Năm 2021 vừa khép lại, kết thúc một chặng đường nhiều khó khăn, vất vả. Dù đại dịch hoành hành, nhưng trong năm 2021 những chương trình xã hội từ thiện của Báo Phụ Nữ TP.HCM nhận được sự ủng hộ của đông đảo bạn đọc, cả trong và ngoài nước, với tổng kinh phí lên đến 15.409.190.000 đồng.
Kết quả ngoài mong đợi
Dù dịch bệnh với nhiều khó khăn, nhưng trong năm 2021 những chương trình xã hội từ thiện của Báo Phụ Nữ TP.HCM như chăm lo quà tết cho nữ công nhân lao động khó khăn, học bổng cho trẻ em vùng biên giới, xây tặng mái ấm tình thương, giúp đỡ phụ nữ - trẻ em nghèo chữa bệnh... đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo bạn đọc, cả trong và ngoài nước, với tổng kinh phí lên đến 15.409.190.000 đồng. Riêng chương trình “Kết nối sẻ chia vì tuyến đầu chống dịch” báo đã vận động được tiền và quà với tổng trị giá hơn 13 tỷ đồng. Đây là một điều khá đặc biệt, bởi việc tổ chức chương trình gần như không được lên kế hoạch trước. Ban đầu, báo dự định chỉ phát động hỗ trợ trang thiết bị bảo hộ, thực phẩm, nước uống cho bốn bệnh viện thu dung bệnh nhân COVID-19 số 6, 7, 8 và 9 vừa thành lập. Nhưng từ sự ủng hộ của bạn đọc, đặc biệt là của nhóm Thiện nguyện Miền Tỉnh Thức, chương trình đã đi qua hơn 350 bệnh viện, khu cách ly, trung tâm y tế, trạm y tế...
Nhân viên Báo Phụ Nữ TP.HCM chuyển thiết bị, vật tư y tế cho các bệnh viện trong chương trình “Kết nối sẻ chia vì tuyến đầu chống dịch”
Chúng tôi xin cảm ơn các đơn vị, doanh nghiệp đã đồng hành cùng chương trình như Hội Nhà báo TP.HCM, Agribank khu vực phía Nam, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Tổng Công ty Điện lực TP.HCM, Ngân hàng Agribank - chi nhánh Lý Thường Kiệt, Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco), Công ty cổ phần hữu hạn Vedan, anh Lâm Minh Huy, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam, Hội LHPN Q.6, Văn phòng công chứng số 7, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn - TNHH một thành viên, Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh, Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh TP.HCM, nhóm Cựu học sinh 12A1 Nguyễn Thị Minh Khai - niên khóa 1992 - 1995 và những người bạn, Trường đại học Nguyễn Tất Thành, Trường đại học Văn Hiến, Công ty Kao Việt Nam, Công ty cổ phần Acecook Viêt Nam, Công ty TNHH Nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam, Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood, nhóm Miền Tỉnh Thức, Công đoàn Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, Nha khoa Tâm Đức Smile…
Chúng tôi cũng xin cảm ơn những gom góp yêu thương của đông đảo bạn đọc gần xa, trong đó có rất nhiều người ẩn danh đồng hành lâu dài với các chương trình của báo. Khi được hỏi danh tính họ chỉ nói: “Tôi là người nội trợ ở Q.3”, “Tôi là công nhân ngành điện ở Bình Thạnh”, “Tôi là giáo viên đã về hưu”. Có người vui cười: “Thôi, hỏi tên làm chi, ghi tôi là bạn đọc được rồi”… Nghệ sĩ Quang Thảo là người miệt mài đồng hành cùng chương trình “Kết nối sẻ chia vì tuyến đầu chống dịch”. Anh đã gom góp trang thiết bị bảo hộ, thực phẩm, đồ dùng cá nhân và đồng hành cùng Báo Phụ Nữ TP.HCM đến rất nhiều nơi để trao tặng cho lực lượng y, bác sĩ trong những ngày dịch bệnh. Chị Phương Tâm - chủ đại lý bia nước ngọt ở Q.12 - cũng âm thầm trợ giúp khẩu trang, găng tay, thực phẩm cho các bệnh viện dã chiến, khu cách ly; giúp tiền cho những bạn đọc khó khăn mắc bệnh hiểm nghèo. Anh Phạm Văn Quân ở Công ty Phước Kỳ Nam đã lặng lẽ với hành trình trao tặng 10 tấn gạo cho người dân ở các khu cách ly. Chị Đông Chương, ở Q.7, sau khi rút hết 20 triệu đồng tiết kiệm còn rủ con trai, con gái trút ống heo để cùng đóng góp vào chương trình thiện nguyện của báo. Từ nước Mỹ cách nửa vòng trái đất xa xôi, các anh Cảnh Vũ, Ngô Trịnh Anh Vũ và Chu Anh Vũ cũng gom góp tiền làm thêm ngoài giờ để gửi về đóng góp cho các chương trình.
Những chiếc laptop mở ra những cánh cửa vào đời
Một ngày giữa tháng Mười, Phel - cô sinh viên năm cuối Trường đại học Quy Nhơn - nhắn tin cho chúng tôi biết, em đang làm bài thi môn “Soạn thảo văn bản” kèm theo bức ảnh chiếc laptop mà em vừa nhận được. Đó là một chiếc laptop cũ mà chúng tôi đã cố gắng nâng cấp với hy vọng nó sẽ giúp Phel trong học kỳ cuối cùng, khi dịch bệnh khiến em không thể đến trường. Trái với sự e ngại của người cho, khi nhận món quà, người nhận xúc động: “Đó là một phép màu đối với em!”. Là một phép màu bởi đây là lần đầu tiên trong đời Phel sở hữu một chiếc laptop, điều mà Phel chưa từng dám mơ.
Sinh ra trong một gia đình nghèo khó có bảy anh chị em ở một buôn làng hẻo lánh của tỉnh Gia Lai, hành trình Phel rời nương rẫy để theo đuổi ước mơ làm cô giáo là một nỗ lực diệu kỳ. Vượt lên trên những khó khăn về vật chất, Phel đã chứng tỏ khát khao vươn lên khi trở thành một trong số ít sinh viên xuất sắc của khóa sư phạm ngữ văn được chọn làm khóa luận tốt nghiệp. Niềm tự hào cũng là khó khăn của Phel khi dịch COVID-19 khiến nhà trường phải đóng cửa để chuyển sang học trực tuyến. Khó khăn chồng chất, Phel quyết định trở về buôn làng để tiết kiệm chi phí thuê trọ và phụ giúp gia đình. Không có phương tiện học hành, Phel đã xin phép “không làm khóa luận” trước sự ngỡ ngàng, tiếc nuối của thầy cô.
Chương trình “Vòng tay yêu thương” kết nối nhiều tấm lòng, nhiều đơn vị cùng chăm lo cho trẻ mồ côi vì COVID-19
Câu chuyện của Phel được biết đến trong những ngày chúng tôi đang nỗ lực thu gom máy vi tính, điện thoại cũ… để hỗ trợ phương tiện học trực tuyến cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại TP.HCM. Ngoài chương trình “Vòng tay yêu thương” được vận động để nâng đỡ hàng ngàn trẻ em mồ côi cha, mẹ, người nuôi dưỡng vì COVID-19, thì còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn, con em công nhân lao động thiếu thốn phương tiện học hành. Đồng hành với chúng tôi trong hành trình tiếp bước đó, một bạn đọc lâu năm của báo đã đề nghị tặng Phel chiếc laptop mà anh đang dùng. “Mặc dù tôi yêu cái máy vì có nhiều kỷ niệm, nhưng việc chia sẻ nó với một sinh viên đang cần sẽ ý nghĩa hơn”, anh bộc bạch khi gởi cho chúng tôi chiếc laptop đã được bao bọc kỹ lưỡng cho việc vận chuyển đường xa.
Từ nương rẫy của mình, Phel bắt đầu kết nối với giáo viên hướng dẫn để thực hiện những trang đầu tiên của khóa luận tốt nghiệp.
Việc trao máy tính và điện thoại thông minh làm phương tiện học tập cho các em học sinh, sinh viên là công việc ngoài mặt báo, nhưng các phóng viên, nhân viên ai cũng vui vẻ hỗ trợ. Vì những đứa trẻ nhà nghèo, vì tấm lòng của bạn đọc (mà trong đó, chị Quách Tố Linh là người cổ vũ và ủng hộ nhiều nhất) mà có những đồng nghiệp của chúng tôi đã mang đến hơn hai mươi máy vi tính cũ và 9 điện thoại thông minh mới từ gia đình, bạn bè, người thân. Để rồi, chạy ngược chạy xuôi sửa chữa, nâng cấp, cài đặt các phần mềm phù hợp cho việc học tập của các em trước khi tìm cách gửi đi giữa mùa dịch bệnh.
Xin ghi nhận và tri ân sự đồng hành của bạn đọc
Trong năm qua, chuyên mục “Đường dây khẩn” của Báo Phụ Nữ TP.HCM (0966 18 27 27, 0913 15 93 15) đã tiếp nhận hơn 1.000 cuộc gọi, tin nhắn báo tin, yêu cầu tư vấn, trợ giúp với rất nhiều vấn đề xảy ra trong cuộc sống. Hàng trăm cuộc gọi của bạn đọc xin giúp đỡ vì ảnh hưởng dịch bệnh, vì gói hỗ trợ khẩn cấp chưa nhận được, vì chưa được tiêm ngừa vắc-xin đúng hạn, vì chưa nhận được túi thuốc F0, và có khi còn là sự cầu cứu trước nạn bạo lực, xâm hại… Từng trường hợp đã được Báo Phụ Nữ TP.HCM tiếp nhận, xác minh và chuyển thông tin đến các cơ quan chức năng can thiệp, giải quyết, giúp đỡ.
Nhờ những thông tin từ bạn đọc, phóng viên của báo đã xác minh và thực hiện được nhiều loạt bài như “Báo động về bạo lực gia đình trong đại dịch COVID-19”, “Lợi dụng COVID-19 giả danh bác sĩ lừa người bệnh”, “Những mô hình khuyến nông… trời ơi”…
Bà Lâm Thị Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN TP.HCM - thay mặt chương trình “Vòng tay yêu thương” trao quà và kinh phí hỗ trợ trẻ em mồ côi do COVID-19
Trong chuỗi cả ngàn cuộc gọi có không ít clip, hình ảnh được bạn đọc ghi lại những câu chuyện giúp nhau trong cuộc sống, chia sẻ về những chân dung người tốt việc tốt. Từ thông tin bạn đọc gửi về, chúng tôi lại có thêm nhân vật cho những bài viết mang nặng tình người như “Những bác tài của chuyến xe 0 đồng”, “Ngủ hiên đình, bị vu oan giấu gạo là chuyện nhỏ”, “Cô cán bộ Hội lội ruộng cắt rau”…
Khép lại năm 2021, Báo Phụ Nữ TP.HCM xin ghi nhận và cảm ơn sự đồng hành, yêu thương và tin cậy từ bạn đọc. Chúng tôi cam kết, trong năm mới 2022, sẽ cố gắng phụng sự bạn đọc ngày càng tốt hơn và mong sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành của bạn đọc trong những chương trình thiện nguyện của Báo Phụ Nữ TP.HCM.
Thưa quý bạn đọc, Những ngày giáp năm, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhiều gia đình vẫn đang gặp khó khăn, chật vật. Để giúp mọi nhà, mọi người đều có tết, Báo Phụ Nữ TP.HCM tổ chức chương trình “Tết ấm Nhâm Dần - 2022” trao quà cho các nữ lao động nhập cư, nữ công nhân xa quê không có điều kiện về quê ăn tết.
Chương trình hy vọng nhận được sự ủng hộ, chung sức, chung lòng từ quý bạn đọc.
Bạn đọc, các nhà hảo tâm, các cơ quan, đơn vị có thể đóng góp trực tiếp cho chương trình tại Báo Phụ Nữ TP.HCM (số 311 Điện Biên Phủ, P.4, Q.3, TP.HCM), qua đường bưu điện hoặc qua tài khoản từ thiện: Báo Phụ Nữ TP.HCM, số 007.100.1049165, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - chi nhánh TP.HCM (tên tiếng Anh: Joint Stock Commercial Bank for Foreign Trade of Vietnam; swiftcode: BFTVVNVX007). Trân trọng cảm ơn.
Ngày 10/12, quận Tân Bình phối hợp với Ban quản trị chung cư K300, Phòng VH-TT Tân Bình khánh thành khuôn viên hoạt động văn hóa, thể dục thể thao ngoài trời.