Khi bắt đầu quen anh, tôi vừa tốt nghiệp đại học. Hơn tôi mười tuổi nên anh đã khá chín chắn để kết hôn. Nhưng yêu nhau hai năm, tôi vẫn không có ý định tiến tới hôn nhân, vì mải bận rộn với giấc mơ du học.
24 tuổi, tôi có học bổng toàn phần đi Hà Lan trong hai năm. Tôi tự xoay xở chuyện tìm trường, nộp hồ sơ, mà chẳng có ai chỉ dẫn nên rất căng thẳng.
Gia đình tôi không muốn con gái đi học xa. Mẹ lo tôi đi luôn không về, lại kết hôn với “thằng mắt xanh mũi lõ, xí xa xí xô không ai hiểu gì”.
Suốt thời gian tôi và anh quen nhau, gia đình tôi chưa từng đồng ý mối quan hệ của chúng tôi, phản ứng của mọi người gay gắt đến nỗi có những tháng, tôi chẳng muốn về nhà.
Cho tới khi tôi chuẩn bị đi du học thì mẹ gọi tôi bảo: “Hoặc là con dứt khoát bỏ bây giờ, hoặc là cưới. Không cưới nó (tức bạn trai tôi) thì phải cưới đứa khác ở Việt Nam rồi mới được đi học”.
Tôi bảo anh: “Mẹ kêu cưới em kìa, anh có cưới không?”. Anh thủng thẳng: “Ừ, cưới thì cưới”. Vâng, là tôi cầu hôn anh ấy! Chúng tôi mất khoảng hơn một tháng chuẩn bị.
Đám cưới đơn giản, bạn bè thân thiết cho vay mượn, rồi làm giúp cái này cái nọ để tiết kiệm chi phí. Lúc phát thiệp, tất cả bạn bè, thầy cô đều ngạc nhiên. Không ai ngờ một đứa nhiều ước mơ, lý tưởng như tôi lại kết hôn sớm vậy.
Ngày cưới tôi cũng là ngày Đại học Hawaii at Honululu (Mỹ) gọi điện làm visa. Đây là nơi thứ hai cấp học bổng cho tôi sau Hà Lan.
Có lẽ ít cô gái nào hiểu được hôn nhân ảnh hưởng đến các kế hoạch cá nhân thế nào. Sự thật thì kết hôn có thể khiến cuộc đời của bạn thay đổi. Mức độ đến đâu tùy thuộc vào thỏa ước giữa hai vợ chồng.
Việc không sẵn sàng cho hôn nhân, thiếu thảo luận giữa các cặp đôi trước khi về sống chung một nhà có thể phải trả một cái giá rất đắt. Chồng tôi khi mới yêu đã biết tôi là người ham học và học rất khá.
Bản thân anh ấy cũng ủng hộ việc học hành nghiêm túc, lấy bằng cấp phải tương xứng với trình độ. Bởi vậy, việc kết hôn của tôi được thỏa thuận không ảnh hưởng đến kế hoạch du học.
Anh vẫn ở Việt Nam làm việc, chỉ mình tôi đi. Thế nhưng, chỉ sau ngày cưới một ngày, dưới lời bàn tán của gia đình, anh đã tỏ ý không muốn tôi đi Hà Lan hay Mỹ, vì khóa học kéo dài hai năm.
Cuối tháng Ba năm ấy, tôi phải quay sang xin thư mời học mới ở Anh, vì chỉ có học ở Anh thì thạc sĩ mới xong trong một năm được. Tới giờ tôi vẫn ấm ức vì điều này, dù giấc mơ du học đã thực hiện được.
Tròn một năm đi học, tôi hoàn thành khóa học thạc sĩ và về nước. Ngày lên máy bay trở về, tôi đã nghĩ: vậy là hết, những ước mơ bay nhảy của mình kết thúc tại đây. Ngoài du học, tôi còn rất nhiều điều muốn làm.
Từng là cán bộ Đoàn - Hội từ thời học sinh, sinh viên, tôi mơ ước được làm việc cho các tổ chức phi chính phủ, các dự án xã hội, được đi đây đi đó học hỏi, phát triển bản thân và đóng góp cho cộng đồng.
|
Ảnh minh họa |
Hồi tốt nghiệp đại học, nếu không vì gia đình khuyên bảo, tôi đã không từ bỏ việc đeo đuổi các công việc ở các tổ chức phi chính phủ. Tôi vẫn nghĩ, mình sẽ trở lại vào một thời điểm thích hợp.
Sau khi từ Anh trở về, tôi cũng chăm chỉ và tập trung với việc làm vợ được hai năm. Nhìn bạn bè vi vu học tiến sĩ ở trời Tây, mong muốn được học lại trỗi dậy.
Tôi đi dạy quần quật như cái máy và càng lúc càng thấy chán chính mình khi không có bất cứ sức bật nào về chuyên môn. Cuối năm 2011, tôi được học bổng toàn phần đi Úc. Lấn cấn chuyện gia đình, tôi cân lên đặt xuống rồi cứ trì hoãn và bỏ luôn.
Quan sát biểu hiện của tôi, chồng tôi ở thời điểm này không còn can thiệp gì chuyện học hành của tôi nữa. Tôi muốn đi đâu, làm gì, miễn thấy cuộc sống ý nghĩa là được.
Đầu năm 2013, tôi nộp hồ sơ đi Anh và trúng tuyển. Tháng 10 năm ấy, tôi lên đường quay lại Anh để học tiến sĩ mà không mang theo anh ấy.
Quyết định ở lại Việt Nam cũng là của anh ấy với lý do: anh ấy đã lớn tuổi, khi quay về, rất khó xin được việc trở lại. Hơn nữa, có anh bên cạnh, tôi cũng khó chuyên tâm học hành.
Một lần nữa, giấc mơ được bơi ra biển lớn của tôi được anh ủng hộ. Đến giờ phút này, tôi thực sự rất biết ơn anh. Bốn năm xa nhau, mối quan hệ của chúng tôi cũng lắm thăng trầm. Anh ấy cũng có những lúc vô cùng khó khăn với cuộc sống một mình.
Tôi cũng vậy. Nhưng chưa bao giờ tôi thấy anh than phiền điều này. Tôi có những giấc mơ mới, tìm ra được lý tưởng sống của chính mình. Trong thời gian đi học, tôi vẫn sáng lập một quỹ thiện nguyện và điều hành công việc từ xa. Nhóm chúng tôi thực hiện các chương trình giáo dục trải dài các tỉnh phía Nam.
Chồng tôi không ngại chạy tới chạy lui giúp tôi những việc hậu cần ở Việt Nam. Thêm một giấc mơ của chính tôi được hiện thực hóa mà không phải chờ đợi thêm.
Năm 2017, tôi hoàn thành chương trình tiến sĩ và quay về nước. Tôi cũng chông chênh trong công việc, trong hướng đi. Cuối cùng, tôi quyết định chuyển việc. Công việc mới là một thử thách chưa từng có trong kinh nghiệm cũ của tôi. Thực ra, tôi không tự tin lắm vào chính mình.
Gần hai năm, tôi quay cuồng bận rộn với công việc, vị trí mới. Lúc chuyển việc, anh vẫn ủng hộ tôi, miễn công việc mới làm mình vui, chứ không phải vì thu nhập hay vị trí cao.
Đó là dự án ý nghĩa, nhưng thực tiễn công việc không ít lần khiến tôi căng thẳng, rơi nước mắt và muốn từ bỏ. Mỗi lúc như vậy, anh lại bảo: “Mới bắt đầu thôi mà, em thử cố gắng thêm chút nữa xem”.
Gần đây, do sức khỏe đi xuống, tôi nói với anh: “Em nghỉ việc một năm làm vài việc riêng của em, anh nhé! Anh phải nuôi em”. Anh lại gật đầu bảo: “Ừ, em ở nhà, dạy anh học là được rồi”.
12 năm, điều may mắn nhất khi tôi khi kết hôn với anh là tôi không phải từ bỏ giấc mơ nào của mình cả. Cảm ơn anh đã luôn chờ đợi
Nguyễn Thu Huyền