Cảm ơn em

04/05/2013 - 16:22

PNO - PNCN - Vậy là con gái đã tròn hai tuổi. Vợ chồng mình cưới nhau hơn ba năm. Nhìn em từng bước trở thành “người của nhà mình”, anh vừa thấy mãn nguyện, vừa thấy xót xa.

Em vốn là cô sinh viên kiến trúc mới ra trường, lãng mạn, cá tính. Anh vừa là một tay nhiếp ảnh ngông ngạo, vừa là thằng con trai độc đinh của một gia đình làm nghề may gia công. Xưởng may của ba mẹ đã cùng anh lớn lên; từ nhỏ, anh loáng thoáng biết rằng, mai sau, dù mình có đi đâu thì cũng sẽ đến ngày quay về, thay ba mẹ quản lý cơ nghiệp này.

Nhưng từ khi nhận ra niềm đam mê của mình với những thước ảnh, anh bước đi ngày một xa với niềm mong mỏi của mẹ cha. Chiều con trai, ba sắm sửa đủ thứ để anh theo đuổi đam mê, với niềm tin rằng, bay nhảy chán chê thì anh sẽ quay về.

Cưới em, lẽ ra đã tới lúc phải nghiêm túc suy nghĩ về chuyện nối nghiệp, thì anh lại càng thờ ơ trước mọi nhắc nhở của cả nhà. Anh phản kháng bằng những hợp đồng chụp hình ngoại cảnh, với những chuyến đi tỉnh dài ngày. Em sinh con ở nhà chồng, vốn đã chịu nhiều thiệt thòi, lại bị đặt ở giữa niềm kỳ vọng, sự mong ngóng của ba mẹ, và sự “hồn nhiên” của anh. Nhiều lần em thay anh lên tiếng với ba mẹ, rằng em hiểu, lãng tử như anh mà đi kinh doanh, thì vừa bi kịch cho anh, vừa gây họa cho xưởng may nhà mình. Nhưng, đâu còn lựa chọn nào khác, ba mẹ chỉ còn anh để gửi gắm cơ nghiệp mà họ cả đời gầy dựng. Nhiều khi không khí gia đình căng thẳng quá, em chịu áp lực rồi tự trách mình: “Phải chi anh lấy được cô vợ ít mơ mộng mà thực tế, tháo vát hơn em, để có thể thay anh gánh vác việc nhà”.

Cam on em

Con gái được gần một tuổi, em vẫn chưa trở lại công ty. Anh phát hiện thấy em hay ra xưởng may phụ mẹ. Rồi em hăng hái đi học may. Anh vô tâm đâu nhận thấy điều gì. Đến khi anh thắc mắc về chuyện đi làm của em, mới hay, em đã quyết định “thế thân” cho mình.

Em lắc đầu nguầy nguậy, em rất hài lòng với quyết định của mình, nên không chấp nhận hai chữ “thế thân”.

Anh nhận thấy mình đã yên lòng một cách ích kỷ, khi em dần vừa vặn với công việc ở xưởng may. Nhưng nhìn em xông xáo đi khắp các cửa hàng thay mẹ chào bán sản phẩm, anh thương đứt ruột. Em về nằm vật vã ra giường vì mệt, mà cứ kể bao nhiêu chuyện vui ngoài xưởng may để anh yên tâm, rằng em đang rất hào hứng với công việc của mình. Nhưng, biết bao nhiêu niềm vui mới đắp đổi được ước mơ mà em đã từ bỏ, để đổi lấy tự do của anh?

Em có một lý do rất giản dị để làm tất cả những điều ấy, là vì, “đó là xưởng may đã nuôi lớn chồng em”, là vì em biết ơn nó. Hơn hết, em chấp nhận cuộc sống ấy, để vẫn còn được thấy hình ảnh của một tay nhiếp ảnh tràn đầy đam mê đã làm em yêu.

Có lẽ, cả đời này anh vẫn sẽ không thôi cảm thấy biết ơn em - cái cảm giác hàm ơn làm anh luôn muốn mình sống tốt hơn, tuyệt vời hơn, cho anh động lực để rời xa mọi cạm bẫy trên đường về nhà.

Minh Anh

Từ khóa Cảm ơn em
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI