Black Friday (ngày thứ Sáu đen tối) hiện nay đã trở thành một sự kiện lớn không chỉ ở Mỹ mà còn ở khắp nơi trên thế giới. Nếu bạn chọn mua sắm trong sự kiện này, điều quan trọng là hết sức cảnh giác để mua phải những món hàng kém chất lượng, giá “ảo”.
|
Black Friday (ngày thứ Sáu đen tối) hiện nay đã trở thành một sự kiện lớn không chỉ ở Mỹ mà còn ở khắp nơi trên thế giới |
Không phải mọi khuyến mại cho ngày này đều có giá trị. Có rất nhiều “chi tiết” mà những cửa hàng, các trang online hoàn toàn không cho bạn biết, và điều này có thể làm bạn chọn mua một món hàng không như ý.
Trong phần đầu tiên này, Báo Phụ Nữ sẽ đề cập về những sai lầm khi mua sắm trong ngày này mà nhiều người mắc phải nhất.
1. Tránh những thương hiệu vô danh
Người mua hãy kiểm tra cẩn thận thương hiệu khi mua sắm trong ngày Black Friday. Nếu nó không phải là một thương hiệu bạn có thể nhận ra, hãy chú ý tìm hiểu kỹ hoặc tránh xa. Bạn đừng nhầm lẫn cứ sản phẩm được hiển thị trên các trang nổi tiếng như Amazon, Walmart,… đều là những hàng tốt.
Lấy ví dụ trường hợp bạn muốn mua một máy tính xách tay (một món hàng có giá trị cao). Các thương hiệu phổ biến như Apple, Microsoft, Dell, HP,… và các sản phẩm khác phổ biến vì họ đang dẫn đầu thị trường, có thị phần nhất định. Các chương trình giảm giá vì vậy cũng chỉ từ 15-30% trong dịp này. Là những thương hiệu uy tín, bạn có thể yên tâm về các tính năng, độ bền, dịch vụ hỗ trợ khách hàng,…
Tuy nhiên bạn có thể bắt gặp một chiếc laptop của một thương hiệu nào đó rất lạ, nhưng lại có mức giảm giá rất cao, có thể là 60-70% hoặc thậm chí hơn nữa. Đó có thể là cái “bẫy” mà bạn có nguy cơ bị dính vào. Để có trải nghiệm mua và sử dụng sản phẩm tốt nhất, bạn nên tránh xa những thương hiệu vô danh.
Sẽ có những khiếm khuyết mà người bán sẽ không bao giờ nói với bạn, nó có thể liên quan đến cấu hình (sử dụng ổ cứng HDD thay vì SSD chẳng hạn), độ bền,…
2. Không mua khi chưa kiểm tra giá online
Bạn thấy trang bán hàng đưa ra mức khuyến mại lên đến 60-70%, rất hấp dẫn? Đừng quá nóng vội “checkout”, hãy dành một phút và tìm nó trên một hoặc nhiều trang web bán lẻ phổ biến khác. Ngày nay, ai cũng có một chiếc máy tính hay điện thoại di động bên cạnh. Đừng bỏ qua tiện ích này để có thể dò giá sản phẩm.
Bạn đang tìm kiếm hai thứ quan trọng. Thứ nhất, mức giảm giá bạn thấy thật sự lớn như thế nào? Đôi khi các khuyến mại trong ngày này là những con số “khống” (tăng giá sản phẩm lên rồi đăng giảm giá “khủng”). Việc tìm kiếm trên mạng sẽ giúp bạn phát hiện đó chỉ là một khuyến mại không đáng quan tâm.
Thứ hai, đôi khi hành động này lại giúp bạn tìm kiếm một nhà bán lẻ khác có mức giá thậm chí tốt hơn. Hay đơn giản đây là đồng giá khuyến mại nhưng sẽ là một địa chỉ mua sắm uy tín hơn. Dĩ nhiên mức giá tốt hơn ở đây còn liên quan đến nhiều vấn đề khác như phí vận chuyển, thuế,…
Bạn sẽ gặp vấn đề này nhiều khi mua sắm trên Amazon và các trang online của Mỹ. Cùng một món đồ, có trang giá cao hơn một chút nhưng lại miễn thuế hay phí vận chuyển, trong khi đó trang bán hàng khác lại rẻ hơn chút ít giá trị món đồ nhưng tính tổng thêm thuế và phí vận chuyện lại cao hơn nhiều.
3. Chú ý đến các sản phẩm nâng cấp, đời mới
Vào những đợt khuyến mại, các nhãn hàng thường có xu hướng thanh lý gấp các sản phẩm có những vấn đề như: hạn sử dụng sắp hết, lỗi bao bì, sản phẩm đã lỗi thời, không còn được nguyên vẹn,… Thế nhưng không ít người cho rằng vì mua được với mức giá thấp nên vẫn có thể chấp nhận chất lượng các sản phẩm này.
Suy nghĩ này không sai. Nhưng bạn cũng nên tìm hiểu thêm những thông tin ví dụ như sản phẩm này với một sản phẩm đời mới hơn giá chênh lệch nhiều không? Mua giảm giá như vậy đã thật sự hợp lý không?
Vấn đề này bạn thường gặp phải khi mua các sản phẩm công nghệ. Vẫn lấy ví dụ một chiếc laptop. Có thể bạn thấy một chiếc laptop dùng bộ vi xử lý core i5 với giá khá rẻ, trong khi một khác cũng core i5 nhưng lại mắc hơn. Mặc dù cùng tên như vậy, nhưng các con chip này thuộc nhiều thế hệ khác nhau. Ví dụ, Core i5-8550U là bộ vi xử lý thế hệ thứ 8, mạnh hơn nhiều khi so với Core i5-7200U là bộ vi xử lý thế hệ thứ 7.
Vấn đề tương tự với các thành phần khác như ổ cứng, hệ điều hành bản quyền, hay là kích thước màn hình. Bạn hãy nhớ tra cứu thật kỹ, có khi chỉ cần thêm ít tiền mà lại có một sản phẩm tốt hơn rất nhiều. Đôi khi rẻ nhất chưa hẳn là lựa chọn tốt nhất.
4. Đừng “dạo chợ” khi vẫn chưa biết mình muốn mua gì
Những chương trình giảm giá “ sốc” có thể khiến bạn choáng ngợp và dễ dàng rơi vào tình trạng mua rất nhiều nhưng có khi mua phải những món đồ không cần thiết. Đó là vì bạn không có một kế hoạch mua sắm rõ ràng.
Trước khi quyết định “săn” hàng giảm giá, hãy lập ra danh sách những món đồ bạn muốn mua, nhằm tránh bị mất thời gian và phân tâm bởi những deal hấp dẫn khác nhau. Danh sách ấy sẽ giúp bạn đi đúng hướng, chọn đúng mặt hàng cần mua.
Ngoài ra, nếu có “quỹ mua sắm” ít, bạn không thể mua sắm tùy tiện. Hãy đặt ra định mức mua sắm của mình và bám sát vào nó. Điều này sẽ giúp bạn tránh khỏi cảnh "viêm màng túi" sau khi ngày hội mua sắm kết thúc.
5. Đừng quên đợi đến Cyber Monday
Một sai lầm rất nhiều người mắc phải đó là luôn "chụp" những đợt giảm giá đầu tiên. Trong kỳ giảm giá Black Friday, các nhà bán lẻ sẵn sàng đưa ra những khuyến mại cực kỳ hấp dẫn. Và bởi có sự cạnh tranh, nên khuyến mại của họ có phần khác nhau. Thế nên, bạn đừng vội vàng khi nhìn thấy một mặt hàng "có vẻ hấp dẫn". Hãy dạo quanh các trang khác, trước khi quyết định xuất hầu bao.
Và bạn đừng quên là, kỳ giảm giá kéo dài đến Cyber Monday (26/11), đôi khi đây là thời điểm “then chốt” để các nhãn hàng đưa ra những ưu đãi hấp dẫn cuối cùng. Nếu chẳng may mua sắm quá mức, bạn có thể sẽ chẳng còn tiền cho đợt cuối này.
Đồng thời, bạn cũng cần nhớ là không phải mọi thứ giảm giá đều được dồn vào Black Friday, hay thậm chí là Cyber Monday như đề cập. Vẫn còn những dịp như Giáng Sinh, mừng năm mới. Nếu không thấy được mức giảm giá như ý ở đợt này, hãy mạnh dạn bỏ qua và chờ các đợt giảm giá lớn tiếp theo.
Minh Thảo