìn con tưới cây là việc của mẹ”. Làm sao để nhìn bất cứ điều gì, làm bất cứ điều gì, nói bất cứ điều gì cũng bằng ánh mắt trong vui, bằng một cú nhảy hân hoan, bằng giọng điệu đầy vui sướng - như con tìm ra việc tưới cây giữa buổi chiều không ngủ được.
|
Bé Nếp, con gái tác giả đang nhổ cỏ cùng ông ngoại. |
Nhà hàng xóm có một cái cây. Cây gì không rõ, chỉ biết là bọ rầy phủ trắng. Lần nào đi bộ ra công viên, ngang qua cái cây, bọn trẻ cũng thương xót: “Mẹ ơi, tội nghiệp cái cây bị bọ rầy”. “Ừ, nhưng cây của nhà hàng xóm - nhà này mình không quen, đừng đụng vô”. “Nhưng mà con tội nghiệp cái cây, mẹ ơi”. Mẹ nghe, nhưng rồi quên, còn đám trẻ thì không, dù chúng khá sợ các loại côn trùng. Con gái chạy về nhà lấy khăn giấy ướt, lau hết bọ rầy trên cây. Lâu lâu đi ngang qua, con gái sung sướng chỉ cho mẹ: "Mẹ coi cái cây nó vui lên kìa mẹ kìa, lá nó xanh và mọc nhiều hơn".
Hàng xóm bán nhà, trong lúc dọn đi, chủ mới chưa tới, cái cây không ai tưới - trừ con. Mỗi lần đi ngang qua, con lại mang theo ca nước. Rồi chủ nhà mới lại cho người khác thuê nhà. Không có cái cây trong… nhóm tài sản cần được gìn giữ nên cái cây lại trắng xóa bọ rầy. Con ngậm ngùi: “Mẹ, cái cây lại bị bọ rầy”, “Mẹ, ai đó đã chặt cái cây rồi, chắc bị bọ rầy nhiều quá”. Chiều nay, đi ngang qua cái cây ấy, con reo lên sung sướng: “Mẹ ơi, cái cây bị chặt trụi lủi, vậy mà nó vẫn mọc lên hai chiếc lá xanh”. Nói rồi, con để mặc mẹ đứng đó, chạy vào nhà mang một ca nước đem ra tưới. Con làm mẹ nhớ đến hồi sau tết, có ai đó chưng xong đã quăng cây tắc ra đường, cây tắc trụi lủi xác xơ, mấy cha con thương cây bèn đem vô nhà trồng. Không ngờ cây tắc xanh lại, nở hoa trắng cây và đơm những trái to tròn, thơm ngát. Mẹ hay nhìn cây tắc như một điều kỳ diệu. Cây tắc làm mẹ nhớ đến một ý thơ: cảm ơn hoa đã vì ta nở. Mẹ nghĩ, hẳn đôi lá kia đã vì con mà lên xanh. Nói làm sao hết những điều kỳ diệu mà cây cỏ đã dạy cho ta, phải không các con?
Bé Huỳnh Phương Anh: Con ước nhà mình có một khoảnh vườn Năm ngoái, con tham gia cuộc triển lãm về tái chế. Hôm đó con mới biết cây có thể trồng và chăm sóc tốt trong các loại chai lọ bỏ đi như chai nước suối, lon Coca hoặc hũ yaourt. Hôm ấy, con mang cây xương rồng con trồng trong triển lãm để về nhà chăm sóc. Từ đó, con mê trồng cây, làm vườn luôn. Nhà con không có đất rộng, con chỉ làm gì mẹ cho phép như gieo một cây dưa leo và chờ nó ra hoa. Cái cây xíu xiu, hoa cũng nhỏ. Nhưng nhìn nó bò lên, he hé nụ, con muốn nín thở luôn. Hồi hộp lắm ạ. Con ước nhà mình có một khoảnh vườn để con tự tay trồng các loại cây yêu thích. Bé Phạm Hoàng Hà Chi: Con thích nhất cây nha đam Mùa hè con không phải đến trường nên được ba mẹ cho về thăm ông bà nội. Nhà nội có vườn cây trái sum sê, con được làm bạn với các loại cây cỏ, hoa, lá. Con biết rất nhiều cây và rau. Ở Sài Gòn con cũng được theo ba mẹ ra vườn chăm sóc những luống rau con con và những chậu mùng tơi, ớt, quế. Mỗi sáng mẹ đều cho con tưới cây, hái rau; theo dõi trái dưa leo, mướp đắng lớn lên mỗi ngày. Mẹ không thích con nghịch đất đâu, nhưng ba nói với mẹ phải để con cảm nhận thiên nhiên. Ba còn mua cho con cái bình tưới bé xíu, rất dễ thương. Ba dạy con biết tên từng loại rau, hoa và mùi thơm của nó. Mẹ hay khen rau ba trồng ngon lắm, ăn không lo bị bệnh. Con thích nhất cây nha đam. Vì mẹ hay hái nấu chè, ăn rất ngon, mẹ còn đắp mặt cho đẹp da nữa. Mẹ cho con chăm sóc riêng một chậu, con mong cây mau lớn để mẹ tha hồ làm đẹp. |
BAN MAI