Cấm người Trung Quốc nhập cảnh vì coronavirus, đại học nước ngoài ‘cháy túi’

16/02/2020 - 16:38

PNO - Lưu học sinh Trung Quốc, bao gồm học sinh, sinh viên và thực tập sinh, chi hàng tỷ USD cho việc ăn học ở nước ngoài. Nhưng khi bùng phát dịch, một số nước áp dụng lệnh cấm người Trung Quốc nhập cảnh khiến các nước này mất đi nguồn thu đáng kể.

Xu Mingxi là một trường hợp cụ thể. Nếu không có coronavirus, chàng trai 22 tuổi trong tuần này sẽ nhập học tại một trường đại học danh tiếng ở New York, Mỹ. vậy mà suốt 3 tuần qua, cậu bị nhốt trong căn hộ của gia đình mình ở Vũ Hán, tâm dịch ở tỉnh Hồ Bắc, hiện đang bị phong tỏa để ngăn ngừa sự lây lan của virus. Nhưng ngay cả khi Xu có thể rời khỏi Trung Quốc, thì nước Mỹ - nơi cậu đã trải qua 4 năm rưỡi học hành – cũng không mở cửa đón cậu quay trở lại.

Lưu học sinh Trung Quốc chi hàng tỷ USD cho việc ăn học ở nước ngoài, coronavirus bùng phát đã làm đảo lộn nguồn thu này của các nước - Ảnh: CNN
Lưu học sinh Trung Quốc chi hàng tỷ USD cho việc ăn học ở nước ngoài, coronavirus bùng phát đã làm đảo lộn nguồn thu này của các nước - Ảnh: CNN

Ngày 27/1, chương trình đại học của Xu về viễn thông tương tác tại Đại học New York (NYU) đã khởi động trở lại. Ngày 31/1, chính phủ Mỹ tuyên bố sẽ không cho phép bất kỳ công dân nước ngoài nào bay từ Trung Quốc đại lục đến Mỹ.

Xu được cho biết cậu có thể tham gia các lớp học từ xa, nhưng thật không đáng bỏ ra khoản học phí 62.000 đô la mỗi năm để học từ xa. Cậu quyết định nghỉ học kỳ này, và điều đó sẽ trì hoãn việc tốt nghiệp của cậu thêm 6 tháng.

Kênh truyền hình Mỹ CNN nêu thêm trường hợp tương tự của Alex, tên giả của một nữ sinh Trung Quốc. Alex sống cách Bắc Kinh hơn 1.000 km. Hai tuần qua, cô sống trong nhà cùng mẹ và ông ngoại, sử dụng thực phẩm do lãnh đạo cộng đồng cấp, và lo lắng không thể quay lại Sydney để học vào cuối tháng này và cô có thể phải nhận bằng cử nhân Luật trễ một học kỳ.

Đại học Sydney, nơi Alex theo học, có chương trình trợ cấp cho sinh viên Trung Quốc. Những người bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm nhập cảnh liên quan đến coronavirus có thể học từ xa, họ có thể bắt đầu học kỳ muộn vài tuần hoặc trì hoãn ngày được cấp bằng tốt nghiệp. Alex quyết định hoãn học kỳ này nếu cô không thể bay trở lại Úc vào giữa tháng ba. Mỗi năm Alex trả học phí khoảng 30.280 USD, cao hơn so với sinh viên địa phương, những người đủ điều kiện để giảm học phí.

Khi Covid-19 bùng phát, hơn 60 quốc gia đã áp đặt hạn chế nhập cảnh đối với công dân Trung Quốc, nhằm khống chế sự lây lan của chủng virus nguy hiểm đã cướp đi mạng sống của hơn 1.600 người hầu hết ở Trung Quốc đại lục và lây nhiễm hơn 69 ngàn người trên toàn thế giới. Căng thẳng hơn, cả Úc và Mỹ còn đưa ra lệnh cấm nhập cảnh tạm thời đối với công dân nước ngoài từng đến Trung Quốc trong vòng 14 ngày trước đó. Các lệnh cấm đã ngăn cản Xu và Alex quay lại tiếp tục học tập, nhưng họ không hề đơn độc.

Năm 2017, ước tính 900.000 học sinh Trung Quốc đi du học. Khoảng một nửa trong số đó đến Mỹ hoặc Úc, đóng góp cho nền kinh tế hai nước này hàng tỷ đô la, những đồng tiền nay không còn chảy vào túi các nước đó nữa.

Không rõ có bao nhiêu trong số 360.000 học sinh Trung Quốc học tập tại Mỹ vắng mặt ở nước này khi Mỹ ban hành lệnh cấm nhập cảnh 31/1, ngay trước khi nhiều trường đại học đi học trở lại. Nhưng khi Úc áp đặt các hạn chế nhập cảnh đầu tháng 2 vừa qua, nước này ước tính 56% sinh viên Trung Quốc - khoảng 106.680 người – vắng mặt ở Úc.

Giáo sư Andrew Norton, chuyên gia về chính sách giáo dục đại học của Đại học tại Quốc gia Úc (ANU), cho biết, bệnh dịch COVID-19 bùng phát trùng với Tết Nguyên đán, ngày lễ quan trọng nhất của người Trung Quốc, nên rất nhiều sinh viên về nước ăn tết với gia đình.

Khi Úc áp đặt lệnh cấm nhập cảnh ngày 1/2, sắc lệnh này đã có hiệu lực ngay lập tức, trong khi WHO lên tiếng khuyến cáo chống lại các biện pháp cực đoan như vậy. Đáp lại ý kiến của WHO, Thủ tướng Úc Scott Morrison nói: "Khuyến cáo y tế của chúng tôi là vì lợi ích của người Úc”.

Biểu tình Sydney ở phản đối lệnh cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài từng đến Trung Quốc - Ảnh: CNN
Biểu tình Sydney ở phản đối lệnh cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài từng đến Trung Quốc - Ảnh: CNN

Giáo sư Norton cho rằng, các vấn đề hậu cần do COVID-19 tạo ra không phải là vấn đề ngắn hạn, và các trường đại học cần tìm ra cách giải quyết hồ sơ tồn đọng của các sinh viên trễ học như Xu và Alex, cũng như các sinh viên đã tham gia các khóa học đó, nhưng một số trường không có khả năng làm điều này.

Nếu hàng ngàn sinh viên Trung Quốc bị buộc phải từ bỏ học kỳ này, các trường đại học ở Úc và Hoa Kỳ sẽ mất trắng hàng tỷ đô la.

Tại Úc, 23,3% tổng doanh thu của các trường đại học đến từ sinh viên quốc tế (năm 2017), và sinh viên Trung Quốc chiếm hơn 38% tổng số sinh viên quốc tế nhập học năm 2018. Tổng cộng, giáo dục quốc tế đóng góp 25 tỷ USD cho nền kinh tế Úc trong năm tài chính 2018-2019.

Tại Mỹ, số liệu của chính phủ cho biết, sinh viên Trung Quốc đóng góp 14,9 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ trong năm 2018.

Thanh Hải

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI