Bước sang tuổi 48, Cẩm Ly vẫn khiến nhiều người khó lòng đoán được tuổi thật của chị bởi lúc nào cũng trẻ trung, tràn đầy năng lượng. Thừa nhận bản thân là người khó tính nhưng Cẩm Ly lại có được chút duyên hài hước trong cách giao tế khiến người đối diện đôi lúc phải bị hút vào những điều chị kể. Dù không còn tuổi mộng, tuổi mơ nhưng Cẩm Ly vẫn chờ mong những ngày Xuân về, khoảng thời gian mà chị được sống trọn vẹn với những ngày xưa, nơi đã gói trọn tâm hồn và một phần cuộc đời của Cẩm Ly.
Tết nào cũng mong đoàn tụ với Hà Phương, Minh Tuyết
- Những năm gần đây, khán giả cũng không còn thấy chị xuất hiện trong những show diễn ngày tết... -
- Mấy năm trở lại đây, anh Vy thấy cả năm tôi vất vả rồi nên thường mùa tết sẽ không cho nhận show. Nhưng tôi vẫn luyến tiếc nhiều. Ngày tết bây giờ show đâu nhiều như xưa nhưng vẫn phải có ngày đi diễn để lấy không khí. Những lúc đó, tôi nhớ khán giả của mình vô cùng. Ngày trước, năm nào đi diễn, tôi cũng có lì xì cả. Đến khi lập gia đình, có con thì số lượng bao lì xì lại được nhân 2, nhân 4 cho đủ các thành viên trong gia đình.
Số tiền của khán giả cho, không nhiều đâu, nhưng vui thì không tả được. Có lần, một đứa bé mang tặng tôi một bao đỏ với những đồng tiền xu bên trong, mà tôi nhớ hoài. Tôi lớn đến thế này rồi nhưng vẫn thích được lì xì. Dường như đây là chiếc vé duy nhất có thể mang tôi trở về với tuổi thơ, với những quãng trời thanh xuân rất đẹp.
Nhưng ngày trước, nếu có đi diễn, tôi chỉ đi vào ngày sau mùng 1, và không đi diễn tỉnh những ngày trước tết. Nhiều người cứ bảo tôi giàu hay kén cá chọn canh nhưng những ngày cận tết, tôi dành trọn vẹn cho mình, cho gia đình. Đó là quy tắc bất di bất dịch.
Bản thân tôi cũng không muốn chạy ồ ồ như ngày xưa, thấy mấy ông trời mới xong một ngày diễn Tết. Nhưng thôi thì phải có không khí khai xuân để cho một năm mới vui vẻ, thuận lợi.
- Không khí văn nghệ của ngày tết thuở trước còn là một chiếc băng tình xuân, rộn ràng với sự quy tụ của rất nhiều nghệ sĩ kỳ cựu hiện tại. Miền ký ức này có còn sống trong chị không?
- Đó là những kỷ niệm vui mà không thể nào quên được. Chúng tôi thời đó tham gia đông đảo lắm, có anh Thành Lộc, Hữu Lộc, Hoài Linh, Cát Phượng... Chúng tôi đi quay nhưng có cảm giác tụ năm tụ bảy lại để “quậy” cho tới bến. Nghệ sĩ thời đó cũng rất thích tham gia hoạt động này nhưng không phải ai cũng nổi tiếng. Nhưng bây giờ, để quy tụ được dàn nghệ sĩ hùng hậu như thế thì NSX tiền đâu mà trả cho đủ (cười). Hơn hết, hiện tại, ai cũng có công việc, cuộc sống, gia đình riêng, lại bận rộn chạy show nên việc tề tựu về bên nhau, để có được một sản phẩm như ngay xưa là điều khó thể làm được.
- Để có được không khí ấm sực của những ngày tết trong ký ức, thường người ta phải chuẩn bị bằng đôi tay của mình...
- Ngày trước hay bây giờ cũng vậy, tôi đều thích tự tay chuẩn bị mọi thứ trong gia đình từ bánh mứt, dưa món cho đến thức ăn dịp tết. Mẹ tôi vẫn la hoài vì thấy tôi cực quá, mà còn chạy đôn chạy đáo để lo như vậy. Nhưng kỳ thực, tôi không an tâm lắm nếu đồ ăn mà không do chính tay mình nấu. Nhiều năm lắm rồi, tôi cứ đi chợ An Đông, chỉ vào một cửa tiệm duy nhất để mua đồ, chen chúc mệt lắm nhưng không bỏ được thói quen này.
Còn đi chợ hoa, năm nào cũng mua đúng những loại đó, nhưng vẫn chen vào chợ từ lúc sáng, đi tới đi lui, ngắm cho thoả thích. Có năm, đi chợ hoa đến tận 1h sáng mới về đến nhà. Anh Minh Vy cũng la nhưng tôi thì cứ thích vậy nên chẳng bao giờ bỏ được. Với tôi, những món đồ vật, hay bất kỳ miền ký ức nào cũng đẹp, cũng đáng để nhớ trong đời.
- Minh Tuyết, Hà Phương, hình ảnh của 2 cô em gái ở đâu trong những ngày tết của chị?
- Những năm trước thì cả hai đứa về rất đều đặn, nhất là Hà Phương. Nhưng từ khi con Phương vào lớp 1 thì em ấy cũng rất bận, chỉ có thể thu xếp về trong dịp hè thôi. Tuyết thấy vậy cũng “đu” theo, không về luôn. Những năm trước, Minh Tuyết thường sẽ đi hát, và ghé nhà vào những ngày sau mùng. Năm nay, tôi cũng thuyết phục cả hai để về sum họp gia đình nhưng chưa thấy hồi âm gì cả. Minh Tuyết cứ có show là chạy.
Già thì già nhưng tôi sống với hồi ức ngày xưa nhiều hơn, tâm hồn vẫn ở với đại gia đình cũ ngày xưa hơn nên tôi rất chờ mong. Nói thật, tết nào, tôi cũng ngồi chờ mong đoàn viên với Hà Phương, Minh Tuyết và ba mẹ. Dù không còn ở bên cạnh nhau 24/24 như ngày xưa nhưng chỉ cần thấy mặt nhau là vui.
Video clip Cẩm Ly hát Cánh thiệp đầu xuân:
Bolero đang được thời, chắc chắn bị khai thác nhiều
- Vài năm trở lại đây, dòng nhạc bolero, trữ tình quê hương phát triển mạnh nhưng chị lại khá im ắng. Có thể nói, khán giả của Cẩm Ly đang chờ sản phẩm của chị như trời hạn trông mưa...
- 2 năm qua tôi gặp vấn đề về sức khoẻ nên không thể cho ra sản phẩm mới. Tôi cũng không muốn hứa hẹn nhiều. Tôi buồn vì lu bu với công việc riêng, và cả vấn đề sức khoẻ nên không thể làm gì hơn. Nhưng đây cũng là khoảng thời gian im lặng cần thiết sau những năm miệt mài trước đó. Thôi thì hãy để khán giả “khát nước” một chút vậy (cười). Khi đã có thời gian đủ dài, để ngẫm, để nhìn lại thì biết đâu sự trở lại lần này, tôi sẽ bứt phá hơn nữa. Tôi hay gọi vui quãng thời gian qua là ở ẩn để luyện nội công.
- Ở thời điểm này, chị cần “luyện công” gì nữa khi đã rất thành công với bolero, nhạc quê hương?
- Tôi đã có vị trí, có tên riêng nhưng phải làm cho khán giả yêu mình hơn chứ. Chẳng lẽ, đã được như vậy thì cứ đứng yên để tự giết mình sao. Dòng chảy hiện tại cũng rất khắt nghiệt với nhiều thế hệ vì có quá nhiều ca sĩ, nhiều dòng nhạc phải cạnh tranh với nhau. Đã làm nghệ sĩ, phải có dấu mốc để khán giả nhớ, yêu mình nhiều hơn qua năm tháng, có như thế mới sống lâu, sống bền với nghề này. Ai mà chẳng tham tình yêu thường của những người xung quanh (cười).
- Khoảng thời gian im ắng vừa qua, chị có quan sát những hoạt động của đồng nghiệp không?
- Ngồi ghế nóng các cuộc thi tôi cũng biết rất nhiều thứ. Năm vừa qua, có nhiều vấn đề xảy ra xoay quanh dòng nhạc bolero nhưng nói hoài, nói mãi thì cũng chẳng bao giờ đưa được một quan điểm chung. Âm nhạc là phạm trù về cảm xúc nên có người thích, kẻ không thích là chuyện thường. Chúng ta không thể cấm cản được cách người khác nghĩ hay phát ngôn như thế nào về bolero, nhạc quê hương.
Mỗi dòng nhạc đều có sức sống riêng, có lượng khán giả riêng của chúng. Mọi sự tồn tại hãy để cho khán giả quyết định. Có cầu ắt hẳn có cung. Mỗi người đều có quan điểm riêng thì chẳng ai dám nói rằng mình đúng hay mình sai. Mà nếu có đứng ra để nói, họ cũng chỉ nói dựa trên cảm nhận cá nhân. Cách cảm thụ thì làm sao đánh giá chính xác được.
- Bolero trở lại với khán giả thông qua gameshow. Theo chị, đây có phải là nơi để dòng nhạc này hưng thịnh?
- Nhạc cũng như thời trang, chỉ có bấy nhiêu mốt đó, cứ xoay vòng hết mốt này đến mốt kia chứ đâu thể thêm được điều gì nữa. Bolero lên ngôi thì nhạc trẻ phải lắng xuống để giữ được cân bằng. Khi một dòng nhạc đã bão hoà, chắc chắn sẽ có một dòng nhạc khác đủ sức để hút khán giả lại. Không có dòng nhạc nào chết cả, chúng chỉ trầm bổng theo từng giai đoạn, như những giai điệu trong một bài nhạc mà thôi.
Bolero đang trong giai đoạn sống hưng thịnh nhất nên chắc chắn người ta sẽ phải khai thác nhiều. Ai làm việc gì cũng phải tính đến yếu tố kinh doanh, thu lợi. Còn làm tốt, làm đúng, làm sai, làm đẹp hay không sẽ là câu chuyện khác nữa.
Có 2 luồng ý kiến, người thì nói sao lại phá đi nguyên bản của bolero, người lại bảo nghe hoài cái cũ thấy chán. Chúng ta có thể phá cách bolero nhưng trong chừng mực cho phép, đừng làm mất đi cái hồn, cái ý của tác giả. Điều này mới thực sự khó với những người làm mới bolero.
Dòng nhạc này không bao giờ chết. Có những thời điểm, bolero âm ỉ và len lỏi, không bùng phát, lời hát, giai điệu lại rất đời, rất gần, ai cũng có thể ngân nga được nên sẽ luôn có chỗ đứng vững. Bolero sẽ sống hoài.
- Ngồi giám khảo nhiều gameshow trong năm vừa qua, việc này giúp cho chị có cảm giác mới, và thích hơn việc đứng trên sân khấu?
- Nói thích hơn thì hơi quá bởi cuối cùng tôi cũng là ca sĩ. Tôi sống trên sân khấu là bằng việc mang lời ca tiếng hát chứ không phải làm giám khảo. Ngồi trên những chiếc ghế đó, tưởng dễ chứ không dễ. Sau một vài năm đảm nhận vai trò này, chính tôi cũng học được rất nhiều điều, đặc biệt khi lời nói tuôn ra thì không thể rút lại được.
Tôi thường nhìn khuyết điểm để nói nhiều hơn là đưa ra lời khen. Tôi cũng chấm điểm khắt khe hơn hẳn. Khán giả thường thích giám khảo phải là cô tiên ông bụt. Vì thế, cách tôi làm trên ghế giám khảo có thể không hay cho mình, nhưng nếu để chiều lòng khán giả, tôi không làm được.
Từ trẻ nhỏ, đến người trưởng thành ai mà không thích lời khen. Nhưng nếu không có người nói ra những khuyết điểm thì đôi lúc họ cũng chẳng biết mình đang đứng ở đâu, cần sửa những gì. Tôi góp ý, nhận xét thẳng nhưng không có ý dìm ai cả. Tôi cũng bị mang tiếng soi quá kỹ, quá tiểu tiết. Vì thế mà Đàm Vĩnh Hưng cứ hay chọc tôi là cô giáo khó tính, nghệ sĩ ưu tú, nhà giáo nhân dân Cẩm Ly. Tôi chỉ xem 9,5 là điểm cao nhất, còn điểm 10 thì phải quá tuyệt vời, thật xuất sắc.
Tôi và anh Minh Vy dù sao vẫn là người dưng khác họ
- Chị và ông xã, nhạc sĩ Minh Vy cùng hoạt động trong một dòng nhạc, có lẽ sẽ tìm được tiếng nói chung trong rất nhiều thứ...
- Dù là vợ chồng nhưng tôi và anh Minh Vy công việc ai nấy làm. Với những bài phối, nếu không cảm được, tôi sẽ nói ngay với anh ấy để điều chỉnh. Về chuyên môn, anh Vy đã giỏi rồi nên không cần đến lượt tôi chen vào. Người làm bài phối sẽ có cảm nhận khác, nhưng ca sĩ sẽ có cách nghĩ khác. Có thể, bản phối này anh Vy cảm thấy đã tai nhưng tôi lại hát không thích.
Tôi và anh Minh Vy, dù sao cũng người dưng khác họ đem lòng nhớ thương nhau mà (cười). Nghĩ tôi với anh mà đồng nhất, luôn tìm được tiếng nói chung là sai lầm!
- Cuộc sống cả hai đều rất bận rộn, anh chị có còn thời gian chăm sóc gia đình, con cái?
- Ngoài công việc, buộc tôi phải ra ngoài thì hầu hết thời gian tôi đều ở nhà nên có thể chu toàn cho các con. Tôi không có thú vui nào khác cả. Tôi chỉ đi qua đi lại trong nhà, sang phòng con dọn dẹp, xem phim hoặc chơi game. Ngoài ra, tôi cũng thích đi siêu thị, đi chợ để tìm quần áo cho con. Thời gian trước, tôi cũng có học thêu tranh chữ thập nhưng dạo gần đây quá bận nên cũng chưa tìm được thêm điều gì mới để thêu.
Hai vợ chồng đi suốt nên thời gian dành cho con có lúc không nhiều. Điều này đôi lúc cũng làm tôi nuối tiếc. Nhưng cuộc sống mà, trải nghiệm sẽ trở thành kinh nghiệm.
Gia đình tôi có thuê người giúp việc, các cháu cũng tương đối lớn rồi nên việc chăm sóc cũng không nặng nhọc lắm. Nhiệm vụ lớn nhất của anh Minh Vy là đưa đón các cháu đi học hằng ngày. Nhưng anh ấy rất bận nên cũng không có nhiều thời gian. Trong những ngày như thế thì tôi hoặc những người giúp việc trong nhà sẽ đảm nhận nhiệm vụ này.
- Có vẻ, anh chị đều là người khó tính, nếu có vấn đề xảy ra, ai sẽ là người chịu “xuống nước” để trong ấm ngoài êm?
- Những năm về trước, khi anh Minh Vy chưa chịu cởi mở với mọi người thì trông anh ấy lúc nào cũng khó gần. Nhưng khi tiếp xúc nhiều thì mới biết anh ấy cũng là người thoải mái, chịu giỡn, chịu đùa. Nhưng vào chuyên môn thì anh ấy khó và hay “nhằn” lắm. Tôi là người thường bị anh ấy nhăn nhiều nhất. Có lần, anh ấy nói rất thẳng về tôi trước mặt nhiều người. Anh ấy bảo đã là vợ chồng thì cần phải làm gương hơn cho người khác nữa. Anh Vy cũng rất dễ căng thẳng. Ông xã tôi là người có hai thái cực đối lập nhau hoàn toàn.
Còn tôi cũng là một người khó tính, nhưng không khó về kiểu cách mà khó về suy nghĩ. Có thể, tôi là người sống theo lối cũ nhiều. Nhưng có lẽ bao nhiêu năm chung sống đã đủ để tôi hay anh ấy hiểu về người còn lại. Tôi thích câu nói của ông bà xưa mình: "liệu cơm gắp mắm". Sống với nhau có đến 2 mặt con mà không nhường, không nhịn được nhau thì có phải quá dở không.
Mỗi gia đình, mỗi chuyện khác nhau nên chúng ta cứ tuỳ vào thực tế mà xử sự cho phải đạo. Với anh Minh Vy, tôi không có bất kỳ chiêu nào để anh ấy xuống nước khi có vấn đề. Tôi luôn giữ suy nghĩ rằng việc chúng ta xây nhà khó bao nhiêu thì đập đổ dễ bấy nhiều. Quan trọng hơn hết, bạn là người thích xây hay thích đập?
- Vậy, anh chị có còn đủ thời gian riêng để dành cho nhau?
- Nghề này, thời gian không cố định, có những lúc rảnh rỗi cả ngày nhưng cũng có hôm đi từ sáng sớm đến tối mịt mới về đến nhà. Chúng tôi cũng không thể đòi hỏi nhiều hơn việc dành thời gian cho nhau. Nếu muốn như thế, chỉ còn cách giải nghệ, không làm nữa thì mới có thời gian trọn vẹn cho gia đình. Tôi thường nghe mọi người tính chuyện hưởng thụ nhưng tôi lại chưa bao giờ có khái niệm này. Chuyện đi du lịch với tôi không phải là thú vui. Phải dậy sớm, lo toan đủ thứ khiến tôi đôi lúc sợ việc này. Du lịch trong nước còn có thể suy nghĩ chứ nghe đến chuyện đi nước ngoài, tôi ngán lắm.
- Điều này không khiến ông xã hay con của chị phàn nàn sao?
- Nói là nói như vậy chứ khi anh Minh Vy và các cháu lên kế hoạch thì có trốn đằng trời cũng chẳng thoát. Tôi không có sự phấn khởi, ham muốn như nhiều người về chuyện du lịch, hưởng thụ. Làm sao 1 người mà có thể thắng 3 người được, nhưng tôi sẽ quyết liệt đến cùng để bảo vệ quan điểm của mình.
Nhưng có một điều, tôi rất kỵ chuyện đi du lịch ngày tết. Với tôi, đây là dịp để quây quần, đoàn viên. Tôi chẳng muốn đi đâu xa rời căn nhà của mình cả.
Cách đây 2 năm, tôi có thuận ý anh và 2 con để đi du lịch Hàn Quốc ngay dịp tết. Một lần và tôi hối hận đến tận bây giờ. Với tôi, ngày tết là ở trên chính đất mẹ mình, để ngắm bông, ngắm hoa, cảm nhận không khí đang đến gần. Đi xa như vậy, dù có đẹp cỡ nào cũng đâu phải những thứ vốn dĩ thuộc về mình.
- Xin cảm ơn chị!
Bài, Ảnh: Thuỵ Khuê