Cảm ơn kỷ luật sắt

26/12/2019 - 09:32

PNO - Tôi cũng từng giận hờn, thậm chí “để bụng” những khi ông bà, cha mẹ trách mắng hay răn dạy. Nhưng giờ đây khi nhìn lại tất cả, tôi thấy mình nợ họ một lời cảm ơn và xin lỗi.

Chị là một phụ nữ kỹ tính, tỉ mỉ và sắc sảo. Đôi khi tôi cũng khá bất mãn với lối dạy con của chị. Tôi cho rằng chị quá khắt khe với cô bé còn đang tuổi ăn tuổi chơi. Có khi chứng kiến chị bắt con bé phải làm lại một việc gì đó mà cô nhỏ đã thực hiện nhưng không vừa ý mẹ, dù lúc ấy ngày đã sang đêm hay muộn giờ.

Cam on ky luat sat
Ảnh minh họa

Chị khiển trách khi con bé đang đứng ở ranh giới giữa việc làm đúng và sai, chứ chưa hẳn đã sai hoàn toàn. Và còn nhiều việc mang tính “kỷ luật sắt” khác nữa. Tôi thấy tội nghiệp con bé và thầm trách chị. 

Thế nhưng giờ đây khi quan sát cô bé ấy - nay đã là một thiếu nữ - ở những thời điểm khác nhau, trong những tình huống và khía cạnh đa dạng… tôi lại trộm nghĩ, không thể phủ nhận rằng chị là một người mẹ thành công khi giáo dục nên một con người tử tế và có ích, không chỉ cho riêng bản thân nó, mà còn với những người xung quanh.

Cùng độ tuổi như cháu, nhiều bạn còn trông cậy vào ông bà, cha mẹ, hay người giúp việc phục vụ từ việc ăn uống, dọn dẹp phòng, cho đến làm một việc đơn giản cho người thân, chứ chưa nói đến những việc “vĩ mô” hơn.

Ấy thế mà, cô gái nhỏ ấy đã có thể nấu một bữa ăn hoàn chỉnh cho cả nhà, từ khâu chọn mua nguyên vật liệu cho đến việc dọn dẹp. Thậm chí cháu còn có thể chăm sóc người thân khi bị bệnh, đưa đón em đi học và tham gia mọi việc lớn nhỏ trong gia đình. 

Một bữa, hai mẹ con đến nhà tôi chơi. Sau khi ăn xong, cô bé tự đứng dậy dọn dẹp mà không đợi ai nhắc nhở. Thấy cô nhỏ diện bộ đồ đẹp nên tôi bảo cháu không cần rửa vì sợ ướt và dơ đồ, nhưng cháu vẫn xắn cao ống tay áo và bắt đầu làm.

Cháu nói: “Mẹ cháu dạy, người khác có thể vì lịch sự nên sẽ bảo mình không cần phải làm, nhưng mình cũng phải biết lịch sự để không vì câu nói “đừng làm” mà không làm thật”. Cháu còn hát đùa với tôi: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai…”.

Cam on ky luat sat
Ảnh minh họa

Tôi ngỡ ngàng trước câu trả lời của cháu, và càng khâm phục chị trong cách giáo dục con. Tôi nhớ lại mình đã từng nhiều lần vì lịch sự mà nói như thế với người khác, nhưng không mấy ai “phản đối” và làm khác đi, ngay cả những người lớn. 

Tôi lại nhớ đến đứa em họ mồ côi mẹ từ nhỏ, đã từng được tôi thương yêu đùm bọc. Một lần nó nói với tôi: “Em rất biết ơn chị vì đã chỉ dạy em từ những điều nhỏ nhất. Lúc em bước ra đời và sống với những người xa lạ, em được nhiều người khen ngợi và yêu quý vì tính kỷ luật.

Mọi người khen em cái gì cũng biết làm, lại còn biết nghĩ cho người khác. Có đứa bạn gái còn ngưỡng mộ cách em xếp quần áo gọn gàng, chỉn chu. Nó nói, nó không thể làm được như vậy”. 

Em nói, ngày xưa em từng buồn khi bị chị la rầy, bắt em phải thế này thế kia. Nhưng đến khi thật sự trưởng thành, em nhìn lại và biết ơn chị vô cùng.

Ngày còn nhỏ, tôi cũng từng giận hờn, thậm chí “để bụng” những khi ông bà, cha mẹ trách mắng hay răn dạy. Nhưng giờ đây khi nhìn lại tất cả, tôi thấy mình nợ họ một lời cảm ơn và xin lỗi. 

Tôi nhớ hồi nhỏ bà nội hay “bắt” tôi đi chợ cùng, gặp gì cũng “thuyết minh”. Bà chỉ chờ tôi học bài xong là “sai vặt” đủ thứ, từ việc cắt cây chuối cho heo ăn, dọn chuồng heo, vớt củi, đi xay lúa, xúc trấu, lựa cá ủ mắm, làm giá đỗ, nhóm bếp củi, nhặt gạo… Những lúc ấy, tôi chỉ biết hậm hực vì không được đi chơi, hay được làm thứ mình thích.

Nhưng bây giờ, khi bà nội đã về với cát bụi, tôi lại nhớ sao là nhớ những kỷ niệm ngày ấy. Bởi những gì ngày xưa tôi từng cho là thừa thãi, mất thời giờ, cực nhọc… thì giờ đây tất cả đều là chất liệu sống và những tư liệu quý cho hành trình trở thành một người lớn tử tế. 

Hãy trân quý những bài học đầu tiên, từ những “người thầy” đầu tiên. Bởi đến khi chúng ta thật sự hiểu được giá trị của chúng, có khi là trong niềm ân hận. 

Phạm Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI