Cảm hứng sống đẹp từ những đôi tay

01/11/2020 - 13:26

PNO - Một số ngành nghề, công việc tưởng chừng quen thuộc đôi khi lại phản ánh tinh thần kết nối xã hội rất riêng.

Không giàu có hay sở hữu quỹ từ thiện quy mô, những con người bình dị dưới đây, bằng sức lao động và óc sáng tạo đang thầm lặng đóng góp để xây dựng những giá trị tốt đẹp hơn cho cộng đồng. Câu chuyện về họ ẩn chứa thông điệp sẻ chia lẫn hy vọng sống tích cực, càng trở nên đáng quý giữa thời kỳ dịch bệnh khó khăn. 

Hơn cả một trải nghiệm cắt tóc

Mùa hè năm 2019, ngày nọ, Katie Steller đang trên đường lái xe đến chỗ làm, một salon tóc do cô làm chủ ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota (Mỹ). Trong lúc dừng đèn đỏ, Steller nhìn thấy một người đàn ông vô gia cư ngồi trầm tư bên vệ đường với tấm biển “cần giúp đỡ” trong tay. Kéo cửa kính xe xuống, cô hét lớn về phía ông: “Tôi đang làm dịch vụ cắt tóc miễn phí. Nếu giờ tôi đi lấy ghế, ông có muốn tôi cắt tóc giúp không?”. 

Người đàn ông khoảng 60 tuổi có mái tóc lưa thưa đã bạc màu mỉm cười và đồng ý. 

Steller và một khách hàng trò chuyện trong lúc cô cắt tóc miễn phí cho họ trên phố - Ảnh: Kare 11
Steller và một khách hàng trò chuyện trong lúc cô cắt tóc miễn phí cho họ trên phố - Ảnh: Kare 11

Steller nhanh chóng tạt qua salon, mang ghế rồi nhờ một nhân viên phụ việc theo cô quay lại điểm hẹn với Edward, người đàn ông vô gia cư. Vừa cắt tỉa lại mái tóc bạc, cô vừa hỏi chuyện Edward. Ông kể về nguyên nhân ông lưu lạc đến Minnesota, về gia đình và người mẹ ông vẫn ghé thăm mỗi ngày. Khi Steller hoàn tất công việc, người đàn ông vô gia cư cô bắt gặp ban nãy đã có mái tóc gọn gàng hơn cùng nụ cười mãn nguyện trên môi.

Đến nay, cô vẫn thường xuyên đi khắp thành phố, gặp gỡ và cắt tóc cho nhiều mảnh đời khốn khó như thế.  

“Điều tôi làm không chỉ là cắt tóc. Tôi muốn mọi người có cơ hội mở lòng, được lắng nghe, để họ thấy bản thân vẫn được tôn trọng và yêu thương. Đây cũng là cách giúp tôi có thêm những người bạn”, Steller nói.

Một trải nghiệm cắt tóc đã thay đổi chính cuộc đời Steller. Khi còn là thiếu niên, do phải chịu đựng chứng viêm đại tràng cấp, tóc cô rụng khá nhiều. Thấy vậy, mẹ Steller đưa cô đến một cửa hiệu cắt tóc chuyên nghiệp. “Ở hiệu làm tóc, lần đầu tôi được đối đãi bình thường, thay vì như một người bệnh với mái tóc xơ xác. Trải nghiệm ấy đã giúp tôi thấy mình được quan tâm và bớt cô độc”, cô bày tỏ.   

Mong mỏi lan tỏa tinh thần kết nối tương tự, từ năm 2009, sau khi tốt nghiệp trường thẩm mỹ, Steller bắt đầu “Dự án Ghế đỏ” khi cô chủ động tạo niềm vui cho mọi người bằng hoạt động cắt tóc miễn phí. 

“Tôi biết mình không thể giúp họ giải tỏa mọi khó khăn nhưng chí ít tôi có thể khiến họ cảm thấy được quan tâm qua việc lắng nghe những chia sẻ về nỗi đau mất người thân, về sự vấp ngã và nghèo đói”, Steller nói và tin rằng lòng tốt có thể biểu thị đơn giản qua một trải nghiệm cắt tóc miễn phí. “Bạn không thể biết chính xác một người sẽ hạnh phúc thế nào khi bạn đối xử nhân hậu và chân thành với họ”.

“Hàn gắn” những vết sẹo cuộc đời
Khi bị mất hai đốt ngón tay trong một tai nạn, công nhân Mark Bertram (46 tuổi) quyết định nhờ đến Eric Catalano, cựu nhân viên quản lý tài chính nay làm nghề thợ xăm ở thị trấn Hecker, bang Illinois (Mỹ) tạo nên hình vẽ móng tay giả. Ý tưởng ban đầu khiến mọi người tại cửa hàng xăm cười cợt, cho đến khi họ trông thấy kết quả hoàn chỉnh. 

Bức ảnh Catalano đăng tải, cho thấy bàn tay với hai ngón khuyết tật của Bertram trước và sau khi tạo hình Ảnh: Kaiser Health News
Bức ảnh Catalano đăng tải, cho thấy bàn tay với hai ngón khuyết tật của Bertram trước và sau khi tạo hình Ảnh: Kaiser Health News

Tấm ảnh Catalano đăng tải sau đó để quảng bá cho cửa hàng, với hình ảnh đôi bàn tay cùng hai móng tay giả nhưng trông thật đến khó tin đã thu hút sự chú ý của hàng triệu người trên mạng xã hội.

Ấn tượng bởi tác phẩm tạo ra cho Bertram, Catalano bắt đầu tiến sâu hơn vào thế giới xăm y khoa. Giờ đây, từ khắp mọi miền trong lẫn ngoài nước Mỹ, ngày càng nhiều người tìm tới anh để hàn gắn những vết sẹo tưởng chừng sẽ in hằn mãi mãi trên cơ thể họ.

“Phẫu thuật thẩm mỹ không giúp ích gì nên tôi đành chọn giải pháp khác”, Leslie Pollan, một khách hàng của Catalano, cho biết. Bằng kỹ năng tạo hình tài hoa, người thợ xăm đã “ngụy trang” khéo léo vết sẹo gần môi vì bị chó tấn công, giúp cô gái trẻ lấy lại sự tự tin. “Bạn không hiểu cảm giác mang một vết sẹo vĩnh viễn kinh khủng ra sao. Nhờ hình xăm, tôi đã có góc nhìn mới về cuộc sống”.

Tận dụng kỹ thuật xăm nhằm “tái định hình” sẹo, vết thương hậu phẫu thuật hoặc tai nạn vẫn là một lĩnh vực công việc khá mới. Tài năng của Catalano đặc biệt giúp ích nhiều bệnh nhân ung thư vú, những người thường phải sống với đường sẹo đầy ám ảnh để lại sau khi cắt bỏ khối u.

Eric Catalano bên trong cửa hiệu xăm của anh - Ảnh: Kaiser Health News
Eric Catalano bên trong cửa hiệu xăm của anh - Ảnh: Kaiser Health News

Giờ đây, Catalano, người đã hành nghề xăm hơn mười năm, dành hẳn ngày thứ tư hằng tuần để giúp đỡ những người cần anh. Và mỗi thứ tư, anh đều mở cửa đón khách miễn phí. “Về việc miễn phí, mọi người đều cho rằng tôi kỳ quặc. Nhưng mỗi khi chứng kiến phản ứng của khách hàng trước những gì tôi tạo ra giúp họ, tôi chắc chắn sẽ tiếp tục công việc này đến khi nào sức lực còn cho phép”, Catalano nói.   

Nữ thợ may “đường phố” 

Ban ngày, Makayla Wray, nữ thợ may 29 tuổi, sống tại khu East Village, New York (Mỹ), làm việc cho một nhà tạo mẫu cao cấp. Thế nhưng, mỗi thứ ba, tư và năm hằng tuần, từ 17g30 đến khi trời tối, cô rảo bước quanh những con phố nhộn nhịp cùng chiếc xe đẩy cũ tự chế - “hiệu may” nhỏ độc đáo 
của Wray. 

“Trong văn phòng, tôi tạo nên những thiết kế trên sàn diễn lớn. Đến chiều, tôi sửa chữa những thứ đơn giản theo yêu cầu”, cô chia sẻ. 

Makayla Wray cạnh “hiệu may” lưu động cô tái dựng từ một chiếc xe đẩy bán cà phê - Ảnh: New York Post
Makayla Wray cạnh “hiệu may” lưu động cô tái dựng từ một chiếc xe đẩy bán cà phê - Ảnh: New York Post

Nếu đại dịch COVID-19 đang kéo chùng sức sống ở nhiều đô thị, Wray và chiếc xe đẩy gợi nhớ đến một nét văn hóa may mặc quanh New York giờ đây đã biến mất. “Có người bảo, tôi đang giúp giữ gìn linh hồn thành phố này”, Wray nói, khi được hỏi về mục tiêu sửa chữa, may vá trang phục vì cộng đồng.  

Trước đây là chiếc xe đẩy chuyên bày bán cà phê, nay được trang bị thêm bàn ủi kèm máy khâu tiện lợi, “cửa hàng may” Wray xây dựng đi vào hoạt động từ tháng sáu năm nay. Với một mức giá nhỏ tượng trưng, Wray nhận giải quyết mọi vấn đề về khâu vá, từ nhanh gọn như đơm nút áo đến phức tạp như việc làm nón bucket từ chiếc quần âu cũ. 

Wray chia sẻ: “Tôi cố gắng tận dụng mọi chất liệu sẵn có. Tôi từng dùng vải vụn tạo thành hẳn một con gấu bông”. Với cô, vô số khoảnh khắc nghề nghiệp đáng nhớ đều xoay quanh “hiệu may đường phố”, nơi Wray có cơ hội giúp mọi người sửa chữa hay làm mới một bộ quần áo sờn cũ nhưng đầy giá trị kỷ niệm. 

“Có một khách hàng khiến tôi nhớ mãi. Anh ấy đến nhờ tôi khâu lại hàng tá vết rách lỗ chỗ trên chiếc quần quân đội - món quà truyền tay từ người ông của anh, một cựu binh đã qua đời. Tôi hạnh phúc khi có thể giúp ai đó lưu giữ lâu hơn một kỷ vật họ quý trọng”. 

Như Ý

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI