Đó là người đàn ông mà tôi đã ở bên cạnh suốt sáu năm. Trong sáu năm đó chúng tôi đã có với nhau rất nhiều niềm vui và tôi phần nào hiểu được rằng anh ấy chưa có ý định có con.
Khi ấy, tôi ở tầm độ tuổi lưng chừng giữa 30 và 40, cảm thấy cuộc sống chông chênh với thời khóa biểu ngày đi làm, tối về đối mặt với căn phòng trống trải, những cái hóa đơn phải trả vào cuối tháng, vài ba cuộc hẹn tán gẫu bạn bè vào cuối tuần…
Tôi khao khát có một đứa con, tôi khao khát có một gia đình với anh. Tôi đã mường tượng ra cuộc sống hạnh phúc với “gia đình và những đứa trẻ”. Tôi quyết định để mình có thai với hy vọng tình cảm sáu năm đó đủ để anh dừng chân bên tôi.
|
Con đã giúp tôi đi qua hết những khó khăn - Ảnh: tác giả và con gái) |
Lần ấy, tôi cố tình không uống thuốc tránh thai. Tôi hồi hộp chờ đợi, vừa lo lắng vừa hoang mang. Que thử hai vạch như tôi mong đợi. Tôi vẫn nhớ đó là một buổi tối cách đây bốn năm, tôi báo với anh rằng tôi có thai được tám tuần. Anh im lặng rất lâu, sau đó anh nói: “Em biết rõ anh chưa muốn nhưng vẫn cố tình làm!”, rồi anh bỏ ra về.
Và anh không liên lạc trở lại, tôi có vài lần tìm anh, nhưng anh báo bận. Tôi hiểu anh muốn như thế nào, và tôi đủ thấy tổn thương để không tìm anh nữa. Những tháng đầu của thai kỳ, con hành quá, tôi gần như lả người vì nghén. Nhưng tôi vẫn cố gắng không bỏ việc. Bởi còn ai nuôi tôi và con đâu, ngoài bản thân tôi. Tôi nhớ những tối lả người ôm toilet, khóc không biết bao nhiêu lần vì thương thân mình, thương con.
Sau đó, ba mẹ tôi cũng biết tin, dù tôi không sống chung với ba mẹ. Mẹ gởi tối hậu thư kêu tôi về nhà ngay trong đêm. Vừa bước chân qua cửa, ba tôi đã quăng ngay tờ báo đang đọc, giận dữ. Mẹ tôi khóc và than thân trách phận.
Tôi đứng đó như tội nhân. Tôi đủ khổ rồi mà, tôi đâu muốn kéo ba mẹ mình vào nỗi khổ đau như vậy. Ba đuổi tôi đi, tuyên bố từ mặt vì việc có thai không chồng là nỗi nhục của dòng họ. Danh giá của gia đình không thể đánh đổi chỉ vì sự hư hỏng của tôi. Mẹ tôi không dám lên tiếng, chỉ rụt rè gọi đứa em đưa tôi về nhà trọ.
Trên đường về, em tôi lên tiếng trách tôi sống không đúng, em gái hỏi tôi: “Rồi chị tính nuôi con thế nào? Tiền đâu mà sống? Đứa nhỏ cần nhiều thứ chứ không phải chị thích là sinh”.
Tôi gần như không còn sức để nói được gì, chỉ có thể lê chân vào được đến phòng trọ và đổ gục trên giường. Tôi thấy sao phụ nữ khổ quá, cuộc đời giống như chỉ sống cho người khác và vì người khác rồi bị đẩy đến khoảnh khắc mất hết điểm tựa.
Đêm đó tôi đã muốn từ bỏ cuộc sống này. Nhưng rồi khi con đạp đạp vào bụng, tôi liền bừng tỉnh và nhận ra rằng: “Đây là con đường mình đã lựa chọn. Mình còn con mà!”. Con đâu có tội gì, con tôi xứng đáng được sinh ra trên cuộc đời này.
Vậy là một mình tôi trở thành chỗ dựa cho mình. Đi khám thai một mình, đi xét nghiệm một mình, đi học lớp tiền sản một mình, nửa đêm chuột rút chỉ biết tự tìm cách giải quyết. Tôi tập thói quen nói chuyện thường xuyên với “con”, mỗi ngày tôi kể con nghe nhiều câu chuyện vui, tích cực.
May mắn, con khá ngoan, ít hành hơn để tôi bươn chải công việc và nhận thêm dự án ngoài giờ để kiếm tiền chuẩn bị cho hành trình nuôi con đơn độc sẽ rất dài.
Không dám nói với con rằng mẹ chịu đắng cay phủ vây đời mẹ chỉ vì con. Những lúc đau đớn, mẹ chỉ biết đưa tay lau vội nước mắt, nuốt ngược đau đớn vào lòng. Đêm về thao thức, chỉ biết tự vỗ về bản thân, kéo gối ôm vào lòng để cảm nhận được chút ấm áp nhỏ nhoi, để tự tiếp thêm sức mạnh, để sống tiếp. Và đêm đêm, nước mắt cứ chảy ra mãi vì nghĩ đến ngày hạnh phúc được làm mẹ.
Thời điểm phải xét nghiệm xem con có bị down không, tôi thắc thỏm chờ suốt ba ngày. Với tôi đó là một khoảng thời gian đằng đẵng, bởi tôi là mẹ đơn thân lớn tuổi. Lỡ con bị chẩn đoán bất thường, tôi phải làm sao? Sinh con ra, rồi gánh vác thế nào? Nếu lỡ như… có lẽ tôi sẽ dứt bỏ dù biết rằng cơ hội có con lần hai của mình gần như bằng 0.
May mắn, trời thương, có lẽ duyên mẹ con không cạn… Đứa trẻ phát triển bình thường.
|
Tôi đang làm một người mẹ hạnh phúc - Ảnh: tác giả và con gái |
Chuyện ấy càng khiến tôi tin vào quyết định của mình. Tôi “thồ” con trước bụng, đi qua mưa gió, đêm ngày, chạy từ đầu đông sang đầu tây, nhìn số tiền tiết kiệm tăng lên 5 triệu, 10 triệu rồi 40 triệu đồng… đủ chi phí sinh nở rồi. Tôi cứ an tâm là “con lì giống mình” cho đến một lần tôi bị ngã xe.
Khi được đưa vào bệnh viện, tôi hoảng loạn vì sợ mất con. Mất con rồi thì tôi còn ai nữa. Nhờ có con mà tôi thấu hiểu hơn lúc nào hết cảm giác "lắng nghe tiếng ai đó trong lòng mình". Nhờ con mà tôi học cách nhẫn nhịn, học cách kiên trì và học cách trao đi yêu thương.
Nhờ có con mà tôi thấu hiểu nỗi đau của ba mẹ tôi, cảm nhận được sự yêu thương dâng trào thành cơn giận dữ. Nhờ có con mà tôi hiểu được giá trị của tình thân, giá trị của những mối quan hệ không cách nào đứt gãy. Tôi gọi cho mẹ và báo tình trạng hiện tại.
Chưa đầy nửa tiếng, ba mẹ tôi đã tay xách nách mang, vội vã vào bệnh viện. Ba vẫn vậy, lạnh nhạt nhưng khi thấy tôi mệt nhọc nằm trên giường bệnh, ông quay sang nói với mẹ: “Bà kêu nó về nhà đi, ở ngoài không ai chăm. Cháu ngoại tôi không khỏe”. Còn mẹ vuốt vuốt tay chân tôi, khóc: “Bác sĩ nói cái thai vẫn ổn. Mai mẹ kêu em con qua nhà trọ dọn đồ về nhà”.
Con biết không, tối đó là tối đầu tiên mà mẹ ngủ ngon và nhẹ nhõm nhất. Cũng nhờ con mà mẹ hoàn thiện hơn, mạnh mẽ nhưng dịu dàng hơn.
|
Con là món cuộc sống tặng cho tôi - ảnh: tác giả và con gái |
Tôi chợt nhớ một nhà văn đã nói: “Là bạn chứ không phải người đàn ông đã rời bỏ mái ấm quyết định hơi ấm của mái nhà này. Là bạn mới có thể đem đến hạnh phúc cho con. Là bạn mới khiến con bạn trở nên hạnh phúc… Bởi nếu bạn không hạnh phúc thì làm sao con bạn hạnh phúc?
Đừng nói về những hy sinh để cho con được hạnh phúc. Bạn khổ đau thì cho dẫu con bạn có mặc đồ hiệu, ăn đồ ngon, học trường điểm… thì con bạn cũng sẽ không thể hạnh phúc khi mẹ nó, người nó yêu thương nhất, đang đau khổ vật vã hay phải mòn vẹt cuộc đời cho những thứ gọi là hy sinh cho con”.
Tôi đang làm một người mẹ hạnh phúc. Ngoài sân, ông ngoại đang chỉ con gái tôi cách tưới cây. Tiếng cười giòn tan trong chiều yên.
An Khánh