Cảm ơn anh, “chú cá vô tội” của tôi

22/11/2022 - 10:41

PNO - Cho dù anh luôn sẵn lòng để tôi làm “bạch tuộc”, tôi biết mình vẫn phải trưởng thành và học cách điều tiết cảm xúc của bản thân.

 

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Một hôm, tôi đọc được trên mạng bài viết về những chú bạch tuộc. Rằng bạch tuộc và cá thỉnh thoảng đi săn cùng nhau, có thể tạm gọi là bạn đồng hành. Thế nhưng, thỉnh thoảng bạch tuộc sẽ tung một cú đấm trời giáng bằng xúc tu vào cá chỉ bởi chúng đang khó ở hay bỗng dưng nhìn lũ cá thấy ghét.

Bạn có thấy đôi lúc chúng ta cũng vô lý như những chú bạch tuộc?

Ví dụ một hôm tan sở, bạn trở về nhà đầy mệt mỏi. Chú cún bạn nuôi, như mọi khi, nhảy lên mừng rỡ chào đón bạn. Thay vì cúi xuống xoa đầu cún cưng và mỉm cười, bạn lại bực tức thẳng chân đá con vật cưng qua một bên. Vậy là cún ta thui thủi cụp đuôi, rên ư ử, chui vào góc nhà mà không hiểu vì sao. 

Ví dụ một ngày khó ở vì sáng ra trời đã mưa tầm tã, bạn vào cơ quan với bộ dạng ướt lướt thướt, gương mặt quạu đeo và đá thúng đụng nia với đồng nghiệp. Lúc đó, nếu nhân viên của bạn lỡ sai phạm, hẳn sẽ hứng ngay cơn thịnh nộ gấp mấy lần bình thường mà không hiểu sao hôm nay sếp khó tính đến vậy. 

Ví dụ một ngày chẳng vì lý do gì, chỉ là tự dưng bạn thấy không vui, nhìn ai cũng thấy như muốn gây hấn với mình, vậy là một tin nhắn từ cô bạn cùng lớp thuở xưa cũng làm bạn bực mình, một câu bông đùa từ người yêu cũng làm bạn tự ái, một cuộc gọi từ người thân cũng khiến bạn cảm thấy phiền… 

Tôi tin là trong cuộc đời chúng ta, ai cũng từng có lúc “biến hình” thành một chú bạch tuộc khó ưa và khó chiều như thế. Những khi ấy, sẽ không ai tổn thương nhiều hơn “những chú cá vô tội” vô tình bị “bạch tuộc” đấm trúng. Nếu họ vẫn ở lại và kiên nhẫn với sự khó ở từ trên trời rơi xuống của bạn, hẳn bạn phải nợ họ rất nhiều sự cảm kích và lòng biết ơn.

“Chú cá vô tội” của tôi chính là chồng mình.

Rất nhiều lần anh bảo: “Sao em bực con mà lại kiếm chuyện với anh?” hay “Hôm nay ai làm em khó ở à?”, “Bình tĩnh nào em, không sao, không sao”…

Rất nhiều khi, tôi bảo anh: “Hôm nay em không muốn nói chuyện”, “Em không muốn nhắn tin”, “Anh để em yên”… dù trước đó mọi chuyện vẫn bình thường và chúng tôi chẳng cãi vã gì.

Tuy vậy, anh vẫn không tra hỏi, không khó chịu, chỉ nói: “OK em” rồi im lặng lánh đi. Nếu hai tiếng sau vẫn chưa thấy tôi chủ động nói chuyện trở lại, anh sẽ nhắn tin: “Em cảm thấy ổn hơn chưa?” hoặc “Em ăn cơm chưa?", “Em đang làm gì đó?”…

Những tin nhắn ấy luôn làm tôi cảm thấy ấm áp và được vỗ về rằng ít nhất đã có anh ở đây; rằng có một người luôn ở đây, không bỏ rơi tôi dù tôi có xấu tính hay trái tính trái nết đến thế nào. 

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Freepik

 

Điều đáng trân trọng nhất là anh chưa bao giờ để tôi phải làm “cá”. Không biết có khi nào anh “biến hình” thành “bạch tuộc” nhưng trong mối quan hệ của chúng tôi, anh luôn nhường tôi làm “bạch tuộc” vì anh nói anh biết tôi không chịu được áp lực. Lúc ngồi viết lại những dòng này, tôi đã khóc. Tôi cảm thấy mình thật không phải và dại dột khi thỉnh thoảng lại kiếm chuyện với anh chẳng vì lý do gì. Nếu chẳng may anh không đủ bao dung, kiên nhẫn lẫn yêu thương, hẳn tôi đã trở thành một “bà bạch tuộc già” cô đơn đến hết cuộc đời này. 

Tôi đã cố gắng hạn chế những lần nóng giận vô cớ và biết nhận lỗi, sửa sai nếu chẳng may làm tổn thương anh. Vậy nên, nếu bạn cũng như tôi, may mắn có một chú “cá” nhẫn nại đồng hành trong những tháng năm nhiều biến cố này, hãy hết sức trân trọng và biết ơn người ấy. Tình yêu và sự chân thành đôi khi chỉ là sẵn sàng chịu thiệt và sẵn lòng tha thứ cho những “chú bạch tuộc” của đời mình.

Cảm ơn anh thật nhiều, “chú cá vô tội” của tôi! 

Cao Bảo Vy

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI